Từ diện tích đất trồng hoa màu kém hiệu quả, giữa năm 2019, anh Lê Thế Huy, ở thôn Chánh Thuận, xã Mỹ Trinh, huyện Phù Mỹ (tỉnh Bình Định) chuyển sang xây hồ xi măng để nuôi cá chình-một loại cá đặc sản.
Anh Lê Thế Huy đầu tư hàng trăm triệu đồng để xây 20 hồ xi măng, hệ thống máy bơm nước, ống nhựa làm chỗ trú ẩn cho cá chình, các khay để cá lên hít thở ôxy và hệ thống xử lý nước thải.
Trong số các hồ xi măng nuôi cá chình của anh Huy co 6 hồ (diện tích 36 m2/hồ) nuôi cá chình thương phẩm, còn lại các hồ nhỏ hơn để ương cá chình giống.
Ban đầu, do chưa có kiến thức, kỹ thuật nuôi cá chình và giá cá chình giống cao, sợ dịch bệnh trong quá trình nuôi, anh Huy vào tỉnh Phú Yên, tìm đến các cơ sở chình giống có uy tín mua 1.000 con cá chình giống về nuôi.
|
Nuôi cá chình-cá đặc sản trong hồ xi măng giúp anh Lê Thế Huy (nông dân xã Mỹ Trinh, huyện Phù Mỹ (tỉnh Bình Định) thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Anh Huy bán cá chình thương phẩm với giá 500.000 đồng/kg. Ảnh: VĂN TỐ.
|
Hơn 3 tháng thả nuôi, cá chình sinh trưởng và phát triển tốt, tỷ lệ sống gần 100%. Sau khi đã nắm được kiến thức, kỹ thuật nuôi cá chình và tích lũy một số kinh nghiệm nuôi cá đặc sản, anh tiếp tục nhập thêm cá chình giống loại nhỏ về thả nuôi.
Ở giai đoạn đầu, anh Huy cho cá chình ăn cám. Khi cá chình lớn, anh cho chình ăn cá cơm, cá nục và một số loại cá tạp khác, kết hợp bổ sung các loại vitamin thích hợp.
Nhờ có nguồn thức ăn tươi dồi dào nên cá chình phát triển nhanh, chất lượng thịt tốt, được người tiêu dùng ưa chuộng.
Với cách thả nuôi cá chình theo hình thức gối đầu từng giai đoạn nên cơ sở của anh lúc nào cũng có từ 700 - 1.000 con cá chình các loại (chình bông và chình mun) từ 1 - 2,5 kg.
Năm 2023, cơ sở nuôi cá chình của anh Huy xuất bán ra thị trường trong tỉnh và TP Hồ Chí Minh được 600 kg chình thương phẩm với giá cá chình là 500.000 đồng/kg. Bên cạnh đó, anh còn ương nuôi hàng chục nghìn con cá chình giống để cung cấp cho các cơ sở khác.
Anh Huy cho biết, hiện nay có rất nhiều cơ sở nuôi cá chình khắp nơi đặt mua giống với số lượng lớn. Anh sẽ đầu tư thêm trang thiết bị để ương cá chình giống, đồng thời, mở rộng cơ sở để nuôi chình thương phẩm đủ cung ứng cho thị trường.
Theo ông Trần Văn Tiến, Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Trinh, (huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định) mô hình nuôi cá chình của anh Lê Thế Huy vừa mang lại hiệu quả kinh tế, vừa đảm vệ sinh bảo môi trường. Chính quyền địa phương sẽ giới thiệu và nhân rộng mô hình này cho người dân thời gian đến.