Đại gia Đào Hồng Tuyển được biết đến với biệt danh “chúa đảo Tuần Châu” từng có không ít tuyên bố về những dự án “khủng”, về khối tài sản lên tới cả tỷ đôla. Thế nhưng, không ít lần, những tuyên bố hoành tráng, quảng cáo rầm rộ, tung hô ngút trời về những dự án của vị đại gia này lại khiến người dân thất vọng.
Bãi biển nhân tạo lớn nhất Việt Nam gây thất vọng lớn
Mới đây nhất là dự án Bãi biển nhân tạo lớn nhất Việt Nam và cũng được quảng bá lớn nhất Đông Nam Á là một trong số những khu chức năng của khu du lịch quốc tế Tuần Châu Hà Nội – Tuần Châu Ecopark, tọa lạc tại xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, TP Hà Nội.
|
Bãi biển nhân tạo lớn nhất Việt Nam. |
Cụ thể, theo quảng bá thì bãi biển nhân tạo của khu du lịch quốc tế Tuần Châu Hà Nội được xây dựng từ 3.000 khối cát trắng và hơn 10.000 diện tích mặt nước, có sức chứa 1.200 người cùng một lúc.
Trước khi mở cửa đón khách đúng dịp lễ 30/4 - 1/5 như công bố, thông tin về bãi biển nhân tạo lớn nhất Đông Nam Á đã gây háo hức cho nhiều người. Thế nhưng, trong 2 ngày 30/4 và 1/5, nhiều người đã thất vọng khi đến đây.
Theo tường thuật của tờ Zing.vn thì trong ngày 1/5, mới 8h sáng quầy vé đã đóng cửa vì hết vé. Ban quản lý cho biết chỉ bán 3.000 vé mỗi ngày. Do đó, rất nhiều hành khách đến từ sớm đã không thể mua vé vào trong đành ngồi vạ vật rồi quay về trong thời tiết nắng nóng.
Zing cũng thông tin thêm, một số lý do mà bãi biển nhân tạo này gây thất vọng cho du khách, đó là: giá vé vào cửa là 200.000 đồng/người chứ không phải 145.000 đồng như quảng bá; ít trò chơi; khu gửi đồ nhỏ dẫn đến quá tải; Bãi để xe chỉ có một lối ra vào...
|
Dịp nghỉ lễ nơi đây chỉ mới chạy demo. |
Bên cạnh đó, hình ảnh mà Kiến Thức ghi lại thì trong 4 ngày (từ 29/4 - 2/5), khu du lịch quốc tế Tuần Châu Hà Nội – Tuần Châu Ecopark chạy demo với thời gian mở cửa từ 9h - 18h30. Trong khi đó, thông tin ban đầu được công bố là khu vui chơi này mở cửa đón khách đúng dịp lễ 30/4-1/5. Như vậy, nhiều người đến nơi mới biết dịp nghỉ lễ nơi đây chỉ mới chạy demo.
Đây không phải là lần đâu gây thất vọng của chúa đảo Tuần Châu Đào Hồng Tuyển.
"Bánh vẽ” siêu dự án 65.000 tỷ?
Thông tin đăng tải trên ANTT ngày 13/3/2017 cho hay, Tập đoàn Tuần Châu - Công ty TNHH Âu Lạc Quảng Ninh đã đề xuất UBND TP.HCM về việc thực hiện hàng loạt dự án mang tính đột phá tại huyện Củ Chi. Trong đó, dự án Thành phố Mới (New City), Đại lộ ven sông Sài Gòn (nối huyện Củ Chi với quận 1) và dự án di dời “chợ tử thần” Kim Biên ước tính có tổng giá trị đầu tư lên đến 65.000 tỷ đồng. Vốn tự có của doanh nghiệp là 50%, ngoài ra, đồng hành với chủ đầu tư sẽ có các tập đoàn, công ty, tổ chức tài chính trong và ngoài nước.
|
Tập đoàn Tuần Châu - Công ty TNHH Âu Lạc Quảng Ninh của "chúa đảo" Đào Hồng Tuyển đề xuất thực hiện các siêu dự án 65.000 tỷ đồng tại TP.HCM. Ảnh: ANTT. |
“Chúa đảo” Đào Hồng Tuyển cũng tuyên bố, Tập đoàn này đã chuẩn bị sẵn 20.000 tỷ để thực hiện các siêu dự án trên. Tuy nhiên, đó chỉ là lời phát biểu một chiều của “chúa đảo”. Còn thực lực của Tập đoàn Tuần Châu - Công ty TNHH Âu Lạc Quảng Ninh đến đâu thì dư luận còn chưa biết rõ.
Bởi trước tháng 3/2016, Công ty TNHH Âu Lạc Quảng Ninh có vốn điều lệ là 700 tỷ đồng trong đó ông Đào Hồng Tuyển góp 672 tỷ đồng (96% vốn) và ông Đào Anh Tuấn góp 28 tỷ đồng (4% vốn). Sau đó, Công ty này đã tăng vốn điều lệ lên 2.500 tỷ đồng (ông Đào Hồng Tuyển góp 2.400 tỷ đồng, ông Đào Anh Tuấn góp 100 tỷ đồng).
Động thái tăng vốn điều này có thể được coi là bước chuẩn bị để Tập đoàn Tuần Châu - Công ty TNHH Âu Lạc Quảng Ninh đề xuất xin thực hiện các siêu dự án tại TP.HCM. 2.500 tỷ là con số không hề nhỏ xét về quy mô của một doanh nghiệp đầu tư bất động sản, song để thực hiện đồng thời 3 dự án với tổng mức đầu tư 65.000 tỷ đồng thì vốn điều lệ của Tập đoàn Tuần Châu chỉ như “muối bỏ bể”.
Bên cạnh đó, các quy định pháp luật về đầu tư và kinh doanh bất động sản quy định vốn tự có của chủ đầu tư dự án phải chiếm tối thiểu 20% tổng mức đầu tư của dự án. Như vậy để thực hiện 3 dự án kể trên, Tập đoàn Tuần Châu phải bỏ ra ít nhất 13.000 tỷ đồng, gấp hơn 5 lần vốn điều lệ hiện tại của doanh nghiệp này.
Điều này khiến dư luận hoàn toàn có quyền hoài nghi về việc hoài bão kia của ông Đào Hồng Tuyển sớm trở thành hiện thực.
Nhiều dự án "rùa bỏ"
Đơn cử như dự án Khu đô thị Đại học Quốc tế (gọi tắt là VIUT do Công ty Berjaya Land Berhad của Malaysia làm chủ đầu tư) được UBND TP.HCM cấp phép từ năm 2008.
|
Phối cảnh dự án khu đô thị Đại học Quốc tế Việt Nam (VIUT). Ảnh: cafeland.vn. |
Theo tường thuật của Dân Việt, ban đầu, dự án này hứa hẹn sẽ chuyển trục kinh tế của TP.HCM sang hướng Tây Bắc. Kéo theo đó, với tiềm lực tài chính hùng hậu của chủ đầu tư, cộng thêm định hướng rót khoảng 3,5 tỷ USD, nhiều người tin rằng đất thép Củ Chi sẽ “lột xác” toàn diện.
Vậy mà trên thực tế, hơn chục năm qua, đó chỉ là những “thuyết mơ ngủ” được vẽ ra hoành tráng trên giấy. Hệ lụy, dự án treo quá lâu đẩy người dân trong vùng lâm vào cảnh khó khăn tứ bề khi tiến thoái lưỡng nan.
Kế tiếp là dự án khu đô thị mới An Phú Hưng của Công ty TNHH MTV An Phú với quy mô hơn 610 ha tại 2 xã Tân Hiệp và Tân Thới Nhì (Hóc Môn) cũng được tung hô rồi rơi vào trạng thái “nghẽn đường”.