Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 4/2019, tổng doanh thu của CTCP Thế giới Di động (HoSE: MWG) trong năm 2019 đạt 103.485 tỷ đồng, tăng 18% so mức 87.738 tỷ đồng.
Song MWG cũng phải chịu tới hơn 1.311 tỷ đồng hàng bán bị trả lại khiến doanh thu thuần chỉ còn 102.174 tỷ đồng.
Lợi nhuận gộp của MWG ghi nhận 19.488 tỷ đồng, tăng 27% so năm trước, tương ứng tỷ suất lãi gộp biên cũng tăng khá từ mức 17,6% lên 19%.
Nhờ đó, sau khi trừ một loạt chi phí khác, MWG vẫn lãi ròng 3.834 tỷ đồng, tăng 33% so năm 2018.
Trong năm 2019, MWG gia tăng thị phần trong cả thị trường điện thoại di động và điện máy.
Tuy nhiên cũng cần lưu ý, doanh thu của chuỗi Thegioididong – TGDĐ (chuỗi bán điện thoại di động) giảm do chuyển đổi các cửa hàng có doanh số cao sang mô hình Điện máy xanh mini. Mặc dù vậy, ngành hàng điện thoại di động nói riêng của MWG vẫn ghi nhận tăng trưởng 2% trong năm 2019.
Tăng trưởng doanh số online tiếp tục chững lại so với cùng kỳ do điều chỉnh chính sách khuyến mại. Cụ thể, tăng trưởng doanh số online ghi nhận đạt 3% trong cả năm 2019 so với 39% trong 6 tháng 2019.
Với khoản đầu tư 62 tỷ đồng vào CTCP Bán lẻ An Khang (chuỗi nhà thuốc An Khang) đã khiến MWG ôm lỗ luỹ kế từ đơn vị này tính đến cuối năm 2019 là hơn 5,5 tỷ đồng.
|
Thế giới di động tăng mạnh vay nợ trong năm 2019 |
Dòng tiền âm, vay nợ ngắn hạn tăng vọt gần gấp đôi
Đó là những con số "đẹp" trên bảng Kết quả kinh doanh của MWG, song soi kỹ trên bảng Cân đối kế toán và Lưu chuyển tiền tệ thì lại thấy những con số "khủng" đáng ngại.
Lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của MWG năm 2019 âm nặng 1.285 tỷ đồng chủ yếu do ảnh hưởng của khoản mục hàng tồn kho khi tăng tới 47% lên mức 26.196 tỷ đồng vào cuối năm 2019.
Hàng tồn kho lớn cũng khiến MWG phải trích lập dự phòng giảm giá tới 405 tỷ đồng trong năm 2019.
Thêm vào đó, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động đầu tư của MWG cũng liên tục âm từ năm 2016 đến nay, nhất là năm 2019 đột biến hơn gấp đôi lên 5.818 tỷ đồng do tăng chi tiền cho vay, mua các công cụ nợ của đơn vị khác, ngoài việc mua sắm và xây dựng tài sản cố định như hàng năm.
Ngoài ra, trong cơ cấu nguồn vốn 41.708 tỷ đồng của MWG, nợ phải trả chiếm tới gần 71%, tương ứng 29.564 tỷ đồng chủ yếu là nợ ngắn hạn.
Trong đó, vay nợ tài chính ngắn hạn của MWG tăng vọt gấp 2,2 lần đầu kỳ, lên tới 13.031 tỷ đồng. Còn vay nợ tài chính dài hạn vẫn duy trì ở mức chỉ 1.122 tỷ đồng.
Với tình hình vay nợ lớn khiến MWG phải chi ra hơn 568 tỷ đồng chi phí lãi vay trong năm 2019, tăng hơn 30% so với năm 2018.
Về các khoản vay ngắn hạn của MWG có kỳ hạn trả gốc và lãi khoản dài nhất là đến tháng 7/2022 với 464 tỷ đồng từ Ngân hàng BNP Paribas chi nhánh Singapore. Còn lại đều tối đa đến tháng 3/2020.
|
Chi tiết vay nợ ngắn hạn hơn 13.000 tỷ của Thế giới di động |
Trong đó, 5 khoản nợ mà MWG vay trên ngàn tỷ là tại Ngân hàng TNHH MTV HSBC (Việt Nam) với 1.952 tỷ đồng; Ngân hàng Sumitomo Mitsui Banking Corporation chi nhánh Hà Nội là 1.844 tỷ; Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank, CTG) cho vay 1.698 tỷ đồng; Ngân hàng TNHH MTV ANZ (Việt Nam) chi nhánh TP HCM với 1.432 tỷ đồng; Ngân hàng TNHH Mizuho Bank chi nhánh Hà Nội 1.268 tỷ đồng...
Với khoản vay dài hạn, MWG chủ yếu là vay bằng trái phiếu trong nước tại Bảo hiểm Nhân thọ Prudential Việt Nam (470 tỷ), Manulife Việt Nam (450 tỷ), Bảo hiểm Nhân thọ AIA Việt Nam (100 tỷ), Bảo hiểm Nhân thọ Chubb Việt Nam (45 tỷ), Bảo hiểm Nhân thọ Sun Life Việt Nam (40 tỷ) và Chứng khoán Shinhan Việt Nam (30 tỷ).
Mặc dù vay nợ lớn, song xét về lượng tiền mặt thì MWG cũng có không ít với 3.177 tỷ đồng, cộng thêm 3.075 tỷ tiền gửi ngân hàng (tăng vọt so mức 51 tỷ của đầu kỳ) với kỳ hạn 3 tháng đến 1 năm với lãi suất dao động từ 7,2% - 7,7%/năm.
Trên sàn chứng khoán, cổ phiếu MWG đang giao dịch sát mốc 110.000 đồng/cổ phiếu trong phiên sáng 19/2, ghi nhận giảm hơn 7% trong vòng 1 quý vừa qua. Khối lượng giao dịch bình quân chỉ gần 620.000 đơn vị mỗi phiên.