Chiều 10/10, sau khi xuất bán xong đàn lợn 30 con với giá 51.000 đồng/kg, ông Nguyễn Văn Chung - chủ trang trại chăn nuôi quy mô gần 1.000 con lợn ở Sơn Dương (Tuyên Quang) - than thở, dù tự chủ được con giống, thức ăn chăn nuôi cũng rẻ hơn vì gia đình làm đại lý, song xuất chuồng lứa lợn này ông vẫn chịu lỗ 200.000-300.000 đồng/con.
Ông cho biết, lợn hơi của trang trại mình thuộc loại đẹp mới bán được mức 51.000 đồng/kg, còn các trang trại khác trong vùng gần một tuần nay phải bán với giá 47.000-48.000 đồng/kg. Với mức giá này, người nuôi lợn lỗ khá nặng.
Hồi tháng 7 Âm lịch, giá lợn hơi neo ở mức thấp 56.000-57.000 đồng/kg, ông Chung và nhiều người chăn nuôi lợn hy vọng qua ngày Rằm giá sẽ tăng, bởi nhiều người có xu hướng ăn chay trong trong dịp nửa đầu tháng 7.
Người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, thịt lợn ế ẩm (Ảnh: Tâm An)
Nhưng bước sang tháng 8 Âm lịch, giá lợn hơi không hồi phục mà còn quay đầu giảm sâu. Từ hoà gốc, người chăn nuôi lại gồng lỗ nặng.
“Lợn hơi bán giá rẻ nhưng vẫn ế”. Ông nói và cho biết, trước kia thương lái vào trại một chuyến thường bắt 30-50 con, nay trung bình một chuyến chỉ khoảng 10 con vì bắt nhiều cũng không bán được. Lứa lợn 30 con vừa bán, lái buôn đầu tiên vào chỉ bắt 9 con, ông phải gọi thêm lái buôn khác vào mới xuất bán hết.
Theo ông Chung, giá lợn hơi giảm sâu, nhiều hộ chăn nuôi xuất bán lợn xong liền treo chuồng. Bởi, giá lợn giống loại 7kg hiện ở mức 1,5 triệu đồng/con. Vào đàn thời điểm này rủi ro thua lỗ lớn vì dịch bệnh diễn biến phức tạp, giá lợn hơi thấp trong khi giá giống lại cao.
Anh Nguyễn Văn Chiến, chủ trang trại chăn nuôi gần 400 con lợn ở Mai Sơn (Sơn La), cách đây 2 ngày đã phải xuất bán lứa lợn 50 con với giá 48.000 đồng/kg.
“Lứa lợn này đến tuổi xuất chuồng từ đầu tháng 10 nhưng tôi thấy giá thấp nên giữ lại. Song, càng chờ giá càng giảm sâu, tôi đành bán đi dù lỗ nặng”, anh nói. Xuất bán hết lứa lợn này, anh lỗ gần 30 triệu đồng.
Trao đổi với PV. VietNamNet, ông Nguyễn Văn Chinh, đại diện chợ đầu mối gia súc, gia cầm Hà Nam, thừa nhận, giá lợn hơi ở chợ hôm nay dao động ở quanh mốc 48.000-49.000 đồng/kg. Mức giá này ông Chinh duy trì được một tuần nay.
Đáng nói, dù lợn hơi được giao dịch ở giá thấp nhưng vẫn ế. Lượng lợn đổ về chợ đầu mối chỉ khoảng 800-900 con/ngày, thấp hơn mức 1.000-1.200 con hồi tháng trước nhưng vẫn không tiêu thụ hết.
Giá lợn hơi giảm sâu (Ảnh: Vissan)
Theo chu kỳ thị trường, thời điểm tháng 9 giá lợn hơi sẽ có xu hướng tăng và neo cao. Bởi, đã bước qua mùa ăn chay tháng 7 Âm lịch, cùng với đó các bếp ăn trường học hoạt động trở lại.
Tuy nhiên năm nay, công nhân mất việc nhiều, các gia đình cũng phải chi khoản tiền lớn khi con cái bước vào năm học mới. Do đó, khoản tiền đi chợ của nhiều gia đình buộc phải thắt chặt hơn khiến sức mua thịt lợn sụt giảm dù giá rẻ.
Hiện giá lợn hơi xuất chuồng ở nước ta phổ biến ở mức 50.000-53.000 đồng/kg. Một số địa phương, các trang trại chỉ bán được 47.000-49.000 đồng/kg tuỳ loại.
So với mức đỉnh 65.000-67.000 đồng/kg hồi đầu tháng 7 năm nay, giá lợn hơi đã giảm 14.000-15.000 đồng/kg, rơi gần về đáy 46.000-47.000 đồng/kg hồi tháng 4 năm nay - mức thấp nhất tính từ đầu năm.
Nhận định về xu hướng giá lợn hơi thời gian gần đây, chuyên gia nghiên cứu thị trường của Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho rằng không phải do dư thừa. Tuy nhiên, trong một thời điểm ngắn, người chăn nuôi sợ dịch bệnh diễn biến phức tạp nên phá đàn bán tháo. Lợn chưa đủ cân đã ồ ạt bán ra, giá lại càng rẻ.
Cùng với đó, trước khi giá lợn có xu hướng giảm, một số doanh nghiệp và trang trại lớn có tâm lý chờ giá tăng. Lợn đến lứa xuất chuồng vẫn giữ lại. Bây giờ, trọng lượng lớn buộc phải bán. Loại lợn này được xếp vào hàng thừa cân, giá cũng rẻ hơn so với mặt bằng trên thị trường.
“Ai cũng muốn bán nhanh, thị trường không thể hấp thụ hết nên giá càng giảm sâu”, vị này cho hay. Giá lợn hơi được dự báo sẽ hồi phục từ cuối tháng 10, đầu tháng 11 năm nay.