Lập danh sách các món đồ cần mua
Những thứ xinh xắn như quần áo, phụ kiện luôn hiện lên bảng tin Facebook khiến bạn khó lòng mà bỏ qua. Vì vậy, hãy liệt kê ra những món đồ bạn cần mua vào ghi chú điện thoại hay sổ ghi nhớ và tự buộc bản thân mình chỉ được mua những thứ trong danh sách đó.
Để giúp bạn bám sát danh sách của mình, hãy nhờ bạn bè hoặc một thành viên trong gia đình hỗ trợ trong khi mua sắm. Yêu cầu họ cho bạn biết nếu bạn đang vượt quá nhu cầu mua sắm.
Đặt câu hỏi cho bản thân trước khi mua bất cứ thứ gì
Hãy thử hỏi bản thân một số câu hỏi mỗi khi bạn cảm thấy cần mua một món đồ nào đó. Bạn có cần cái này không? Tại sao muốn cái này? Bạn sẽ sử dụng chúng để làm gì và trong bao lâu? Liệu bạn có cảm thấy nhàm chán với nó sau một thời gian không?
Cụ thể hơn một chút, đối với quần áo và đồ trang điểm: Món đồ này có phù hợp dùng hàng ngày không? Nếu chỉ dành cho những dịp đặc biệt thì bạn có hay tham dự những dịp như vậy? Hay với những cô nàng yêu sách và văn phòng phẩm: Liệu đã đọc hết số sách đã mua chưa? Mình chỉ mua quyển vở này vì nó đẹp hay sao? Có cần thiết phải mua thêm chúng không trong khi bạn có rất nhiều đồ dùng khác tương tự ở nhà?
Đối với đồ nội thất và trang trí phòng: Cái này sẽ hữu ích hằng ngày chứ? Bạn sẽ đặt chúng ở đâu trong phòng mình, có hợp lý không? Còn với những món đồ phù phiếm, chỉ phục vụ cho mục đích giải trí, như đồ chơi chẳng hạn: Nó có giúp bạn cảm thấy vui hơn khi sử dụng? Bạn thấy chúng thật sự cần thiết hay chỉ vì món đồ này đang là xu hướng?
Thiết lập ngân sách cho những thứ cần mua
Lập ngân sách cho những đồ cần mua là một cách tuyệt vời để giúp bạn tiết kiệm tiền và tránh mua những thứ không cần thiết. Để đảm bảo tính thực tế, không nên định chi ra số tiền quá cao hoặc quá thấp.
Hành động này chắc chắn sẽ giúp bạn rất nhiều, đặc biệt là khi đến những nơi dễ bị "rỗng túi" như cửa hàng quần áo, phụ kiện bắt mắt hay những cửa hàng bày biện rất nhiều đồ nghệ thuật. Giới hạn đó giúp bạn thận trọng hơn về số tiền đã và sẽ chi tiêu.
Ghi lại chi phí những thứ đã mua hàng tháng
Liệt kê tất cả số tiền đã chi và đến cuối tháng bạn sẽ biết mình chủ yếu tiêu tiền vào việc gì. Nó không cần phải quá chính xác hoặc hoàn hảo như các công ty hay làm đâu. Bạn có thể ghi chép chúng thông qua những ứng dụng thống kê thông minh trên di động hoặc tự tay thiết kế, trang trí thành cuốn book journal xinh đẹp.
Đến cuối tháng, hãy xem lại nhật ký. Nếu bạn tiêu quá nhiều vào cà phê mỗi buổi sáng, hãy bỏ qua vài ngày không la cà hàng quán và thử tự pha ở nhà. Tìm những thứ bạn đã "đổ tiền" vào nhiều nhất và nếu đó không phải là nhu cầu cần thiết, hãy cắt giảm chúng xem sao.
Đặt chế độ "ưu tiên"
Màn hình điện thoại bị vỡ, balo đựng sách hỏng khóa, bộ sản phẩm makeup vừa ra mắt, cuốn truyện yêu thích ra tập mới, bạn sẽ chi tiền vào món đồ nào trước tiên? Chà, bạn có thể dễ thấy mình sẽ chọn gì trong những thứ kia nhưng thực tế, nó có thể khó quyết định hơn rất nhiều.
Bạn nên làm gì để chống lại sự cám dỗ của việc chi tiêu cho những thứ ít quan trọng hơn? Hãy viết ra các món đồ theo thứ tự ưu tiên, cái nào cần mua ngay lập tức, cái nào có thể đợi lâu hơn một chút.
Hãy chi tiền vào các món đồ chất lượng
Những món đồ có chất lượng tốt thường đi kèm với giá thành cao, nhưng sự thật là về lâu dài, bạn sẽ tốn ít tiền hơn đấy. Khi mua những món đồ có chất lượng tốt, bạn sẽ không cần phải chi thêm tiền để thay thế hoặc sửa chữa, điều thường xảy ra đối với những món đồ rẻ hơn. Điều này đặc biệt đúng đối với quần áo, túi xách, giày dép, vì bạn cần chúng đủ bền để sử dụng trong thời gian dài.
Hãy áp dụng 6 mẹo mua sắm này để trở thành một cô nàng mua sắm thông minh nhé.