Nhà đầu tư nên duy trì chiến lược "bơi trong dòng nước ngược" năm 2023

Google News

VDSC đề xuất chiến lược phòng thủ, ít nhất trong nửa đầu năm 2023, với việc hạn chế hết mức tối đa việc sử dụng đòn bẩy tài chính trong những nhịp thị trường tăng tốc bất ngờ.

Trong báo cáo chiến lược năm 2023, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho biết không kỳ vọng một con sóng tăng lớn hay một sự điều chỉnh cực mạnh sẽ diễn ra trong năm 2023; thay vào đó là những đợt sóng nhỏ và nhịp đi xuống sẽ mang lại cơ hội tích lũy cổ phiếu với mức giá tốt.
Để có thể tối ưu được các cơ hội như trên, VDSC đề xuất chiến lược phòng thủ, ít nhất trong nửa đầu năm 2023, với việc hạn chế hết mức tối đa việc sử dụng đòn bẩy tài chính trong những nhịp thị trường tăng tốc bất ngờ mà thiếu sự hậu thuẫn bởi những thay đổi cơ bản về vĩ mô. Nhà đầu tư có thể dành một phần danh mục cho việc giao dịch ngắn hạn, nhằm tối ưu hóa hiệu suất đầu tư trong năm. VDSC cụ thể hóa bằng cụm từ “bơi trong dòng nước ngược”.
Nha dau tu nen duy tri chien luoc 'boi trong dong nuoc nguoc' nam 2023
 VDSC khuyên nhà đầu tư ra sao trong năm 2023?
Theo đó, VDSC khuyến nghị nhà đầu tư có thể theo dấu dòng tiền lớn từ việc quan sát xu thế của ETFs. Hiện tại, các rổ chỉ số VN30, VNDiamond, VNFinlead, VNFinseclect, VNMid đã giúp đa dạng danh mục sản phẩm của các quỹ đầu tư với sự ra đời của các quỹ ETFs.
Từ cuối năm 2020, dòng vốn này bắt đầu hoạt động sôi động hơn và có thời điểm trở thành trụ đỡ của thị trường đặc biệt trong những giai đoạn suy giảm mạnh như cuối năm 2022 vừa qua.
So với các quốc gia lân cận, Việt Nam được xem là nền kinh tế có bức tranh vĩ mô tương đối ổn định và tăng trưởng khả quan. Do vậy, VDSC kỳ vọng các quỹ ETFs sẽ tiếp tục thu hút được dòng tiền ngoại trong năm 2023.
Từ đây, lựa chọn cổ phiếu tốt thuộc danh mục các rổ chỉ số mà các ETF này tham chiếu có thể sẽ giúp danh mục của nhà đầu tư cá nhân ít chịu tổn thương hơn trong những nhịp suy giảm mạnh của thị trường.
Không nên bỏ qua cổ phiếu ngân hàng trong giỏ hàng trung - dài hạn
Ngân hàng được xem là một trong những ngành chịu rủi ro cao về nợ xấu trong bối cảnh các hoạt động kinh tế suy giảm. Dù vậy, kinh doanh vốn vẫn là kinh doanh huyết mạch của kinh tế Việt Nam, khi mà tỷ lệ dư nợ tín dụng vẫn ở mức cao so với quy mô GDP của nền kinh tế.
Do đó, VDSC cho rằng các ngân hàng có mức độ phơi nhiễm cao với trái phiếu doanh nghiệp hay thị trường BĐS sẽ gặp áp lực thanh khoản và chi phí tín dụng cao hơn so với các ngân hàng khác.
Đồng thời, dù nợ xấu phát sinh do Covid có thể tăng nhanh sau khi Thông tư 03 về gia hạn nợ hết hạn, song VDSC cho rằng chi phí tín dụng của các ngân hàng sẽ không tăng quá mạnh bởi lý do này khi mà hầu hết các ngân hàng đã trích dự phòng đầy đủ cho các khoản nợ tái cơ cấu ngay cả khi chính sách của NHNN không bắt buộc.
Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, quan sát cho thấy chỉ số P/B của nhóm ngân hàng đã giảm về mức xấp xỉ mức P/B của năm 2012 – 2013, giai đoạn khủng hoảng nghiêm trọng của ngành ngân hàng Việt Nam.
Như vậy, để đón đầu một chu kỳ mới trong trung – dài hạn, cổ phiếu ngân hàng cũng là một trong những cổ phiếu không nên bỏ qua trong quá trình sàng lọc đầu tư.
VDSC nhấn mạnh “trong ngành triển vọng sẽ có những cổ phiếu định giá không còn hấp dẫn, và trong ngành kém khả quan sẽ có những doanh nghiệp có khả năng chống chịu tốt trong khủng hoảng nhưng định giá đã bị chiết khấu sâu”. Do đó, đội ngũ phân tích hướng đến việc lựa chọn cổ phiếu hơn là lựa chọn ngành.
Một số tiêu chí có thể tham khảo để lựa chọn cổ phiếu bao gồm (1) Định giá đã giảm về mức thấp của chu kỳ kinh tế suy giảm trước; (2) Là những doanh nghiệp tốt trong ngành khỏe và doanh nghiệp khỏe trong ngành kém khả quan; (3) Sử dụng đòn bẩy tài chính thấp và hiệu quả hoạt động cao hơn chi phí lãi vay; (4) Hiệu quả sinh lời trên vốn cao và khả năng trả cổ tức.
Anh Nhi

>> xem thêm

Bình luận(0)