Phó Thủ tướng: 33,5 nghìn tỷ đồng đã giải ngân để phục hồi kinh tế

Google News

Phó Thủ tướng thường trực Phạm Bình Minh cho biết, tính đến hết tháng 5/2022, đã giải ngân 33,5 nghìn tỷ đồng để phục hồi kinh tế.

Chiều 9/6 tại kỳ họp thứ 3 của Quốc hội, thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng thường trực Phạm Bình Minh trình bày báo cáo giải trình các vấn đề được đại biểu Quốc hội và đồng bào, cử tri cả nước quan tâm, chất vấn. Trong đó, Phó Thủ tướng nhắc đến quá trình phục hồi kinh tế sau COVID-19, tiến độ giải ngân đầu tư công...

Pho Thu tuong: 33,5 nghin ty dong da giai ngan de phuc hoi kinh te

Phó Thủ tướng thường trực Phạm Bình Minh giải trình một số vấn đề được Đại biểu Quốc hội quan tâm. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc).

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết, ngay sau khi Quốc hội thông qua Nghị quyết số 43/2022/QH15, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 với các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể.

Đến nay, Chính phủ đã ban hành 6 nghị định để thực hiện chính sách miễn, giảm, gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất, chính sách cho vay, hỗ trợ lãi suất. Thủ tướng ban hành 3 quyết định về hỗ trợ tiền thuê nhà đối với người lao động, cho vay học sinh, sinh viên và các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập; đã thông báo tổng mức vốn 149.201 tỷ đồng, danh mục và mức vốn dự kiến cho 113 nhiệm vụ, dự án cụ thể.

Về kết quả, đến hết tháng 5/2022 đã thực hiện khoảng 33,5 nghìn tỷ đồng, trong đó, miễn, giảm thuế, phí 22,6 nghìn tỷ đồng (đạt khoảng 35% kế hoạch). Ngân hàng Chính sách xã hội đã giải ngân 4.869 tỷ đồng cho 4/5 chương trình tín dụng chính sách của Chương trình. Các địa phương đã hỗ trợ tiền thuê nhà cho 2.431 người theo Nghị quyết số 11/NQ-CP.  

Phó Thủ tướng cho biết thời gian tới, Chính phủ, Thủ tướng sẽ tập trung chỉ đạo các bộ, cơ quan khắc phục mọi khó khăn, triển khai chương trình nhanh hơn, hiệu quả và thực chất. 

Sau phần báo cáo của Phó Thủ tướng, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai tranh luận: sau khi đọc báo cáo của Chính phủ tại phiên chất vấn hôm nay, đối chiếu với báo cáo do Phó thủ tướng Lê Minh Khái trình bày trước Quốc hội một tuần trước (2/6), thấy có sự chênh lệch về số liệu giải ngân gói phục hồi kinh tế.

Cụ thể Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã nói "Đến hết tháng 5 Chính phủ giải ngân được 22.000 tỷ trên 300.000 tỷ trong gói phục hồi kinh tế”. Trong khi hôm nay, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đã nói đến hết tháng 5 Chính phủ giải ngân được 33,5.000 tỷ. Như vậy, cùng một thời điểm tính toán, số liệu giải ngân khác nhau là 11.500 tỷ. "Vậy đâu là kết quả chính xác", bà Mai hỏi.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết, ông chưa đối chiếu số liệu với báo cáo do Phó thủ tướng Lê Minh Khái trình bày trước đó. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính sẽ tổng hợp số liệu cuối cùng về vấn đề giải ngân.

Ông Minh giải thích thêm, việc giải ngân được báo cáo theo từng thời kỳ, có những lúc khác nhau. Trong các cuộc họp Chính phủ cũng nêu vấn đề này. Bộ Tài chính tính kết quả giải ngân trên cơ sở các nguồn được quyết toán từ kho bạc nhà nước. Còn các tỉnh, thành là thực tế. Vì vậy, giữa hai việc tổng hợp số liệu này thường có sự chênh lệch.

Giải ngân đầu tư công còn chậm

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, đầu tư công là nguồn lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, do đó, vừa phải thúc đẩy kịp thời tiến độ vừa phải tính toán kỹ lưỡng để nâng cao chất lượng, hiệu quả. Chính phủ, Thủ tướng đã chỉ đạo quyết liệt giải ngân vốn đầu tư công, nhất là trong yêu cầu phục hồi nhanh, phát triển bền vững kinh tế - xã hội năm 2021-2022.

Tính đến 31/5/2022, đã giải ngân 22,37% kế hoạch, trong đó, vốn trong nước đạt 23,53%, vốn ODA đạt 6,26%.

Trong tháng 5/2022, 6 tổ công tác do Thủ tướng thành lập đã làm việc và kiểm tra thực tế tình hình giải ngân tại các bộ, cơ quan, địa phương. Quá trình làm việc đã xác định rõ nguyên nhân chậm giải ngân, trong đó, tổ chức thực hiện được xác định là khâu yếu. Hầu hết các bộ, cơ quan, địa phương đều cam kết sẽ có giải pháp mạnh mẽ, cụ thể hơn để hoàn thành giải ngân trên 95% kế hoạch vốn được giao trong năm 2022.

"Thời gian tới, Chính phủ, Thủ tướng tiếp tục chỉ đạo các bộ, cơ quan, địa phương phải xác định giải ngân vốn đầu tư công là một nhiệm vụ chính trị trọng tâm của năm 2022, cần quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành, thực hiện đồng bộ các giải pháp đẩy nhanh giải ngân", Phó Thủ tướng nói. 

Thu ngân sách nhà nước 5 tháng đạt 800.000 tỷ đồng

Báo cáo trước Quốc hội, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết những kết quả đạt được thời gian qua là dịch bệnh được kiểm soát vững chắc hơn; kinh tế vĩ mô ổn định; các cân đối lớn được bảo đảm; các lĩnh vực văn hóa, xã hội, môi trường chuyển biến tích cực; quốc phòng, an ninh, ổn định chính trị được giữ vững; trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm; công tác đối ngoại được đẩy mạnh; đời sống người dân tiếp tục được cải thiện.

Về tình hình kinh tế - xã hội, so với cùng kỳ năm trước, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước 5 tháng tăng 9,5%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 7,71 tỷ USD; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 305 tỷ USD; xuất siêu 516 triệu USD; thu ngân sách nhà nước 5 tháng đầu năm đạt 806.000 tỷ đồng. Nhiều tổ chức quốc tế đánh giá, dự báo tích cực hơn về kinh tế Việt Nam, trong đó chỉ số phục hồi COVID-19 tăng 48 bậc, lên vị trí thứ 14; xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn lên mức BB+, triển vọng "ổn định"; chỉ số Chính phủ tốt năm 2022 tăng 4 bậc...

Các tổ chức quốc tế đánh giá, dự báo tích cực về kinh tế Việt Nam

Theo Phó Thủ tướng, dịch COVID-19 tiếp tục được kiểm soát tốt trên toàn quốc, tạo điều kiện thuận lợi cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định, các cân đối lớn được bảo đảm, lạm phát được kiểm soát. Sản xuất công nghiệp tiếp tục phục hồi; khu vực nông nghiệp phát triển ổn định; khu vực dịch vụ phục hồi nhanh.

Những kết quả ấn tượng này khiến nhiều tổ chức quốc tế đánh giá, dự báo tích cực về kinh tế Việt Nam. Trong đó, chỉ số phục hồi COVID-19 tăng 48 bậc, lên vị trí thứ 14; xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn lên mức BB+, triển vọng "Ổn định"; chỉ số Chính phủ tốt năm 2022 tăng 4 bậc...

Bức xúc nạn san ủi đất lâm nghiệp để phân lô bán nền

Đại biểu Hoàng Ngọc Định phản ánh thời gian qua, tình trạng san ủi đất lâm nghiệp, đất đồi núi không phù hợp với quy hoạch để phân lô, sang nhượng trái phép diễn ra phức tạp ở nhiều địa phương. Ông đề nghị Phó Thủ tướng cho biết Chính phủ có giải pháp gì để chấn chỉnh, khắc phục tình trạng này?

Phó thủ tướng Phạm Bình Minh thừa nhận có tình trạng nói trên tại các địa phương. Việc này có nhiều nguyên nhân, như lợi nhuận lớn từ việc chiếm dụng đất đai, giá trị quyền sử dụng đất tăng lên sau khi chuyển đổi mục đích, do yếu kém trong quản lý của các địa phương, việc lập quy hoạch chưa đúng, quy hoạch của các địa phương cũng chưa liên thông...

Chính phủ đã đưa ra một số chỉ thị, tại Nghị quyết 63 mới đây, Chính phủ đã chỉ đạo UBND các tỉnh thành phố tích cực chỉ đạo, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân phân lô bán nền. Tại chỉ thị 05 ngày 18/5, Thủ tướng đã giao tăng cường xử lý các hành vi vi phạm quy định về quản lý bảo vệ rừng; hoàn thiện quy định về quản lý đất đai; kiểm tra xử lý các vi phạm...

Theo Đầu Tư/VTC News

>> xem thêm

Bình luận(0)