Chính phủ vừa ban hành nghị định 137/2020/NĐ-CP về quản lý, sử dụng pháo; trong đó quy định người dân được đốt pháo hoa có hiệu ứng âm thanh, nhưng không bao gồm tiếng nổ. Điều 17 của Nghị định 137/2020 cho phép cơ quan, tổ chức, cá nhân chỉ cần có năng lực hành vi dân sự đầy đủ thì được sử dụng pháo hoa trong các dịp lễ, Tết, sinh nhật, cưới hỏi, hội nghị, khai trương, ngày kỷ niệm và trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật.
Pháo hoa được sử dụng là loại tạo ra các hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, màu sắc trong không gian nhưng không được gây ra tiếng nổ. Đơn cử như cây pháo dài một gang tay, nhỏ bằng ngón tay cái mà người dân thường dùng đốt, cắm trên bánh sinh nhật, hoặc loại tròn to bằng cổ tay và dài vài chục cm hay đốt trong đám cưới, tân gia hoặc lễ động thổ khai trương.
Trên thị trường, các loại pháo hoa que dùng trong sinh nhật được bán khá phổ biến. Giá pháo hoa que phụ thuộc vào kích thước dài hay ngắn.
|
Pháo hoa que, pháo phụt được bán rộng rãi. Ảnh chụp màn hình |
Chẳng hạn, pháo hoa que sinh nhật 10cm có giá khoảng 9.000 đồng/bịch (10 que).
Hay pháo bông que dài 30cm cầm tay cho sinh nhật giá chỉ 10.000 đồng/túi (5 que).
Loại pháo phụt cắm bánh sinh nhật 15-20cm, có giá từ 15.000 - 25.000 đồng/bịch (6 chiếc).
Trong khi đó, loại pháo phụt giấy dùng trong đám cưới (80cm) có giá đắt hơn, từ 149.000 - 250.000 đồng/combo 6 cây.
Bên cạnh đó còn có loại pháo điện sử dụng nhiều trên sân khấu khi tổ chức sự kiện. Loại pháo này giá từ 20.000 - 50.000 đồng/quả.
|
Pháo phụt dùng trong sinh nhật. |
Các loại pháo hoa không nổ này có thể đốt ở mọi hướng gió. Tuy nhiên, người tiêu dùng phải tuân thủ quy tắc sử dụng an toàn vì sau khi pháo được đốt, các chất còn lại vẫn rất nóng trong thời gian nhất định nên có thể làm bỏng tay trẻ em. Mọi người nên đặt chậu nước gần bên mỗi khi đốt pháo để có thể nhúng ngay tay, chân vào nước trong trường hợp bị bỏng.
Ngoài ra, người sử dụng được khuyến cáo phải đọc kỹ hướng dẫn sử dụng, chỉ đốt pháo ở ngoài trời quang đãng; trẻ em chỉ được đốt pháo dưới sự giám sát của người lớn; chỉ được đốt từng pháo một.
Điều 17, Nghị định 137 cho phép cơ quan, tổ chức, cá nhân chỉ cần có năng lực hành vi dân sự đầy đủ sẽ được sử dụng pháo hoa dịp lễ, Tết, sinh nhật, cưới hỏi, hội nghị, khai trương, ngày kỷ niệm và trong hoạt động văn hóa nghệ thuật. Tuy nhiên, các tổ chức, cá nhân khi sử dụng chỉ được mua pháo hoa tại các tổ chức, doanh nghiệp được phép sản xuất kinh doanh pháo hoa... song là loại không phát ra tiếng nổ và phát sáng ở tầm thấp.
Theo đại diện Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Bộ Công an), ở đây phải hiểu pháo hoa được phép đốt là loại pháo mà người dân tổ chức đám cưới hay đốt phát ra ánh sáng, có tiếng xì xì, không có thuốc nổ, không phải quả pháo hoa đốt lên trời phát nổ. Với loại pháo hoa nổ bây giờ vẫn cấm tuyệt đối vì loại pháo này có thuốc nổ, gây nguy hiểm và nếu người dân sử dụng vẫn bị quy trách nhiệm hình sự hoặc xử lý hành chính.