Những “kho báu” hàng trăm tuổi
Theo tìm hiểu của PV Báo Gia đình & Xã hội, đình Đông Cốc được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch) công nhận là Di tích lịch sử, nghệ thuật cấp quốc gia vào năm 1992. Điểm nhấn của ngôi đình này là những cây sưa quý có tuổi đời hàng trăm năm.
Năm 2016, cây sưa 200 tuổi đã được bán đấu giá, với giá 24,5 tỷ đồng.
Có mặt tại đình làng Đông Cốc những ngày đầu năm 2018, theo quan sát của PV, ngoài những gốc cây sưa có tuổi đời hàng chục năm thì trong khuôn viên này còn một cây sưa đỏ 400 tuổi được ví như “kho báu” của làng. Qua hỏi chuyện, một số người dân đã bày tỏ nguyện vọng được bán nốt cây sưa 400 tuổi để lấy tiền xây dựng quê hương. Theo đó, họ cho rằng, việc cây sưa 200 tuổi được phép bán thì không có lý do gì cây sưa 400 tuổi này không được phép bán, bởi cùng là cây nằm trong khuôn viên đình. Hơn nữa, việc cây sưa già cỗi nếu không nhân dịp bán kịp thời sẽ có lúc cây chết và giá cả không được như bây giờ.
|
Cây sưa 400 tuổi tỏa bóng rợp sân đình Đông Cốc. Ảnh: N.T |
“Đồ vật gì cũng có tuổi thọ của nó, cây sưa này cũng thế, chỉ là một cây gỗ, sống lâu thành đại thụ, để đấy cũng không giải quyết được vấn đề gì. Nhân lúc gỗ sưa còn đang có giá thì nên bán luôn để lấy tiền chia cho nhân dân và lấy tiền xây dựng quê hương”(?), một người dân Đông Cốc có mặt tại đình làng vừa nói vừa đưa tay chỉ lên cây để minh chứng.
Về giá trị, họ cho rằng cây sưa 400 tuổi này phải có giá trị 100 tỷ đồng, thậm chí hơn thế bởi cây có từ lâu đời, thân và cành cây to gấp nhiều lần cây sưa 200 tuổi được bán với giá 24,5 tỷ đồng trước đó. Cũng theo một số người dân làng Đông Cốc, “đại lão sưa 400 tuổi” này được rất nhiều đại gia dòm ngó, nếu chính quyền đồng ý cho người dân bán sẽ có rất nhiều người đến mua.
Không nỡ bán…
Theo quan sát, cây sưa 400 tuổi ngự ngay cạnh sân đình làng Đông Cốc, có đường kính trên 1m, cao khoảng 20m, lá vẫn xanh tốt.
Kể về nguồn gốc cây sưa này, ông Nguyễn Thế Tưởng (70 tuổi), thủ từ trông coi đình làng Đông Cốc cho biết: “Dẫu chưa có một nghiên cứu cụ thể nào nhưng cây gỗ sưa ở sân đình có tuổi đời phải hơn 400 năm. Cây này có từ thời đình làng mới được lập và tấm biển đề 400 năm tuổi chỉ là do các cụ tự ước lượng”.
Theo lời cụ thủ từ, thì đây là cây sưa quý, được dân làng bảo vệ như một tài sản vô giá, trường tồn cùng mảnh đất và con người nơi này. “Từ khi sinh ra, tôi đã thấy cây gỗ sưa này rồi, kể cả các cụ cao niên trong làng cũng không ai nhớ nổi cây có từ bao giờ… Hiện nay, ngoài hàng rào vây quanh đình làng, cổng sắt, trong đình luôn có người trông coi, bảo vệ cây sưa”, ông Tưởng nói.
Chỉ vào những cột đình to sừng sững, ông Tưởng cho hay: “Vào những năm giá gỗ sưa đắt đỏ, có rất nhiều đại gia gỗ đến đây hỏi mua sưa nhưng đều bị người dân từ chối. Cho đến một đêm mùa đông khoảng những năm 2007, cây sưa 400 năm tuổi này bị bão gió quật đổ gãy một cành lớn. Cành sưa sau đó cũng được đổi cho một đại gia buôn gỗ để lấy tiền tu sửa đình làng”.
Dưới gốc cây hiện nay có một hốc lớn mà các cụ cao niên trong làng và lãnh đạo xã cho biết, đó là hang rắn, hiện chưa ai dám bắt. Cũng theo ông Tưởng, ngoài giá trị tinh thần với dân làng Đông Cốc, cây sưa 400 năm tuổi này còn là một nguồn giống quý được nhiều người ở các nơi ưa chuộng.
“Mỗi năm, đều đặn cứ dịp tháng 9 đến tháng 11, cây sưa 400 tuổi rụng quả rất nhiều xuống sân đình. Thời gian sưa đắt, người ta kéo đến mua rất nhiều, các cụ còn ươm cả giống để bán lấy tiền nhang khói phục vụ đình, chùa”, ông Tưởng chia sẻ.
Một số cụ cao niên trong thôn Đông Cốc cũng bày tỏ nguyện vọng không bán “kho báu 400 tuổi” của làng với bất cứ giá nào. Lý do được họ nêu ra là vì cây sưa 400 tuổi này có giá trị tinh thần, gắn với quần thể di tích đình làng Đông Cốc. “Cây sưa này gắn với Di tích lịch sử đình Đông Cốc đã được Bộ VH-TT&DL công nhận, có giá trị tinh thần to lớn cho người dân từ đời này qua đời khác nên không thể bán”, ông Nguyễn Văn Khuyến, một người dân Đông Cốc tâm tư.