Ông chủ sở hữu rừng gỗ lim quý chục tỷ đồng quyết không bán

Google News

"Nhà xây xong, ô tô mua để đấy lâu ngày cũng hỏng, mà cây lim, cây trầm của tôi càng ngày càng tươi tốt. Tôi làm theo lời Bác Hồ. Tôi đã xác định là trồng cho mai sau, cho con cháu thôi" - ông lão tâm sự.

Từ năm 1969, hưởng ứng lời kêu gọi của Bác Hồ về Tết trồng cây, ông Triệu Tài Cao (78 tuổi), người dân tộc Dao Thanh Phán, thôn Bằng Anh, xã Tân Dân, huyện Hoành Bồ (Quảng Ninh) lên rừng tìm cây lim con mang về trồng ở khu rừng phía sau nhà.
Ong chu so huu rung go lim quy chuc ty dong quyet khong ban
 
Đến thập niên 80, Nhà nước thực hiện giao đất, giao rừng, ông Cao được giao chính khu rừng lim mà mình đã đổ bao mồ hôi công sức, với khoảng 30 ha rừng. Trải qua vài chục năm, giờ đây rừng lim nhà ông có đến hàng trăm cây, những cây lớn có đường kính khoảng từ 50 đến 60cm. Cứ theo giá thị trường, riêng rừng lim, giờ nếu bán ông thu về chừng trên 6 tỷ đồng.
Được giao rừng gia đình ông còn trồng thêm nhiều giống cây gỗ quý. Hiện tại, rừng của gia đình ông có khoảng 3.000 cây bầu dó, cùng các cây gỗ quý như dổi, trám, sến, táu, vàng tâm.
Ngồi cạnh cây lim gần 50 tuổi, thân cao vút vươn thẳng tắp lên trời xanh, tán cao trùm bóng mát rượi, ông kể, từ những năm 1969, ông chăm sóc những cây rừng này như con. Kiến thức về lâm nghiệp không nhiều nhưng ông rất chịu khó mày mò học hỏi. Ngày đầu, cây mọc thưa thớt, nhưng trời không phụ công người, hạt rơi xuống, cây mọc lên, rừng cứ thế vươn lên mãi.
Những năm 80, Nhà nước chủ trương giao đất cho dân bảo vệ, trồng rừng. Người ta thi nhau trồng keo để nhanh thu lời, còn ông vẫn giữ mảnh rừng gần 30ha, chia cho các con trồng thêm lim và cây dó bầu. Ông Cao chia sẻ "Giao rừng thì bà con không muốn đâu, bảo giao đất giao trời có cây gì đâu. Nhưng mà tôi không nghĩ thế, có đất có trời là tốt rồi, tôi cứ nhận thôi, càng nhiều càng tốt. Người ta cũng đến chặt trộm cây trầm ấy, đào củ kích. Gãy đổ cũng có, bão đổ cũng có, sét đánh cũng có nữa".
Lấy ngắn nuôi dài, ông Cao tâm niệm, trồng cây không chỉ ngày một ngày hai, phải vì lợi ích lâu năm mà làm. Người hỏi mua, ông không bán, người bảo gàn dở, ông mặc kệ. Thậm chí không thiếu kẻ nhòm ngó, dọa đốn chặt, ông lại cùng con cháu dựng hàng rào, đi tuần bảo vệ. Ông nhớ từng cây, vết u này là do bọn trẻ con nghịch ngợm bắn ná cao su, cây này thấp là vì bị sét đánh tước vỏ.
Đến giờ, ngọn đồi xưa đã ngút ngàn hàng trăm cây lim, hàng nghìn cây dó bầu. Nhiều cây dó bầu cho trầm hương, ông cũng để vậy, không khai thác ồ ạt. Ông Cao chỉ cho chúng tôi xem từng cây rừng, phân tích giá trị của chúng khi làm gỗ. Ông bảo bầu dó loại nhỏ có người vào trả 5 triệu mỗi cây nhưng ông chưa bán. Ông khoe giá trị của loại trầm hương nhân tạo từ cây bầu dó, nấm lim, rồi thì vàng tâm, dổi, sến, táu...
Cây bụi dưới đất tưởng chừng vô ích nhưng lại có cây là vị thuốc quý như trà hoa vàng, ba kích…bán cho mấy ông thầy lang. Rừng của ông Triệu Tài Cao là một kho báu, nhìn đâu, nhìn cây gì cũng ra tiền. "Dân cứ bảo ông dại thế, trồng cây lâu năm làm gì. Tôi bảo, đời người ngắn ngủi ăn được bao nhiêu. Tôi ăn bao nhiêu thì tôi lấy của rừng bấy nhiêu thôi.
Nhà xây xong, ô tô mua để đấy lâu ngày cũng hỏng, mà cây lim, cây trầm của tôi càng ngày càng tươi tốt. Cây lim trăm năm, các loại cây trăm năm, đời đời kiếp kiếp. Tôi làm theo lời Bác Hồ. Tôi đã xác định là trồng cho mai sau, cho con cháu thôi".
Dẫn khách về căn nhà tựa lưng vào cánh rừng, ông Cao khoe 5 gian nhà đã gần 50 năm, mái ngói rêu phong cũ kỹ rợp trong bóng mát, ngày ngày đón tiếng chim lảnh lót từ rừng cây lùa vào. Ông bảo, chỉ ở đây mới có thể vài bước chân là lên thăm rừng, con mình, cháu mình cũng sẽ ở đây, sẽ giữ rừng giữ đất như ông tâm huyết.
Hiện tại, rừng lim của gia đình ông Cao phủ xanh cả quả đồi rộng, tạo ra dưỡng khí trong lành cho dân cư xung quanh, tạo cảnh quan đặc biệt, nơi cư trú cho các loài động vật. Nếu rừng lim này tồn tại hàng trăm năm sau, giá trị của nó còn lớn hơn bởi đây là thực thể xanh tái tạo, một khu bảo tồn. Ông Cao cũng chia diện tích rừng cho 5 người con và dặn dò con cháu trong gia đình tích cực tham gia bảo vệ, chăm sóc cánh rừng để giữ rừng nguyên sinh cho đời sau. 5 người con trai của ông đều làm nhà ở quanh mé rừng, tạo thành một “hàng rào” vững chắc bảo vệ cho cánh rừng tự nhiên.
Theo Công Thành /PLO

>> xem thêm

Bình luận(0)