|
Ngày 5/10, cổ phiếu LPB của Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) “thử lửa” ngay phiên đầu tiên chào sàn UPCoM. |
Trước hết, theo thông tin từ lãnh đạo ngân hàng này, lẽ ra LPB của LienVietPostBank đã chào sàn trong tháng 9. Do một số bước kỹ thuật, và do có phần liên quan đến nội dung đàm phán với một số nhà đầu tư chiến lược tiềm năng nước ngoài, ngày chào sàn lùi lại; cũng như việc lên sàn niêm yết chính thức dự tính vào đầu 2018.
Giải tỏa kìm nén
Với biên độ rất rộng trong phiên giao dịch đầu tiên, quãng biến động giá LPB ngày 5/10 khá lớn: thấp nhất 13.500 đồng, cao nhất 15.800 đồng, chốt phiên với 14.200 đồng/cổ phiếu.
Thoạt tiên, nhìn về giá, LPB đã có phiên chào sàn không thành công, khi giảm hơn 4% (600 đồng) so với mức tham chiếu. Song, thế nào là thành công, có ý chí chủ quan của LienVietPostBank hay không?
Câu trả lời một phần nằm ở mức giá tham chiếu. Giả dụ, LienVietPostBank xác định một mức tham chiếu thấp cho phiên chào sàn 10.000 đồng/cổ phiếu, kết quả giao dịch có thể đã rất khác và có thể thành công lớn về mức độ tăng giá, thậm chí cả ở quán tính tăng tiếp phiên sau.
Nhưng vì sao lại xác định mức chào sàn 14.800 đồng/cổ phiếu? Đây là một mức cao, bởi thị trường đã trả lời bằng diễn biến điều chỉnh suốt phiên.
Câu hỏi mức giá 14.800 đồng đã được đặt ra tại buổi tiếp xúc nhà đầu tư ngày 2/10 vừa qua. Đại diện LienVietPostBank khi đó trả lời, có một cơ sở, giá trị sổ sách của cổ phiếu LPB đã ở mức gần 14.000 đồng. Mặt khác, qua 9 tháng ngân hàng đã gần như hoàn thành kế hoạch lợi nhuận cả năm 1.500 tỷ đồng, quý còn lại có thể khẳng định sẽ vượt xa, giá trị sổ sách theo đó sẽ tăng lên nữa…
Như trên, mức 14.800 đồng được thị trường “thẩm định” lại trong phiên chào sàn. Có một sức ép rất lớn ở mức giá tham chiếu này.
Phần lớn thời gian đầu năm nay, cũng như kéo dài những năm trước, giá cổ phiếu của LienVietPostBank nằm dưới mệnh giá. Mức giao dịch quãng đó phổ biến quanh 9.000 đồng/cổ phiếu.
Với sự khởi sắc từ đầu năm của thị trường chứng khoán, cùng chuyển biến mạnh lên trong kết quả hoạt động của LienVietPostBank, giá cổ phiếu phục hồi lên quanh 12.000 đồng; đến tháng 4/2017 tăng mạnh theo những đồn đoán liên quan đến việc tham gia tái cơ cấu Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank); rồi biến động khi ông Nguyễn Đức Hưởng, Phó chủ tịch thường trực Hội đồng Quản trị khi đó, chia tay; rồi nhân vật này quay trở lại đảm nhận vị trí Chủ tịch Hội đồng Quản trị; rồi đợt thoái vốn của cổ đông lớn là công ty Him Lam…
Tính cả quá trình, giá cổ phiếu LPB đã tăng từ 40-50% so với đầu năm, là một trong những cổ phiếu ngân hàng có mức tăng mạnh nhất. Đây cũng chính là áp lực lớn, thể hiện ngay ở phiên chào sàn 5/10 - hoạt động chốt lời thể hiện mạnh mẽ, suốt phiên.
Gần 7,3 triệu cổ phiếu trao tay trong phiên giao dịch đầu tiên ở một mã đã cho mức độ lợi nhuận lớn nếu tính từ đầu năm. Đáng chú ý, mức độ sinh lời 40-50% nói trên có được sau một thời gian rất dài giá của nó bị kìm nén, bị “kẹp” dưới mệnh giá - thực tế chung của nhiều cổ phiếu ngân hàng trên thị trường OTC (giao dịch hạn chế) kể từ ảnh hưởng cuộc khủng hoảng 2008.
Chào sàn, những yếu tố đó được giải tỏa qua một sàn giao dịch thuận lợi và cởi mở, thanh khoản bùng nổ. Trước những áp lực trên, đặc biệt ở hoạt động chốt lời diễn ra liên tục và mạnh mẽ, mức giá 14.200 đồng kết phiên là một sự trụ vững.
Đáng chú ý, không riêng LPB, cuối phiên 5/10, thị trường chứng kiến đà sụt giảm đồng loạt của các cổ phiếu ngân hàng trên các sàn, thậm chí có những mức điều chỉnh chóng vánh và chóng mặt so với mức cao nhất trong phiên. Diễn biến này một phần cũng đến từ áp lực chốt lời.
Tự tin với tương lai?
Phát biểu tại lễ chào sàn sáng 5/10, ông Nguyễn Đức Hưởng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị LienVietPostBank tự tin khi đưa ra thông điệp tới nhà đầu tư: giá cổ phiếu LPB khi đi vào giao dịch thì có lên, có xuống, sẽ do cung - cầu, do thị trường quyết định; còn điều mà ông dự tính, giá LPB nếu tăng thì sẽ lên nhanh, còn nếu giảm thì sẽ xuống chậm.
Sự tự tin này cũng được ông Hưởng giới thiệu một cách hình ảnh về ngân hàng mình: LienVietPostBank là một cậu bé mới gần 10 tuổi, nhưng đã có sức vóc của một chàng trai trưởng thành, cùng kinh nghiệm của một người trên 50 tuổi từng trải.
Chủ tịch LienVietPostBank cũng vừa trở về sau các cuộc đàm phán với nhà đầu tư tiềm năng nước ngoài. Điều khoản quy định bảo mật, các bên còn phải thực hiện các bước kỹ thuật và quy định để đi đến kết quả cuối cùng. Kết quả đàm phán và triển vọng lựa chọn nhà đầu tư chiến lược nước ngoài dự kiến “thực sự tự tin” về giá. Và LienVietPostBank hiện đã khóa “room” tỷ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài 25%, chỉ còn hở 5% - một khoảng mà ngay phiên chào sàn đã thu hút khối ngoại mua vào tới 1,25 triệu cổ phiếu.
Ông Hưởng cũng cho biết, cùng với kế hoạch lựa chọn nhà đầu tư chiến lược nước ngoài, kế hoạch phát hành cổ phiếu và trái phiếu chuyển đổi (dự kiến ngay trong tháng 10 này), LienVietPostBank hoàn toàn tự tin về năng lực tài chính, sẽ chủ động hoàn toàn về yêu cầu gia tăng quy mô vốn ít nhất cho hai năm tới, để cạnh tranh và mở rộng hoạt động (trong đó có trọng điểm thiết lập hơn 700 phòng giao dịch cấp huyện trải khắp cả nước).
Điều đó có nghĩa, ít nhất trong hai năm tới LienVietPostBank không phải lo đến nguồn tăng vốn. Nhưng, mức độ pha loãng và lợi ích của cổ đông theo đó sẽ như thế nào?
Chủ tịch LienVietPostBank tính toán: Năm nay, 9 tháng đã xem như hoàn tất kế hoạch lợi nhuận cả năm, quý còn lại là phần gia tăng củng cố cho chỉ tiêu chi trả cổ tức tối thiểu 12%. Năm 2018, vốn điều lệ sau khi tăng từ hơn 6.400 tỷ lên 7.500 tỷ, kế hoạch lợi nhuận theo đó dự kiến đạt từ 1.800 - 2.000 tỷ đồng, để đảm bảo cân đối lợi ích cổ tức cho cổ đông, cũng như đảm bảo tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) ở tốp đầu các ngân hàng ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân (hiện chỉ đứng sau VPBank và Techcombank).
Và trong năm 2018, theo ông Hưởng, LienVietPostBank sẽ tự tin với kế hoạch mua lại toàn bộ số nợ xấu đã bán sang Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC), cũng như tiến hành trích lập hoàn toàn cho phần nợ xấu này.