Vượt thách thức, biến động
Hoạt động SXKD của Petrovietnam trải qua 9 tháng đầu năm trong bối cảnh tình hình quốc tế phức tạp. Hoạt động SXKD của Petrovietnam còn đối mặt nhiều khó khăn khác, đặc biệt liên quan đến vấn đề về thị trường và các cơ chế, chính sách cho hoạt động đầu tư, kinh doanh. Trong đó, huy động khí, huy động điện khí rất thấp và liên tục giảm trong các tháng gần đây tác động đến khai thác, sản xuất; nhập khẩu xăng dầu tăng cao ảnh hưởng đến tiêu thụ sản phẩm trong nước trong khi nhu cầu chưa cải thiện, làm tồn kho tăng; vấn đề vướng mắc liên quan đến cơ chế mua khí thiên nhiên hóa lỏng, cơ chế cấp LNG cho khách hàng điện khó khăn, tác động đến hiệu quả hoạt động kinh doanh sản phẩm mới này, cũng như tạo ra các rủi ro cho các dự án điện, khí LNG; bình quân giá thành phẩm xăng dầu 9 tháng đầu năm giảm 18-22% so với cùng kỳ 2022; đà suy giảm sản lượng tự nhiên của các mỏ dầu khí sau thời gian dài khai thác ngày càng lớn, trong khi dư địa tăng sản lượng khai thác ngày càng thu hẹp, các dự án mới có cơ hội đầu tư rất hạn chế; biến động về tỷ giá tác động bất lợi đến hoạt động của các doanh nghiệp, trong đó có Petrovietnam;…
|
Người lao động BIENDONG POC bảo dưỡng thiết bị trên giàn Hải Thạch |
Trong bối cảnh đó, toàn Tập đoàn đã bám sát diễn biến thị trường: tài chính, giá các sản phẩm năng lượng, đặc biệt là biến động giá dầu thô, khí, lọc dầu, hóa dầu, phân bón để thực hiện hiệu quả các giải pháp quản trị, điều hành liên thông từ khai thác đến vận chuyển, chế biến; từ tồn kho đến sản xuất và tổ chức kinh doanh; Tập trung chỉ đạo xử lý kịp thời, hiệu quả một khối lượng lớn các nhiệm vụ, công việc thường xuyên; từng bước giải quyết dứt điểm các vấn đề tồn đọng kéo dài và những vấn đề mới phát sinh.
Kết quả sản xuất và các chỉ tiêu tài chính của Tập đoàn đều vượt cao so với kế hoạch được giao. Trong đó, Tổng doanh thu toàn Tập đoàn là 655 nghìn tỷ đồng; nộp ngân sách toàn Tập đoàn ước đạt 105,7 nghìn tỷ đồng, vượt 35% kế hoạch năm 2023 (đã hoàn thành kế hoạch cả năm 78,3 nghìn tỷ đồng trước 5 tháng); Lợi nhuận trước thuế hợp nhất Tập đoàn ước đạt 42,5 nghìn tỷ đồng, vượt 22% kế hoạch năm. Song song với hoạt động SXKD, công tác ASXH tiếp tục được Petrovietnam quan tâm. Tổng thực hiện công tác tiết kiệm chống lãng phí ước đạt 1.521 tỷ đồng.
Biến áp lực thành động lực tăng trưởng
Hơn 3/4 chặng đường của năm 2023 đã trôi qua, thời gian còn lại không nhiều cho những nỗ lực thực hiện kế hoạch năm của doanh nghiệp, đặc biệt là với mục tiêu “tăng trưởng” rất thách thức mà Petrovietnam đặt ra ngay từ đầu năm trên nền rất cao của kết quả SXKD năm 2022 với nhiều kỷ lục được thiết lập. Nhiệm vụ đặt ra hết sức nặng nề nhưng Petrovietnam vẫn quyết liệt triển khai các giải pháp để biến áp lực thành động lực tăng trưởng.
Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng đề ra các giải pháp, tháo gỡ nút thắt để giữ vững thành quả đạt được; bám sát mục tiêu, thúc đẩy hoạt động SXKD, đầu tư trong những tháng cuối năm để đạt được hiệu quả cao nhất.
Mục tiêu tăng trưởng không phải vì thành tích, mà đó là cách để tạo áp lực đổi mới, hoàn thiện cấu trúc, mô hình quản trị, phát huy tối đa nguồn lực, mang lại giá trị gia tăng cao hơn cũng như tạo động lực phát triển và tăng khả năng chống chọi với khủng hoảng. Đó cũng là trách nhiệm của các nhà quản trị tại Petrovietnam đối với Đảng, Nhà nước và đối với người lao động trong Tập đoàn; đồng thời là hành động thiết thực để thực hiện tái tạo văn hóa của Petrovietnam với giá trị đầu tiên là “Khát vọng”.
Tổng Giám đốc Petrovietnam đề nghị Tập đoàn và các đơn vị rà soát mục tiêu, nhiệm vụ trong 3 tháng cuối năm để tổ chức triển khai hoàn thành cao nhất, bám sát kịch bản điều hành kinh tế của Chính phủ, trong đó đặc biệt là chính sách tiền tệ, tài khóa và vấn đề liên quan đến thị trường. Tập trung công tác sản xuất, đảm bảo an toàn, nâng cao sản lượng khai thác để bù đắp phần bị suy giảm, thiếu hụt, tích cực công tác phát triển mỏ, sớm đưa các công trình vào khai thác, gia tăng trữ lượng; kiểm soát vận hành, duy trì độ khả dụng, công suất cao của các nhà máy; tích cực đầu tư, đổi mới mô hình kinh doanh, tận dụng các cơ hội thị trường tăng doanh thu; điều chỉnh cơ cấu các sản phẩm xăng dầu phù hợp với nhu cầu thị trường; cập nhật lại chiến lược cho LNG gồm cả đầu tư và kinh doanh; thúc đẩy mở rộng thị phần phân phối sản phẩm trong khâu hạ nguồn; tăng cường quản lý vốn, dòng tiền, phân tích, đánh giá chất lượng doanh thu, lợi nhuận và kiểm soát các rủi ro tài chính, đặc biệt là biến động tỷ giá; tập trung thúc đẩy giải quyết, hoàn thiện các cơ chế chính sách tạo điều kiện, cũng như hạn chế các rủi ro trong SXKD và đầu tư.