Theo Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp cho biết, Công ty CP Tập đoàn Đạt Phương được thành lập ngày 12/3/2002, hoạt động chính trong lĩnh vực xây dựng công trình kỹ thuật dân dụng khác. Doanh nghiệp có địa chỉ trụ sở chính tại tầng 15, tòa nhà Handico, Khu đô thị mới Mễ Trì Hạ, đường Phạm Hùng, phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội. Tổng Giám đốc công ty kiêm người đại diện theo pháp luật là ông Trần Anh Tuấn.
Thống kê dữ liệu đấu thầu cho thấy, Công ty CP Tập đoàn Đạt Phương được công bố đã tham gia 61 gói thầu, trong đó trúng 53 gói, trượt 4 gói, 4 chưa có kết quả, với tổng giá trị trúng thầu là 23.897 tỷ đồng.
Trong lĩnh vực năng lượng, Đạt Phương được biết đến là chủ đầu tư thuỷ điện Sông Bung 6 tại thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Nam Giang và xã Ka Dăng huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam, có quy mô 674 tỷ đồng.
Dồn nguồn lực cho thủy điện Sơn Trà
Hội đồng quản trị (HĐQT) Công ty CP Tập đoàn Đạt Phương (mã: DPG) vừa thông qua việc thế chấp cổ phiếu và toàn bộ quyền lợi phát sinh từ số lượng cổ phiếu thuộc sở hữu của Đạt Phương tại Công ty CP Thủy điện Đạt Phương Sơn Trà để đảm bảo khoản vay trung dài hạn cho dự án thủy điện Sơn Trà tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) - chi nhánh Thăng Long. Dự án do Đạt Phương Sơn Trà làm chủ đầu tư.
Tập đoàn Đạt Phương cam kết bảo lãnh vô điều kiện, không hủy ngang để trả nợ thay Đạt Phương Sơn Trà trong trường hợp công ty con này không trả nợ vay cho BIDV đầy đủ, đúng hạn. Tài sản bảo đảm được Đạt Phương đưa ra để bảo lãnh cho khoản vay của Đạt Phương Sơn Trà bao gồm 32,7 triệu cổ phiếu của ông Lương Minh Tuấn (Chủ tịch HĐQT Đạt Phương) và 5,6 triệu cổ phiếu của ông Đinh Gia Nội (Phó Tổng Giám đốc Đạt Phương). Tổng cộng 38,38 triệu cổ phiếu, tổng giá trị thế chấp theo mệnh giá gần 384 tỷ đồng.
|
Phải thế chấp cổ phiếu cty con làm thủy điện, "sức khỏe" tài chính Đạt Phương sao? (ảnh minh họa: Đạt Phương Group). |
Được biết, Công ty CP Thuỷ điện Đạt Phương Sơn Trà có tiền thân là Công ty CP 30-4 Quảng Ngãi, được thành lập vào ngày 24/3/2010, hoạt động chính trong lĩnh vực sản xuất, truyền tải và phân phối điện. Doanh nghiệp có địa chỉ tại thôn Mang Trẫy, xã Sơn Lập, huyện Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi. Người đại diện theo pháp luật công ty là ông Đinh Gia Nội. Tại thời điểm 30/9/2023, Đạt Phương đang sở hữu 68,3% vốn tại Công ty CP Thuỷ điện Đạt Phương Sơn Trà.
Công ty CP Thủy Điện Đạt Phương Sơn Trà có 3 nhà máy thủy điện Sơn Trà đã hòa vào lưới điện quốc gia, gồm 1A, 1B và 1C, nằm trong dự án thủy điện Sơn Trà 1 của công ty.
Theo thông tin Đạt Phương công bố, dự án thủy điện Sơn Trà 1 là công trình thủy điện lớn thứ 2 trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, được xây dựng trên địa bàn xã Sơn Lập (huyện Sơn Tây) và xã Sơn Kỳ (huyện Sơn Hà), tổng vốn đầu tư 2.494 tỷ đồng.
Trong đó, hai nhà máy thủy điện Sơn Trà 1A và 1B có tổng công suất 60MW (mỗi nhà máy 30MW), tổng sản lượng điện bình quân hàng năm gần 220 triệu kWh. Còn nhà máy thủy điện Sơn Trà 1C có quy mô 9MW, sản lượng điện bình quân hàng năm khoảng 32,46 triệu kWh.
Ở diễn biến liên quan, trước đó, ngày 21/11/2023, HĐQT Đạt Phương cũng thông qua việc Đạt Phương cho Đạt Phương Sơn Trà vay tối đa 500 tỷ đồng trong thời hạn 1 tháng để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh.
Cũng trong ngày 21/11, HĐQT Đạt Phương thông qua việc công ty sẽ thực hiện vay vốn tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn Hà Nội (SHB) - chi nhánh Thăng Long với hạn mức tín dụng tối đa 100 tỷ đồng. Tài sản bảo đảm là các tài sản thuộc quyền sở hữu của Đạt Phương cũng như bên thứ ba tại SHB Thăng Long.
Xây lắp “gánh” doanh thu, nợ phải trả gấp 1,75 lần vốn chủ sở hữu
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2023 được công bố, doanh thu thuần của Đạt Phương ghi nhận đạt gần 867,4 tỷ đồng, giảm nhẹ 1,3% so với cùng kỳ năm trước.
Trong cơ cấu doanh thu, phần lớn doanh thu của Đạt Phương đến từ hợp đồng xây dựng với 803 tỷ đồng (tăng 35%); tuy nhiên doanh thu từ bán điện thương phẩm giảm mạnh xuống còn gần 59 tỷ đồng, tương ứng giảm 43,8%. Doanh thu cung cấp dịch vụ đạt 5,3 tỷ đồng, không ghi nhận doanh thu kinh doanh bất động sản đầu tư.
Trong kỳ, giá vốn hàng bán của Đạt Phương tăng 13% lên 771,7 tỷ đồng, do đó, lợi nhuận gộp giảm 51% so với cùng kỳ, về mức 95,7 tỷ đồng. Cùng đó, doanh thu từ hoạt động tài chính ghi nhận còn hơn 4,4 tỷ đồng, giảm 40% so với cùng kỳ do giảm lãi tiền gửi có kỳ hạn và lãi cho vay. Công ty cũng tiết giảm được 18% chi phí quản lý doanh nghiệp ở mức 18,2 tỷ đồng, trong khi chi phí tài chính không đổi ở mức 45,3 tỷ đồng.
Sau khi khấu trừ chi phí, Đạt Phương báo lãi sau thuế đạt mức 30,7 tỷ đồng, tương ứng giảm 66,73% so với cùng kỳ năm 2022. Đạt Phương lý giải, do doanh thu lợi nhuận mảng sản xuất điện và mảng bất động sản giảm so với cùng kỳ làm cho lợi nhuận giảm.
Luỹ kế 9 tháng đầu năm 2023, Đạt Phương ghi nhận doanh thu thuần đạt hơn 2.026 tỷ đồng, giảm 9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xây lắp vẫn là trụ cột với doanh thu 1.631 tỷ đồng (tăng 25%), trong khi mảng kinh doanh điện thương phẩm giảm 21% (đạt 355 tỷ đồng), còn doanh thu kinh doanh bất động sản chỉ đạt 26 tỷ đồng, giảm 94%.
Với doanh thu đi lùi, lợi nhuận gộp 9 tháng của Đạt Phương cũng giảm 44% so với cùng kỳ, đạt 367 tỷ đồng. Kết quả, lợi nhuận sau thuế doanh nghiệp sau 9 tháng chỉ đạt gần 168 tỷ đồng, giảm 55% so với cùng kỳ.
Trong năm 2023, Đạt Phương đặt kế hoạch doanh thu thuần hợp nhất đạt 3.436 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 287,6 tỷ đồng. Như vậy, sau 9 tháng, doanh nghiệp đã thực hiện được 59% mục tiêu doanh thu và 58,4% mục tiêu lợi nhuận năm.
Tính đến ngày 30/9/2023, tổng tài sản của Đạt Phương ghi nhận đạt 6.257 tỷ đồng, tăng 2% so với đầu năm. Trong đó, tiền và các khoản tương đương tiền (là tiền gửi ngân hàng không kỳ hạn và có kỳ hạn gốc không quá 3 tháng) ghi nhận đạt 738 tỷ đồng; các khoản phải thu ngắn hạn đạt 873 tỷ đồng, tăng 16% so với đầu năm
Danh mục hàng tồn kho của Đạt Phương tại thời điểm 30/9/2023 đạt 1.220 tỷ đồng, tăng 12% so với đầu năm, tập trung chủ yếu ở khoản chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang xây lắp (gần 581 tỷ đồng) và chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang bất động sản (gần 585 tỷ đồng),... Bên cạnh hàng tồn kho, Đạt Phương còn ghi nhận hơn 466 tỷ đồng chi phí xây dựng cơ bản dở dang tại các dự án khu đô thị.
Cùng đó, nợ phải trả của Đạt Phương ghi nhận ở mức 3.982 tỷ đồng, tăng 1,2% so với đầu năm. Trong đó, chiếm chủ yếu là nợ vay tài chính 2.492 tỷ đồng. Còn khoản người mua trả tiền trước ngắn hạn tăng 54%, đạt gần 1.028 tỷ đồng, phần lớn do ghi nhận mới hai khoản trả trước từ Ban Quản lý dự án chuyên ngành giao thông tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (122,3 tỷ đồng) và Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Nam Định (352,2 tỷ đồng).
Mặt khác, cuối tháng 9/2023, vốn chủ sở hữu của Đạt Phương đạt gần 2.275 tỷ đồng; hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu chỉ là 1,75 lần. Doanh nghiệp còn khoản lợi nhuận sau thuế chưa phân phối đạt 1.068 tỷ đồng.
Báo cáo lưu chuyển tiền tệ cũng cho thấy, dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh 9 tháng của Đạt Phương âm nhẹ 19,2 tỷ đồng, do tăng các khoản phải thu (198 tỷ đồng), tăng hàng tồn kho (260 tỷ đồng). Dòng tiền thuần từ hoạt động đầu tư cũng âm lớn 149 tỷ đồng…