“Mình thấy khá buồn vì không được ăn cơm giao thừa cùng gia đình. Tuy là mình có thể nấu ăn đó, nhưng làm sao ngon bằng mẹ được” là tâm sự của Yến Minh (19 tuổi, Quảng Ninh), sinh viên ĐH Công nghệ TP.HCM (HUTECH), đang kẹt lại thành phố vì quê cô xuất hiện nhiều ca mắc Covid-19.
Dịch bệnh chuyển biến phức tạp trên khắp cả nước, nhiều bạn trẻ không thể về quê đón năm mới cùng gia đình, đành ở lại thành phố làm việc. Mặt khác, đối với nhiều người có hoàn cảnh khó khăn, Tết là cơ hội để kiếm thêm thu nhập vì lương nhân đôi, nhân ba.
Số tiền đi làm ngày Tết có thể giúp họ để dành một khoản tiết kiệm nho nhỏ. “Nhớ nhà nhưng đành chịu vậy” là tâm trạng chung của không ít người trẻ bị kẹt lại thành phố.
|
Nhân viên bán hoa là công việc được nhiều bạn trẻ lựa chọn vào mỗi dịp Tết.
|
Kiếm thêm thu nhập
Không khí của năm mới đã len lỏi khắp phố phường, thay vì sum họp với gia đình, nhiều bạn trẻ vẫn tất bật với công việc. Tết đối với họ không khác những ngày thường, không áp lực, không căng thẳng, dù lượng đơn hàng tăng lên ồ ạt.
“Mình chở hàng xuyên Tết cũng được 2-3 năm rồi. Lúc đầu cũng mệt lắm chứ, nhưng làm lâu dần lại thành quen”, Tín (21 tuổi), nhân viên giao hoa, chia sẻ.
|
Nhiều người miệt mài làm việc, khi nào xong hết đơn hàng mới tính đến chuyện về quê. |
Đợt dịch năm trước khiến chuyện tìm kiếm việc làm trở nên khó khăn. Hàng loạt công ty cắt giảm nhân sự, người trẻ thất nghiệp cũng nhiều hơn. Cũng vì “thiếu trước, hụt sau” trong thu nhập nên việc về quê ăn Tết với một số bạn trẻ lại trở thành chuyện xa xỉ.
“Từ hồi mất việc chuyển sang chạy xe ôm công nghệ, giao hàng, mình ráng chạy thêm để gồng gánh phần nào kinh tế của gia đình. Những ngày này, đơn hàng reo liên tục, mình ở ngoài đường từ 8h sáng đến 12h đêm mới về nhà, tự nhủ rằng khi nào đủ trang trải thì ngưng thôi”, Đoàn Minh Nghĩa (29 tuổi), làm nghề shipper, bộc bạch.
Nỗi lòng người ở lại
Những lần mẹ gọi hỏi “Khi nào con về?” khiến Minh Thư (23 tuổi, quê Quy Nhơn), nhân viên thu ngân, không khỏi chạnh lòng. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, Thư tự gồng gánh tiền học phí suốt 4 năm đại học cho bố mẹ.
Từ lúc chuyển vào miền Nam học tập, sinh sống, cô bạn hiếm khi về thăm nhà. Mỗi lần về quê lại tốn khá nhiều chi phí và công việc cũng bị gián đoạn. Cũng như Tết Nguyên đán 2020, năm nay, Thư quyết định ở lại TP.HCM để làm thêm.
“Nhìn bạn bè ngày 27,28 Tết khăn gói về quê mình cũng tủi thân lắm. Năm nay dịch bùng lớn, về quê thì sợ ảnh hưởng đến bố mẹ mà vé máy bay cũng đắt quá nên thôi ở lại đây. Khi nào tình hình tốt hơn mình sẽ tranh thủ về”, Minh Thư bộc bạch.
Cùng chung nỗi lo với Minh Thư, Tuấn Anh (24 tuổi), quản lý của một quán cà phê ở quận 1, cho hay ở lại thành phố là lựa chọn khiến anh đắn đo nhất.
Do hàng ngày tiếp xúc với khá nhiều khách hàng, nhân viên của quán nên Tuấn Anh buộc phải hoãn kế hoạch về quê cho đến khi tình hình dịch bệnh ổn định trở lại.
“Mình cũng tiếc lắm chứ, thấy các gia đình vào quán trò chuyện rôm rả thì mình lại nhớ ba mẹ ở ngoài quê. Nhưng giờ mà về thì công việc dang dở mà còn thêm nỗi lo mùa dịch”.
Tuấn Anh tâm sự anh cảm thấy may mắn vì có những người bạn chung cảnh ngộ trong xóm trọ san sẻ nỗi nhớ nhà. Đêm giao thừa, chàng trai và các bạn tổ chức nấu ăn, trang trí nhà cửa để chào đón năm mới.
Cơm Tết qua màn hình điện thoại
Nhiều bạn trẻ xa gia đình trong một khoảng thời gian dài, chỉ mong năm mới có thể đón Tết cùng bố mẹ. Nhưng vì bất đắc dĩ không về quê được, cả nhà đành cùng nhau thưởng thức bữa cơm Tết qua màn hình điện thoại.
“Đi xa mong nhất là bữa cơm nhà. Tuy ở lại đây, mình vẫn thường gọi video về cho gia đình. Sau đó, mẹ sẽ đặt điện thoại ở một góc bàn, chỗ dành riêng cho mình. Cứ thế, mình cũng có cảm giác đang ăn cơm cùng cả nhà”, Hiền Trang (24 tuổi), nhân viên quán cà phê, nói với Zing.
Tương tự với Hiền Trang, gia đình Yến Minh cũng chuyển những hoạt động đặc trưng trong ngày cuối năm sang hình thức trực tuyến. Cô bạn kể bố mẹ đã học cách gọi video vì muốn cùng con gái xem pháo bông và chương trình Táo Quân. Bố mẹ cũng lì xì cho Minh theo hình thức chuyển khoản.
Minh dự định khi nào tình hình dịch bệnh ổn định trở lại, đặc biệt vào kỳ nghỉ hè, cô sẽ mua vé máy bay về thăm gia đình ngay. Hiện Yến Minh đang làm nhân viên phục vụ mùa Tết cho một quán cà phê ở quận 4.
“Mong mọi thứ sớm qua đi để mình được về thăm bố mẹ. Cả một năm xa nhà mình rất nhớ mọi người. Ăn Tết phương xa phần nào giúp mình biết nâng niu và trân trọng mái ấm gia đình hơn”, nữ sinh bày tỏ.