Những cổ phiếu "tội đồ" khiến chứng khoán Việt bay hơn 12 tỷ USD sau Tết

Google News

(Kiến Thức) - Ở nhóm các doanh nghiệp niêm yết trên HoSE, giá trị vốn hoá bốc hơi hơn 11 tỷ USD từ sau Tết đến nay.

Đâu là “tội đồ” kéo VN-Index đi xuống?

Thị trường chứng khoán Việt Nam từ đầu năm 2020 tới nay có nhiều biến động đáng kể. Trên cả hai sàn, các chỉ số đều tăng trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán sau đó lại giảm mạnh khi dịch bệnh Covid-19 (corona) bùng phát.

Tuy vậy, phiên giao dịch đầu tiên của tháng 3 đã có chút hy vọng. Kết thúc phiên 2/3, VN-Index tăng 2,24 điểm, tương ứng tăng 0,25% lên 884,43 điểm. Toàn sàn có 167 mã tăng, 172 mã giảm và 70 mã đứng giá.

Chỉ số HNX-Index cũng tăng 1,09 điểm (0,99%) lên 110,67 điểm. Toàn sàn có 72 mã tăng, 56 mã giảm và 57 mã đứng giá.

So với phiên mở cửa đầu năm Canh Tý (30/1), thị trường chứng khoán Việt Nam bị càn quét khoảng 284 triệu tỷ đồng (tương đương hơn 12 tỷ USD) trong cơn bão Covid-19 không biết hồi kết.

Ở nhóm các doanh nghiệp niêm yết trên HoSE, giá trị vốn hoá bốc hơi hơn 11 tỷ USD. Những cổ phiếu là nguyên nhân chính kéo điểm của VN-Index như VCB, BID, SAB, VIC, VHM, GAS, VNM, HVN, VJC, HPG.

Nhung co phieu 'toi do' khien chung khoan Viet bay hon 12 ty USD sau Tet nguyen dan
 Những cổ phiếu "kéo" chỉ số VN-Index thụt lùi. Nguồn: VietstockFinance

Trong nhóm “tội đồ” kéo điểm của chỉ số này có đến sự góp mặt của 2 ông lớn ngân hàng, ông lớn ngành bia rượu, 2 trong mã cổ phiếu đang được niêm yết của họ Vingroup và 2 mã cổ phiếu ngành hàng không.

Cổ phiếu ngân hàng liên tục đỏ lửa trong tuần giao dịch 24-28/2, sang phiên đầu của tháng 3 (2/3), VCB và BID cũng chìm trong sắc đỏ với mức giảm lần lượt 0,73% và 0,77%.

Bị kẹp giữa 2 gọng kìm là virus corona và Nghị định 100 về bia rượu, cổ phiếu SAB đã có những phiên khởi đầu năm 2020 khá khó khăn, tính đến thời điểm hiện tại thị giá SAB còn 170.000 đồng, rớt từ mốc 232.500 đồng của phiên 30/1, tương ứng mất 38% thị giá.  

Cổ phiếu thuộc nhóm hàng không là HVN và VJC cũng theo đà giảm do corona gây ra.

Báo cáo tại cuộc họp của Bộ Giao thông vận tải sáng 27/2, đánh giá thiệt hại của ngành vận tải do dịch Covid-19, ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Cục Hàng không, cho biết dịch bệnh diễn biến ngày càng phức tạp, khiến thiệt hại các hãng hàng không nặng nề hơn.

Từ cuối tháng 1, do ảnh hưởng của Covid-19, thị trường vận tải hàng không bắt đầu giảm mạnh. Tính đến 26/2, các hãng hàng không đã dừng, giảm tần suất hàng loạt chuyến bay. Theo ước tính sơ bộ, dịch bệnh có thể tác động làm giảm doanh thu của các hãng Việt Nam khoảng 25.000 tỷ đồng.

Còn với các doanh nghiệp niêm yết trên HNX, giá trị vốn hoá tăng hơn 354 nghìn USD. Chỉ số HNX-Index tăng nhẹ so với phiên 30/1, đóng góp vào đà tăng trường này là cổ phiếu SHB, ACB, TVC,…

Chứng khoán Việt trong tháng 3 diễn biến như thế nào?

Trong một báo cáo của Công ty Chứng khoán MBS về đánh giá ảnh hưởng dịch Covid-19 tới biến động thị trường chứng khoán. MBS cho rằng, thị trường chứng khoán Việt Nam không nằm ngoài xu hướng điều chỉnh chung của các thị trường chính trên thế giới, thậm chí độ nhạy của thị trường còn lớn hơn so với thị trường Mỹ hay Châu Âu.

Tuần 24-28/2 cũng là tuần giảm thứ 3 liên tiếp của chỉ số VN-Index và cũng là tuần giảm thứ 4 trong 5 tuần gần nhất. Hai thực tế khó có thể chối cãi về thị trường trong tháng 2 vừa qua là: Biên độ biến động mỗi phiên lớn kể từ năm 2018 và khối ngoại bán ròng 5 tuần liên tiếp.

Nhung co phieu 'toi do' khien chung khoan Viet bay hon 12 ty USD sau Tet nguyen dan-Hinh-2
 Thị trường trong tháng 3 vẫn nằm trong "tâm bão"?

Với mức giảm 5,5% trong tuần, ảnh hưởng từ Covid-19 đã xóa sạch thành quả của thị trường trong năm 2019 (tăng 7,7%) với mức giảm kể từ đầu năm đã là 8,2%, thấp hơn so với mộ số thị trường trong khu vực như: Thái Lan, Indonesia, Philippines…

Trong kịch bản thận trọng, nếu vùng hỗ trợ 860 - 862 điểm không giữ được, khi đó ở phía dưới sẽ là khoảng trống và mốc 800 điểm có thể là vùng được chú ý. Thị trường chứng khoán trong nước đã điều chỉnh sớm hơn so với các thị trường lớn trên thế giới trong khi đó tuần vừa qua mới là đợt điều chỉnh đầu tiên của thị trường chứng khoán Mỹ sau khi liên tiếp lập đỉnh kỷ lục.

Do vậy khả năng thị trường trong nước còn chịu tác động từ bên ngoài là khá cao, bên cạnh đó là hoạt động bán ròng của khối ngoại vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt.

Tuy nhiên, MBS cho rằng thị trường thường chứng khoán thường phản ứng sớm hơn do đó kịch bản lạc quan là thị trường sẽ có đáy vào khoảng tháng 4 hoặc tháng 5.

Do đó, thị trường tháng 3 đâu đó vẫn nằm trong vùng "tâm bão" ảnh hưởng nhưng có thể sẽ là vùng trũng nhất trước khi thiết lập được vùng cân bằng mới.

MBS cho rằng nhà đầu tư nên duy trì trạng thái thận trọng trước những biến động khó lường trong ngắn hạn. Chỉ xem xét giải ngân thăm dò khi xuất hiện các đợt bán mạnh sát các vùng hỗ trợ 800-860 điểm và xuất hiện cầu bắt đáy sớm hoặc khi tín hiệu bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài suy yếu.

Ưu tiên các ngành có mức độ tập trung của dòng tiền cao, thanh khoản tốt như: ngân hàng, xây dựng và vật liệu xây dựng, thực phẩm, bán lẻ, công nghệ, sản xuất và phân phối điện, dược phẩm, săm lốp...

Anh Nhi

>> xem thêm

Bình luận(0)