Mắc ca cho thu tiền tỷ
Tại bản Võ Giáng, xã Quài Nưa (Tuần Giáo, Điện Biên) gia đình anh Cà Văn Than đang có cuộc sống ổn định hơn nhờ cây mắc ca.
Anh Than tâm sự, trước kia gia đình anh chỉ trồng sắn, ngô, lúa nương. Đất đai cằn cỗi nên năng suất kém, làm vất vả mà không đủ ăn. Năm 2016, anh làm công nhân cho dự án trồng mắc ca của doanh nghiệp. Công việc hàng ngày chỉ đi phát cỏ dại, trông coi bảo vệ vườn cây. Mỗi tháng, anh được trả 5 triệu đồng, cơm và chỗ ở đều được công ty lo.
“Tôi vừa làm công nhân cho dự án, vừa hợp tác với DN trồng mắc ca”. Anh cho biết, công ty đầu tư giống, kỹ thuật, vật tư nông nghiệp, gia đình góp đất. Mỗi 1 ha, tổng chi phí trong 5 năm khoảng 110 triệu đồng, tỉnh hỗ trợ 50 triệu, còn 60 triệu công ty bỏ ra.
Khi cây cho quả, công ty có trách nhiệm thu mua về chế biến. Mỗi ha trồng được khoảng 280 cây. Mỗi cây 5 năm tuổi cho thu 7kg hạt nguyên vỏ/năm. Tính ra, 1 ha cho thu khoảng 150 triệu đồng.
Còn ở xã Yên Trạch (Cao Lộc, Lạng Sơn), lão nông Nguyễn Mạnh Hùng khoe ông là người đầu tiên trồng cây mắc ca tại tỉnh, đến nay vườn cây được 12-13 năm tuổi. Hiện ông có 6 ha cho thu hoạch quả, năng suất dần tăng lên theo từng năm. Đây là cây trồng lâu năm, có vòng đời thu hoạch liên tục trong 80-90 năm nên cây có tuổi đời càng cao, quả càng sai.
Ngoài trồng mắc ca, ông Hùng còn có nhà máy chế biến hạt. Năm 2021, mắc ca cho thu 37 tấn quả tươi, thành phẩm xuất bán ra thị trường là 12 tấn, doanh thu đạt hơn 2 tỷ đồng.
Sản phẩm mắc ca sau khi chế biến được xuất bán tại thị trường các tỉnh phía Bắc và một số tỉnh Tây Nguyên. Hạt này cũng được đưa vào bán tại 16 siêu thị ở miền Bắc. Sản phẩm làm ra đến đâu, bán hết đến đó.
Với diện tích mắc ca còn khiêm tốn, không đủ cung cho nhà máy chế biến nên ông Hùng phải thu mua thêm nguồn nguyên liệu bên ngoài. Ông cũng liên kết với bà con nông dân trồng thêm 10 ha mắc ca nhằm mở rộng vùng nguyên liệu.
Trao đổi với báo chí, ông Huỳnh Ngọc Huy - Tổng Thư ký Hiệp hội Mắc ca Việt Nam nhận định, mắc ca là cây lâu năm nên có tác dụng phủ xanh đất trống đồi núi trọc, giúp người dân an cư. Đây cũng là cây trồng đem lại hiệu quả kinh tế cao. Mắc ca trồng đến năm thứ 8 sau khi trừ hết chi phí sẽ cho lợi nhuận khoảng 250 triệu đồng/ha.
Theo ông Huy, mắc ca là cây trồng tiềm năng, hạt của chúng có giá trị rất cao, có thể làm dầu ăn, hạt dinh dưỡng, sữa hạt, mỹ phẩm… Trên thế giới, hạt mắc ca chỉ chiếm khoảng 2% trong ngành hàng quả khô. Do vậy, mắc ca luôn trong tình trạng “cung không đủ cầu”.
Thực tế ở nước ta, sản lượng hạt mắc ca cả nước mới dừng ở con số khoảng 8.500 tấn. Đa phần chỉ có các xí nghiệp nhỏ chế biến và tiêu thụ mắc ca. Sản phẩm làm ra cung ứng cho thị trường nội địa và xuất khẩu sang Hàn Quốc, Nhật Bản,... nhưng chưa nhiều vì không đủ nguồn cung, làm xuất khẩu chỉ để giữ mối khách hàng.
“Vừa qua tôi đi Dubai tham gia hội nghị mắc ca thế giới. Nhiều doanh nghiệp lớn của quốc gia này kỳ vọng có thể liên doanh với Việt Nam bao tiêu toàn bộ sản phẩm mắc ca. Thế nhưng, tôi nói với họ bây giờ chỉ vào khảo sát, còn triển khai phải chờ đến 2025 khi đó vùng nguyên liệu mới đủ đáp ứng quy mô sản xuất lớn”, ông chia sẻ.
Ông Huy cũng cho biết, giá hạt mắc ca tại Việt Nam hiện cao hơn bên Úc. Đặc biệt, mắc ca luôn trong tình trạng “cháy hàng” vì cung khan hiếm.
Đưa “nữ hoàng” hạt thành thế mạnh 2,5 tỷ USD
Theo ông Trần Công Nhì - Tổng giám đốc Công ty CP Him Lam Mắc ca Điện Biên, sau 4 năm trồng khảo nghiệm trên toàn tỉnh, mắc ca cho kết quả tốt. Năm 2016, nghiệp bắt đầu xuống giống ồ ạt và 3 năm sau đó thì hoàn thành 1.000 ha. Kế hoạch đến năm 2025, doanh nghiệp sẽ trồng hoàn thành 10.000 ha mắc ca tại tỉnh này.
“Điện Biên rất phù hợp với cây mắc ca. Năm đầu thu hoạch doanh thu vượt xa mong đợi”, ông đánh giá.
Ông Huỳnh Ngọc Huy nhận định, đưa mắc ca vào trồng tại vùng Tây Bắc còn phù hợp hơn đưa vào Tây Nguyên. Song, ông khuyến cáo phải trồng theo chuỗi liên kết, xây dựng vùng trồng tập trung. Nếu phát triển theo hướng manh mún, nhỏ lẻ sẽ rất khó khăn cho việc xây dựng nhà máy chế biến quy mô lớn vào thời gian tới.
Người dân có thể trồng mắc ca xen canh với các loại cây khác, hoặc chuyển đổi dần theo từng năm để “lấy ngắn nuôi dài”, tránh áp lực về nguồn vốn vì cây mắc ca trồng sau 4 năm mới cho thu hoạch quả.
Ngân hàng Bưu Điện Liên Việt đang có chương trình cho người nông dân trồng mắc ca vay vốn. Gói cho vay giải ngân trong vòng 5 năm, mang tính an sinh xã hội nên nông dân sẽ được vay tối đa 2ha để xoá đói giảm nghèo. Người dân được nhận đợt tiền đầu tiên trong năm đầu trồng mắc ca, những năm sau vẫn có các đợt giải ngân tiếp để nông dân lấy tiền mua phân, thuốc chăm sóc, thậm chí công lao động cũng được gói này tính toán đầy đủ.
Năm thứ 5, cây mắc ca cho quả, ngân hàng sẽ tiến hành thu hồi vốn dần. Thời gian thu hồi tối đa trong vòng 10 năm. Vậy nên người nông dân yên tâm, không lo thiếu tiền để trả, ông Huy cho hay.
Theo ông Huy, Hiệp hội mắc ca thế giới đang cố gắng đẩy sản lượng hạt mắc ca lên 6% trong ngành quả khô vào năm 2030. Do vậy, Việt Nam mở rộng diện tích trồng để có đủ nguồn nguyên liệu cung ứng cho các nhà máy chế biến, từ đó sớm chiếm lĩnh thị phần trên thị trường thế giới.
Tháng 3 vừa qua, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã ký phê duyệt Đề án phát triển bền vững mắc ca giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Vùng trồng tập trung tại các tỉnh Tây Bắc khoảng 75.000-95.000 ha, chủ yếu tại Điện Biên, Lai Châu; vùng Tây Nguyên khoảng 45.000 ha và một số địa phương có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng thích hợp.
Mục tiêu đưa sản lượng mắc ca qua chế biến đạt 130.000 tấn hạt vào năm 2030, khoảng 500.000 tấn hạt vào năm 2050. Giá trị kim ngạch xuất khẩu sản phẩm mắc ca đạt 400 triệu USD vào năm 2030, khoảng 2,5 tỷ USD vào năm 2050.
Tâm An
Tây Nguyên thành thủ phủ mắc ca khu vực Đông Nam ÁCác doanh nghiệp trồng, chế biến mắc ca sẽ tiếp tục triển khai nhiều hoạt động trong năm 2016 nhằm sớm hiện thực hóa mục tiêu đưa Tây Nguyên thành thủ phủ mắc ca khu vực Đông Nam Á.