Trải qua gần 15 năm làm nghề cắt tóc gội đầu, chị Nguyễn Huyền Trang ở Linh Đàm (Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, chị giờ chị đã quen với mùi hoá chất từ dầu gội đầu, thuốc nhuộm, ép, uốn tóc, chứ không phải lúc nào cũng đeo khẩu trang như hồi mới vào nghề.
Song, chị phải thừa nhận rằng mình đã bị ám ảnh mỗi khi mùa đông đến, đôi bàn tay của chị lại phồng rộp, nứt nẻ tứa máu, nhiều khi còn phát sốt.
Chị tâm sự, nghề nào cũng có cái sướng cái khổ riêng, với nghề cắt tóc gội đầu cũng vậy. Làm nghề cắt tóc, sáng mở cửa tiệm từ 7 giờ, tối 10 giờ đóng cửa. Hôm nào khách quen có việc đi sớm về muộn thì gọi cửa gội đầu làm tóc từ 5 giờ sáng hay tận khuya 11 giờ đêm, chị cũng chiều.
Cứ thế cả ngày đứng cắt, gội, uốn, ép cho khách đến tối về, đều đặn và nguồn thu ổn định.
|
Mùa đông hàng cắt tóc gội đầu thường làm không hết việc, đem lại doanh thu khủng. |
Thế nhưng, hình ảnh an nhàn, nắng không tới mặt, mưa không ướt đầu đó chỉ có được vào mùa hè, mùa xuân và mùa thu. Những mùa này vắng khách, tiệm làm tóc thường thu nhập không ổn định.
Còn riêng mùa đông, với người cắt tóc gội đầu thì là nỗi ám ảnh chẳng bao giờ có thể xoá bỏ được, dù được coi là mùa hái ra tiền.
Sở dĩ vậy là bởi, mùa đông khách gội đầu xếp hàng, hàng có hai chị em làm quần quật từ sáng tới 9-10 giờ đêm không hết việc, thậm chí nhiều hôm chị không kịp ăn cơm trưa. Trong khi đó, mùa đông trời lạnh, khách gội đầu phải gội bằng nước nóng, điều đó cũng đồng nghĩa với việc đôi bàn tay của bọn chị phải ngâm trong nước nóng cả ngày - chị Trang kể.
Nếu bạn rửa tay qua nước nóng ngày 1-2 lần thì không sao, da chỉ hơi khô một chút, còn ngâm nước nóng cả ngày thì lại là vấn đề lớn. Nhất là với cơ địa da vừa khô, vừa nhạy cảm như chị. Thế nên, sau một ngày làm việc, đêm về, tay chị thường bị phồng rộp, nứt nẻ. Thậm chí, vào những ngày trời khô hanh hay lạnh buốt, tay chị còn tứa máu, đau buốt mà không loại kem, thuốc nào bôi cho khỏi. Mỗi lần như thế, chị chỉ muốn để tay bất động, không cử động gì vì đau.
"Thường thì bị nứt nẻ chân tay bôi thuốc vài hôm là khỏi. Còn với người làm nghề cắt tóc gội đầu, một khi tay đã bị nẻ sâu thì kéo dài cả mùa đông. Nhiều hôm đau ứa cả nước mắt", chị Trang nói.
Nhưng đó chưa phải là tất cả, qua một đêm vết nứt chưa kịp lành lại thì ngày hôm sau lại tiếp tục công việc, tay tiếp xúc trực tiếp với hoá chất lại càng xót hơn.
Nhiều người bảo sao không đeo găng tay bằng giấy bóng hay cao su (loại như các bác sĩ hay dùng) để tránh khô da và cũng là để tránh cho đôi bàn tay phải tiếp xúc trực tiếp với hoá chất độc hại. Đúng là chị vẫn dùng găng tay khi trực tiếp hóa chất nhuộm, hấp, lúc xả xà phong, dầu gội cho khách... Thế nhưng không thể đảm bảo 100%. Những lúc chiều khách, chị thường dùng tay thật để khách vừa lòng. Đặc biệt, những lúc massage thì phải tay trần đầu đỡ vướng víu, khó làm và gây cảm khác khó chịu trên đầu và khuôn mặt của khách.
|
Nhu cầu chăm sóc tóc làm đẹp của chị em ngày càng cao (ảnh minh họa). |
Chị kể, chị quê ở Tuyên Quang, học hết lớp 12 chị thi đại học 3 năm không đỗ nên theo chân một người quen xuống Hà Nội học nghề cắt tóc gội đầu suốt từ đó đến giờ đã được gần 15 năm.
Mới đầu chị làm thợ phụ với mức lương thấp, về sau chị tự tách ra làm riêng. Và đến giờ quán cắt tóc gội đầu của chị tuy nhỏ nhưng công việc đủ cho hai chị em chị làm quanh năm. Đặc biệt vào mùa đông tuy vất vả hơn mùa hè nhưng đổi lại khách đông nên hai chị em chị cũng kiếm được khoản kha khá.
Khách vào nhuộm, uốn, ép giá đều từ 500.000 -1.000.000 đồng tuỳ loại thuốc, cắt tóc 150.000 đồng, gội đầu 70.000 đồng/đầu (nếu dùng dầu cặp). Cứ thế, một ngày hai chị em làm việc cật lực cũng thu được 3 - 4 triệu. Cao nhất có hôm được khoảng 5 triệu đồng.
Đều đặn và chăm chỉ suốt cả tháng, nên vào mùa đông tháng nào hai chị em cũng thu được cả trăm triệu. Đặc biệt, vào những tháng giáp Tết như thế này, khách làm đầu, gội đầu còn đông hơn nữa nên số tiền kiếm được rất khá. Trừ đi chi phí thuê nhà, khấu hao đồ nghề, hóa mỹ phẩm thì thực thu cũng rất khá.
Cũng có một cửa hiệu cắt tóc gội đầu như chị Trang, chị Thu Quỳnh ở Gia Thụy (Long Biên) làm nghề cũng đến 20 năm nay hiện làm nghề cùng người cháu họ. Bàn tay chị thô ráp, sần sùi, không được mướt mượt như chị em văn phòng. Chị bảo, tránh sao được khi hàng ngày phải tiếp xúc với đủ loại hóa chất lại ngâm nước nóng.
Thế nhưng, khoảng 5 năm lại đây, thấy tay mình ngày càng thô và xấu, da lúc nào cũng khô, đặc biệt là trong mùa đông chị xót xa vô cùng vì bàn tay nứt nẻ.
Biết nghề này còn theo mình cả chục năm nữa, chị chọn cách đi găng tay mỗi khi pha hóa chất, bôi phủ lên tóc khách. Lúc gội đầu, chị cũng đi găng tay. Chỉ đến công đoạn cuối cùng là xả sạch, rửa mặt và massage đầu cho khách, chị mới bỏ găng ra. Nhờ vậy, đôi tay chị đỡ xấu hẳn. Trước khi làm, bao giờ chị cũng hỏi ý kiến khách trước để họ thông cảm.
"Ấy mà với khách khó tính, không chịu thì mình vẫn phải làm tay trần thôi em. Nhưng những vị khách như vậy ít lắm", chị nói.
Cộng với đó, chị chịu khó tìm mua những loại thuốc, kem dưỡng da tốt nhất để tối nào cũng đều đặn chăm sóc cho đôi tay của mình, nên giờ tay chị đã đỡ khô nứt hẳn.
>>> Mời quý độc giả xem video về đặc sản chuối tiến vua (nguồn VTC):