Hoạt động này được Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết nhằm đảm bảo việc tuân thủ pháp luật của nền tảng mạng xã hội TikTok trong quá trình hoạt động, kinh doanh tại Việt Nam.
Tràn lan nội dung xấu, độc hại
Theo phân tích của nhật báo The Guardian (Vương quốc Anh), TikTok hiện tăng trưởng vượt trội so với các “đàn anh” như Facebook, YouTube, Instagram... Chỉ sau 4 năm ra mắt trên toàn cầu, nền tảng mạng xã hội của Trung Quốc này đã thu hút 1 tỷ người dùng. Số liệu của DataReportal cho thấy, tại Việt Nam, tính đến tháng 2/2023, hiện có khoảng 49,9 triệu người sử dụng mạng xã hội TikTok, đứng thứ 6 trên toàn cầu và đứng thứ nhất tại Đông Nam Á.
Cùng với sự tăng trưởng như vũ bão, TikTok liên tục khiến dư luận bức xúc về những nội dung xấu, độc hại được lan truyền một cách chóng mặt. Chỉ cần mở TikTok lên là người dùng như bước vào một “mê hồn trận” bởi rất nhiều video ngắn được đăng tải trên nền tảng này. Đáng chú ý, các video nội dung nhảm nhí câu view, nội dung khiêu dâm, truyền bá mê tín dị đoan, tin giả tràn lan hay cả những thông tin sai lệch về chính trị câu view đều xuất hiện trên TikTok tại Việt Nam.
Đơn cử, mới đây, hình tượng chú bé loắt choắt trong bài thơ Lượm của nhà thơ Tố Hữu cũng đã bị xuyên tạc với những ca từ nhảm nhí nhưng lại nhanh chóng trở thành một trào lưu thu hút cộng đồng mạng. Mặc dù sau đó clip gốc đã được tác giả gỡ xuống, nhưng như mọi lần, ngay lập tức xuất hiện hàng trăm tài khoản khác đăng lại nội dung bài rap này, đi kèm đó là những hình ảnh rất phản cảm, dung tục.
Hay, tháng 3/2023, đoạn video quay cảnh 4 người phụ nữ mặc bộ đồ màu hồng và quần đen nhảy múa phản cảm ở nơi an nghỉ của hơn 1.000 tăng ni ở chùa Bổ Đà thuộc xã Tiên Sơn (huyện Việt Yên, Bắc Giang) cũng khiến dư luận xôn xao. Đáng nói, video của các cô gái tràn lan trên TikTok với lượt xem từ vài trăm nghìn tới cả triệu lượt.
|
Trào lưu cô đồng bổ cau "Đúng nhận, sai cãi" trên TikTok từng nổi lên gần đây đã góp phần cổ súy cho các hoạt động mê tín dị đoan. (ảnh: Internet).
|
Tương tự, trào lưu leo lên băng chuyền hành lý ở sân bay, nhảy múa ở khu vực sân đỗ để quay TikTok nằm trong số nội dung tiêu cực phổ biến trên mạng xã hội này. Bên cạnh đó, những cuộc ẩu đả, công kích cá nhân, truyền bá mê tín dị đoan, tệ nạn xã hội... trôi nổi trên mạng xã hội có hàng chục triệu người dùng ở Việt Nam. TikTok cũng là kênh tràn lan tin giả, định hướng dư luận theo chiều hướng tiêu cực.
Trên TikTok, lĩnh vực phim ảnh, âm nhạc cũng đang bị xâm hại nghiêm trọng. Đơn cử, đầu năm nay, nội dung “Chị chị em em” 2, “Nhà bà Nữ” bị nhiều chủ tài khoản TikTok quay lén và đăng tải trên nền tảng mạng xã hội này khi vừa ra mắt ít ngày. Cùng với đó, vô số nội dung độc hại núp bóng review phim ngắn vẫn đang tràn lan trên nền tảng xã hội đang nổi nhất hiện nay.
Theo báo cáo minh bạch của TikTok, nền tảng này xóa 1,7 triệu video tại Việt Nam vì vi phạm chính sách trong quý IV/2022, trong đó 94,9% là chủ động xóa. Trong nửa đầu 2022, TikTok nhận được yêu cầu xử lý 292 video từ Chính phủ, trong đó xóa 197 video, chiếm 67,5% số yêu cầu. Tuy nhiên, động thái này của TikTok vẫn bộc lộ thiếu sót khi không thể ngăn chặn hoàn toàn các video xấu, độc hại. Bởi, khác với Facebook hay YouTube phân phối nội dung hoàn toàn tự động hoặc gợi ý thụ động, TikTok hoàn toàn do thuật toán phân phối nội dung. Tức là, bất kể là thông tin tốt hay độc hại để tạo thành xu hướng.
Ở diễn biến liên quan, trước đó, Bộ Thông tin và Truyền thông đã công bố kế hoạch kiểm tra toàn diện hoạt động Tiktok tại Việt Nam, đồng thời chỉ ra 6 vi phạm lớn của nền tảng này.
Theo đó, TikTok không có biện pháp kiểm soát hiệu quả những nội dung vi phạm liên quan đến chính trị, chống phá Đảng, Nhà nước; tin giả; nội dung độc hại, nhảm nhí, có khả năng gây nguy hiểm với trẻ em. Bên cạnh đó, TikTok sử dụng thuật toán phân phối nội dung tự động để tạo xu hướng, từ đó phát tán những nội dung giật tít, câu view mặc cho chúng phản cảm, độc hại, gây ảnh hưởng xấu đến cộng đồng, giới trẻ.
Cùng đó, nền tảng này không có biện pháp kiểm soát, ngăn chặn kinh doanh, buôn bán, quảng cáo hàng giả, hàng nhái, thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc, thuốc kích dục…
Tiếp đó, TikTok không quản lý hoạt động của các idol (thần tượng) dẫn đến nhiều người sản xuất nội dung nhảm nhí, thiếu văn hóa, nhắm vào sự hiếu kỳ của người xem, tạo xu hướng thu lợi nhuận từ những nội dung này. Cụ thể là việc cho phép thách đấu trực tuyến, idol TikTok có thể được người xem tặng quà, càng sốc, hở, phản cảm càng được tặng nhiều quà và có khả năng quy đổi ra tiền. Điều đáng nói là TikTok sẽ nhận được 70% từ số tiền thu được.
Ngoài ra, TikTok không có biện pháp quản lý các nội dung vi phạm bản quyền, đặc biệt các nội dung trích từ phim ảnh. Mặt khác, TikTok cũng không có biện pháp quản lý để người dùng tự ý sử dụng hình ảnh riêng tư, cá nhân của người khác để tung tin giả, hoặc xúc phạm, bôi nhọ người khác.
Những hệ lụy nghiêm trọng
Tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Thông tin và Truyền thông mới đây, ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử cho biết, Bộ Thông tin và Truyền thông đã công bố kế hoạch triển khai kiểm tra toàn diện TikTok tại Việt Nam trong tháng 5 này. Theo kế hoạch, việc kiểm tra hoạt động của TikTok sẽ bắt đầu vào ngày 15/5 và kéo dài đến hết tháng.
Liên quan đến kế hoạch thanh, kiểm tra toàn diện hoạt động của TikTok tại Việt Nam, ông Lê Quang Tự Do cũng cho biết thêm, để thực hiện kế hoạch trên, Bộ đã triển khai các bước kiểm tra theo quy định. Bộ Thông tin và Truyền thông đã gửi công văn cho các bộ, ngành liên quan cử cán bộ tham gia đoàn kiểm tra, đến nay danh sách đoàn kiểm tra sắp hoàn thiện. Bộ cũng xây dựng đề cương nội dụng thực hiện kiểm tra TikTok.
Ông Lê Quang Tự Do cho biết thêm, xuất hiện ở Việt Nam từ năm 2019, TikTok đã phát triển rất nhanh trong những năm gần đây. Tuy nhiên, Cục trưởng Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử cho rằng, việc phát triển mạnh của nền tảng đến từ Trung Quốc này không đi đôi với trách nhiệm để giữ gìn, quản lý nội dung lành mạnh, an toàn với người dùng. Đặc biệt, từ năm 2022 trở lại đây, trên Tiktok bắt đầu xuất hiện nhiều nội dung chống phá Đảng, nhà nước, vi phạm pháp luật nghiêm trọng về chính trị.
Đáng lo ngại, theo ông Lê Quang Tự Do, những sai phạm của TikTok để lại hệ lụy nghiêm trọng như tạo môi trường thuận lợi cho tin giả phát tán, gây thiệt hại về kinh tế và bất ổn cho xã hội. Không những thế điều này còn khuyến khích giới trẻ bắt chước, học theo những trào lưu xấu, phản cảm, làm lệch lạc nhận thức, lối sống của giới trẻ, làm băng hoại giá trị văn hóa của dân tộc, khuyến khích, tạo thuận lợi cho hoạt động kinh doanh bất hợp pháp.
Do vậy, để xử lý những sai phạm và hậu quả do các nội dung xấu, độc trên TikTok, cùng với việc kiểm tra toàn diện, trong thời gian tới Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp về pháp lý, kinh tế, kỹ thuật, ngoại giao, truyền thông để yêu cầu các nền tảng xuyên biên giới như TikTok phải tuân thủ pháp luật Việt Nam.
Trên thế giới, TikTok đang vấp phải làn sóng tẩy chay từ các cơ quan quản lý vì vấn đề an ninh và nội dung độc hại. Giữa tháng 3, Anh trở thành nước tiếp theo cấm ứng dụng TikTok trên các thiết bị làm việc của chính phủ, sau Mỹ, Canada, Bỉ và Ủy ban châu Âu. Mới đây, Anh tiếp tục đưa án phạt Tiktok 12,7 triệu bảng (gần 16 triệu USD) vì vi phạm luật bảo vệ dữ liệu. Tại phiên điều trần ngày 23/3, các nhà lập pháp Mỹ cho rằng TikTok phải bị cấm vì nghi ngờ truy cập dữ liệu người dùng, phát tán các nội dung gây tuyệt vọng và tự làm hại bản thân.