Trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, Công ty CP Sữa Quốc Tế được giới thiệu có trụ sở chính tại thôn Đức Thịnh, xã Tản Lĩnh, huyện Ba Vì, TP Hà Nội. Người đại diện theo pháp luật công ty hiện là ông Tô Hải, Chủ tịch HĐQT và bà Đặng Phạm Minh Loan, Tổng Giám đốc.
Liên tục bổ sung vốn lưu động
Công ty CP Sữa Quốc tế (mã: IDP) vừa thông qua việc triển khai phương án phát hành gần 1,18 triệu cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP), tương đương 1,9% cổ phiếu đang lưu hành cho lãnh đạo và người lao động với giá 10.000 đồng/cp.
Sữa Quốc Tế dự kiến thực hiện phương án này trong quý IV/2023 hoặc quý I/2024, sau khi nhận được thông báo bằng văn bản của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước về việc nhận được đầy đủ tài liệu báo cáo phát hành của IDP. Mục đích nhằm bổ sung vốn lưu động. Với giá phát hành 10.000 đồng/cp, tổng trị giá phát hành lần này sẽ gần 11,8 tỷ đồng.
Trong khi đó, trên thị trường, đóng cửa phiên giao dịch ngày 24/11, cổ phiếu IDP của Sữa Quốc Tế dừng ở mức 257.500 đồng/cp, tạm tính theo thị giá này, số cổ phiếu ESOP dự kiến phát hành có giá tcrị khoảng 300 tỷ đồng. Dự kiến sau phát hành cổ phiếu ESOP thành công, Sữa Quốc tế sẽ nâng tổng số cổ phiếu lên hơn 62,5 triệu đơn vị, tương ứng vốn điều lệ hơn 625 tỷ đồng. Lượng cổ phiếu này sẽ bị hạn chế chuyển nhượng 1 năm kể từ ngày kết thúc đợt phát hành.
Trong năm nay, vào tháng 8/2023, Sữa Quốc tế cũng đã hoàn tất đợt phát hành hơn 2,4 triệu cổ phiếu riêng lẻ với giá 254.044 đồng/cổ phiếu để huy động thêm gần 611 tỷ đồng. Toàn bộ số cổ phiếu IDP trên được mua bởi Daytona Investments Pte. Ltd (trụ sở tại Singapore) – hiện đang là cổ đông ngoại lớn nhất của Sữa Quốc Tế. Sau giao dịch, Daytona Investments Pte. Ltd nâng tỷ lệ sở hữu từ 8,99% (tương ứng 5,3 triệu cp) lên 12,56% (tương đương hơn 7,7 triệu cp) vốn điều lệ tại Sữa Quốc Tế .
Với giá bán 254.044 đồng/cp, Sữa Quốc Tế thu ròng gần 599 tỷ đồng (sau khi trừ các chi phí liên quan). Song song đó, vốn điều lệ của Sữa Quốc Tế tăng từ 589 tỷ đồng lên 613 tỷ đồng.
Với số tiền huy động trên, Sữa Quốc tế dự kiến dùng 230 tỷ đồng để mua nguyên vật liệu phục vụ sản xuất, kinh doanh; 140,1 tỷ đồng bổ sung vốn lưu động; 100 tỷ đồng trả nợ vay Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV); 100 tỷ đồng trả nợ vay Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank); và 40,9 tỷ đồng thanh toán chi phí marketing.
|
Sắp phát hành cổ phiếu ESOP hơn 300 tỷ, nguồn tiền Sữa Quốc Tế thế nào? (ảnh minh họa: Internet). |
Trong diễn biến gần đây, Hội đồng quản trị (HĐQT) Sữa Quốc Tế đã thông qua việc góp 100% vốn thành lập công ty con là Công ty TNHH Sữa Quốc Tế - Hưng Yên (IDP Hưng Yên) với vốn điều lệ 600 tỷ đồng. Ông Tô Hải (sinh năm 1973) được bổ nhiệm giữ chức Chủ tịch IDP Hưng Yên, đồng thời là người đại diện sở hữu 70% phần vốn góp của Sữa Quốc Tế tại công ty con này.
Bên cạnh đó, bà Đặng Phạm Minh Loan (sinh năm 1977) được bổ nhiệm giữ vị trí Tổng Giám đốc IDP Hưng Yên đồng thời đại diện 30% phần vốn góp còn lại của Sữa Quốc Tế; bà Chu Hải Yến (sinh năm 1977) giữ vị trí Phó Tổng Giám đốc. Đây cũng là 2 người đại diện pháp luật của IDP Hưng Yên.
Đáng chú ý, cả 3 nhân sự trên hiện đều là lãnh đạo cấp cao của Công ty CP Sữa Quốc Tế. Trong đó, ông Tô Hải hiện là Chủ tịch HĐQT, còn bà Loan là thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc và bà Yến là Phó Tổng Giám đốc công ty.
Trước đó, vào tháng 5/2023, HĐQT Sữa Quốc Tế đã thông qua việc giải thể một công ty con hoạt động trong lĩnh vực bất động sản sau 9 tháng thành lập, là Công ty CP Đầu tư Green Light với vốn điều lệ 500 tỷ đồng, trong đó Sữa Quốc Tế sở hữu 99,98% vốn. Công ty cho biết mục đích giải thể nhằm cơ cấu lại danh mục đầu tư.
Ở chiều ngược lại, cuối tháng 6/2023, HĐQT Sữa Quốc Tế đã thông qua việc mua phần vốn góp và góp thêm vốn tại Công ty PT Produk Susu Internasional (trụ sở tại Indonesia), hoạt động trong lĩnh vực bán buôn sữa và các sản phẩm từ sữa với vốn điều lệ là 50 triệu Rp, tương đương 3.369 USD.
Theo đó, Sữa Quốc Tế sẽ nhận chuyển nhượng 99,9% vốn điều lệ PT Produk Susu Internasional từ cổ đông Raditya Adhi Pradana với giá hơn 49,9 triệu Rp, tương đương 3.366 USD (khoảng 80 triệu đồng). Sau khi nhận chuyển nhượng phần vốn góp, Sữa Quốc Tế dự kiến góp thêm hơn 1,49 triệu USD (35 tỷ đồng) vào Produk Susu Internasional để tăng vốn điều lệ công ty lên 1,5 triệu USD. Thời hạn góp vốn là theo quy định pháp luật của Indonesia và Việt Nam.
Ngoài ra, mới nhất, ngày 20/11/2023 vừa qua, HĐQT Sữa Quốc Tế cũng đã thông qua việc mở hạn mức tín dụng 950 tỷ đồng tại Ngân hàng BIDV chi nhánh Bến Nghé và 500 tỷ đồng tại Ngân hàng VPBank với các hình thức thực hiện vay vốn/phát hành bảo lãnh/phát hành thư tín dụng đối với dự án Công ty CP Sữa Quốc Tế, chi nhánh Bình Dương (giai đoạn 1) và phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh các sản phẩm sữa giai đoạn 2023 – 2024…
Sữa Quốc Tế kinh doanh ra sao?
Tìm hiểu được biết, Công ty CP Sữa Quốc tế được thành lập năm 2004, hoạt động chủ yếu là sản xuất sữa và các sản phẩm chế biến từ sữa, được biết đến với thương hiệu sữa hộp Kun, sữa Ba Vì và LIF (love in farm - bao gồm sữa chua nông trại và sữa chua đầu tiên từ 100% sữa tươi). Sữa Quốc Tế chính thức hoạt động theo mô hình công ty cổ phần từ năm 2005. Công ty được giới đầu tư biết đến nhiều hơn sau khi đón nhận 75 triệu USD từ hai nhà đầu tư lớn VinaCapital và Tập đoàn đầu tư Daiwa (Nhật Bản) vào tháng 11/2014.
Hiện tại, Sữa Quốc Tế đang sở hữu 3 nhà máy chế biến sữa tại huyện Chương Mỹ và huyện Ba Vì (TP Hà Nội) và huyện Củ Chi (TPHCM). Ngoài ra, công ty đang tiến hành xây dựng một nhà máy chế biến sữa tại Khu công nghiệp Bàu Bàng mở rộng, xã Long Tân, huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương, với quy mô 300.000 tấn sản phẩm/năm.
Theo báo cáo kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh hợp nhất quý III/2023, Sữa Quốc Tế ghi nhận 1.646 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng nhẹ 1% so với cùng kỳ 2022. Giá vốn hàng bán ghi nhận đạt 967 tỷ đồng, giảm 56,9 tỷ đồng, tương ứng giảm 6% so với cùng kỳ năm trước do giá nguyên liệu đầu vào giảm, qua đó góp phần giúp lợi nhuận gộp đạt gần 679 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ.
Trong kỳ, nhìn chung, các chi phí đều tăng so với cùng kỳ, như chi phí tài chính đạt 18 tỷ đồng, tăng 55% và chi phí quản lý doanh nghiệp ghi nhận đạt 51 tỷ đồng, tăng 24%. Trong khi đó, ở chiều ngược lại, chi phí bán hàng ghi nhận gần 323 tỷ đồng, giảm 3% so với cùng kỳ. Sau khi khấu trừ chi phí, Sữa Quốc Tế báo lãi sau thuế 255 tỷ đồng, tăng 33% so với cùng kỳ.
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2023, doanh thu và lợi nhuận sau thuế của Sữa Quốc Tế lần lượt đạt 4.978 tỷ đồng và 708 tỷ đồng, lần lượt tăng 13% và 10% so với cùng kỳ. Trong năm 2023, Sữa Quốc tế lên kế hoạch kinh doanh với doanh thu 7.141 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 776 tỷ đồng. Như vậy, sau 9 tháng, Sữa Quốc Tế đã hoàn thành hơn 91% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm.
Trên bảng cân đối kế toán hợp nhất, tại ngày 30/9/2023, Sữa Quốc Tế có quy mô tài sản gần 4.873 tỷ đồng, tăng 27% so với thời điểm đầu năm, trong đó chiếm chủ yếu là các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn là tiền gửi có kỳ hạn tại ngân hàng đạt gần 2.059 tỷ đồng.
Về phía nguồn vốn, nợ phải trả của Sữa Quốc Tế tại thời điểm 30/9/2023 ghi nhận đạt 2.024 tỷ đồng, giảm nhẹ so với đầu năm; trong đó, lớn nhất là nợ vay ngắn hạn gần 614 tỷ đồng, giảm 17% so với đầu năm. Công ty còn khoản lợi nhuận sau thuế chưa phân phối cuối quý III/2023 đạt gần 1.380 tỷ đồng.