Làn sóng cấm cửa Tiktok ngày càng lan rộng

Google News

Việc Anh ngày 14/3 trở thành quốc gia mới nhất tuyên bố sẽ xem xét việc cấm TikTok cho thấy làn sóng cấm cửa ứng dụng này ngày càng gia tăng.

Ngày càng quyết liệt
Ấn Độ dường như là một trong những quốc gia đầu tiên ban hành lệnh cấm hoạt động đối với TikTok, TikTok cũng phải đối mặt với lệnh cấm tạm thời đối với tất cả người dùng ở Indonesia, Bangladesh và Pakistan do phát tán nội dung mà chính phủ cho là không phù hợp, nhưng Mỹ cho tới nay mới là quốc gia liên tục có thái độ cứng rắn nhất với TikTok.
Ngay từ hồi cuối năm 2020, Chính quyền Tổng thống Trump đã ban hành lệnh cấm tải ứng dụng TikTok và một số nền tảng khác trên lãnh thổ Mỹ, nếu các công ty chủ quản không giải quyết được nguy cơ đe dọa an ninh, hoặc không bán lại cho các công ty Mỹ.
Tới năm 2022 vừa qua, hàng loạt bang của Mỹ đã thông báo cấm TikTok trên các thiết bị của chính quyền bang. Nhà Trắng đã yêu cầu tất cả nhân viên liên bang phải gỡ bỏ ứng dụng này khỏi các thiết bị công vụ. Quân đội và chính quyền tại hơn 25 bang của Mỹ đã cấm TikTok trên các thiết bị công.
Lan song cam cua Tiktok ngay cang lan rong
Phản ứng dữ dội đối với TikTok ở Mỹ và các nước phương Tây khác đã leo thang trong những ngày gần đây. 
Cuối tháng 12/2022, Quốc hội Mỹ cũng đã thông qua “Đạo luật không TikTok trên các thiết bị của chính phủ” cấm sử dụng TikTok trên tất cả các thiết bị của chính phủ liên bang. Ngày 7/3, Nhà Trắng đã kêu gọi Quốc hội Mỹ nhanh chóng thông qua dự luật có tên gọi Hạn chế các mối đe dọa bảo mật gây rủi ro công nghệ thông tin và truyền thông (RESTRICT) do thượng nghị sĩ Dân chủ Mark Warner, Chủ tịch Ủy ban Tình báo Thượng viện, và thượng nghị sĩ Cộng hòa John Thune soạn thảo. Theo Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ, việc thông qua dự luật sẽ giúp tăng khả năng của Mỹ khi giải quyết những rủi ro liên quan tới các quốc gia trong lĩnh vực công nghệ nhạy cảm.
Sau Mỹ, ngày 27/2/2023, Canada cũng nối gót Mỹ, tuyên bố nói không với việc cài đặt, sử dụng ứng dụng TikTok trên mọi thiết bị của chính phủ. Các quan chức Canada cho rằng, ứng dụng TikTok gây ra mối đe dọa cho an ninh của Canada cũng như bí mật đời tư của người dùng ở mức độ không thể chấp nhận.
Quan chức Canada cũng cho hay nước này cùng các đối tác Mỹ và châu Âu có chung chính sách về bảo vệ dữ liệu cá nhân của người sử dụng các thiết bị thông tin truyền thông. Thủ tướng Canada Justin Trudeau cho biết quyết định của chính phủ đối với TikTok sẽ là lời cảnh tỉnh để các cá nhân, doanh nghiệp đánh giá lại các biện pháp an ninh đang sử dụng để bảo vệ dữ liệu của họ, và đưa ra quyết định phù hợp.
Trước đó, các cơ quan quản lý cấp liên bang cũng như tiểu bang của Canada cho biết đã khởi động cuộc điều tra cáo buộc TikTok thu thập, sử dụng, tiết lộ dữ liệu cá nhân của người dùng trái phép và không được sự cho phép của khách hàng. Nhà chức trách Canada cho hay một bộ phận đáng kể người sử dụng TikTok là trẻ em và thanh niên, vì thế cuộc điều tra được tiến hành tập trung vào bảo vệ quyền riêng tư của trẻ em.
Sau Mỹ, Canada, hàng loạt quốc gia châu Âu cũng liên tiếp đưa ra quyết định cấm TikTok đều với lý do lo ngại về an ninh quốc gia. Ngày 28/2, Quốc hội Đan Mạch kêu gọi cấm sử dụng TikTok trên điện thoại làm việc của tất cả các nghị sĩ và nhân viên vì “nguy cơ gián điệp”. Ba cơ quan hàng đầu của Liên minh châu Âu (EU) là Nghị viện châu Âu, Ủy ban châu Âu và Hội đồng châu Âu đã thông báo áp dụng lệnh cấm các nhân viên tải ứng dụng TikTok vào các thiết bị phục vụ công việc kể từ giữa tháng 3 này.
Mới đây nhất, ngày 14/3, Bộ trưởng An ninh Anh Tom Tugendhat cho biết đã giao Trung tâm an ninh mạng quốc gia nước này xem xét việc có nên cấm cài đặt ứng dụng TikTok trên các thiết bị thuộc sở hữu cơ quan nhà nước và chính phủ Anh hay không và rằng rất cấp thiết phải hiểu chính xác những thách thức tiềm ẩn từ các ứng dụng công nghệ cũng như cách thức các ứng dụng này tác động đến cuộc sống của người dùng. CH Séc và Ireland cũng đang điều tra về khả năng bảo mật dữ liệu của TikTok.
Quá nhiều mối lo ngại từ một ứng dụng
Trước sự cấm đoán ngày càng quyết liệt của Mỹ và các quốc gia, TikTok không ít lần lên tiếng “phân bua”. Đại diện TikTok cho rằng: “Chúng tôi đánh giá cao việc một số chính phủ đã lựa chọn sáng suốt không thực hiện các lệnh cấm như vậy do thiếu bằng chứng cho thấy có bất kỳ nhu cầu nào như vậy, nhưng thật đáng thất vọng khi thấy các cơ quan và tổ chức chính phủ khác đang cấm TikTok trên các thiết bị của nhân viên mà không có sự cân nhắc hoặc bằng chứng nào, những lệnh cấm này là sai lầm và không giúp được gì cho quyền riêng tư hoặc bảo mật”.
Với Mỹ, đại diện từ ứng dụng này cho rằng bất kỳ lệnh cấm nào của Mỹ đối với ứng dụng này đồng nghĩa với “lệnh cấm xuất khẩu văn hóa và giá trị Mỹ cho hơn 1 tỷ người sử dụng dịch vụ của chúng tôi trên toàn thế giới”. Nền tảng này cũng khẳng định đã chi hơn 1,5 tỷ USD để củng cố bảo mật dữ liệu của người dùng trước những nghi ngại về nguy cơ rò rỉ. Với nước Anh, ứng dụng này khẳng định TikTok cam kết làm việc với Chính phủ Anh để giải quyết bất kỳ mối quan ngại nào và sẽ thực hiện các biện pháp để bảo vệ hơn nữa dữ liệu người dùng châu Âu.
Tuy nhiên, về phía các chính phủ, những điều TikTok đưa ra lại chẳng mấy thuyết phục. Nền tảng xã hội được sử dụng nhiều thứ 6 trên thế giới với hơn 1 tỷ người truy cập mỗi ngày, bị cáo buộc không chỉ là mối nguy với an ninh quốc gia, an ninh dữ liệu, vấn đề quyền riêng tư và an toàn trực tuyến, mà còn là những trào lưu nguy hiểm hay nội dung không phù hợp như thông tin độc hại, tin giả, nội dung khiêu dâm… được lan truyền trực tuyến.
Đơn cử như Tổng thống Pháp Emmanuel Macron từng lên tiếng phê phán TikTok là “vô tội một cách lừa dối” và là nguyên nhân khiến người dùng “nghiện thực sự”. Còn một nhà lập pháp ôn hòa trong Nghị viện Châu Âu thì cho rằng những rủi ro tiềm ẩn liên quan đến TikTok lớn hơn nhiều so với Twitter. Giới chuyên gia cũng chỉ ra những hậu quả nghiêm trọng trước thực trạng tin giả hoặc các trào lưu nguy hiểm lan truyền trên các nền tảng này, gây ra những hậu quả khôn lường đối với chính người dùng và xã hội.
Sự việc mới đây, tại Đại học Massachusetts của Mỹ, nhiều sinh viên đã bị ngộ độc nghiêm trọng tới mức phải cấp cứu khi uống dung dịch hỗn hợp gồm rượu, chất điện giải, hương liệu và nước theo một trào lưu uống say đang thịnh hành trên TikTok với tên gọi “BORGs” là một minh chứng cho “mối nguy xã hội” của TikTok. “Mối nguy xã hội” này là không thể xem thường bởi như đánh giá của tờ The New York Times (Mỹ), TikTok đã làm thay đổi phương tiện truyền thông xã hội và là cỗ máy có khả năng lan truyền lớn nhất thế giới, rằng nếu cần tìm một nhà hàng đang hút khách hoặc để tìm chỉ dẫn để thực hiện điều gì đó, giới trẻ đang tìm tới TikTok, thay vì Google như trước đây.
Rõ ràng những cáo buộc đó là hoàn toàn có cơ sở, và trước mắt chỉ trong tháng 3 này, Giám đốc điều hành TikTok sẽ phải điều trần về các hoạt động bảo mật dữ liệu của công ty. Và để bảo toàn sự tồn tại của mình, nhiều chuyên gia cho rằng đã đến lúc các nền tảng nội dung số trong đó có TikTok cần thắt chặt hơn tiêu chuẩn cộng đồng và kiểm soát chặt nội dung đăng tải để xây dựng môi trường mạng lành mạnh, an toàn.
Theo Nguyễn Hà/Công Luận

>> xem thêm

Bình luận(0)