Các công ty chứng khoán đưa ra chiến lược đầu tư gì cho tuần từ 29/5 đến 2/6?
Chứng khoán Vietcombank (VCBS): VN-Index sẽ tiếp tục rung lắc từ 1 – 3 phiên tới
Nhìn lại tuần qua VN-Index ghi nhận tuần giao dịch rung lắc, tích lũy quanh khu vực 1060 - 1070 với sự phân hóa, tăng giảm đan xen giữa các nhóm ngành.
Về diễn biến cụ thể, VN-Index có được phiên giao dịch đầu tuần tích cực với sắc xanh lan tỏa ở tất cả các nhóm ngành giúp thị trường tiệm cận lại khu vực 1070. Tuy nhiên áp lực bán gia tăng dần ở 2 phiên sau đó, đặc biệt là sự điều chỉnh của nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn thuộc VN30 đã đè nặng áp lực lên chỉ số chung khiến cho thị trường không thể nối dài được mạch tăng điểm.
Trong tuần vừa qua, thị trường không có nhiều sự thay đổi quá tích cực về mặt điểm số nhưng sự phân hóa được thể hiện khá rõ ràng với việc lực cầu luân phiên tìm đến các nhóm ngành khác nhau để duy trì điểm số trong vùng điểm từ 1060 – 1070.
Trong đó nhóm cổ phiếu dầu khí và xây dựng là nổi bất nhất với mức tăng xấp xỉ 3%. Trước diễn biến chưa rõ xu hướng của thị trường, khối ngoại tiếp tục đẩy mạnh bán ròng trong phiên cuối tuần với thanh khoản 395 tỷ, tập trung bán HSG, NVL, VND.
Kết tuần, VN Index đóng cửa tại 1063.76, giảm 3.31 điểm, tương đương với 0.31% so với tuần trước.
Sau đợt giảm lãi suất điều hành ngày 23/5, NHNN đã có cuộc họp với lãnh đạo cấp cao 26 ngân hàng thương mại. Theo đó, các ngân hàng thương mại đồng thuận từ ngày 29/5, giảm 0,5 điểm % lãi suất cho vay đối với dư nợ hiện hữu nhằm hỗ trợ tài chính cho khách hàng trong bối cảnh sản xuất - kinh doanh có dấu hiệu chậm lại.
Theo VCBS, đây tiếp tục là tín hiệu tích cực thể hiện chính sách nhất quán của NHNN trong việc kéo giảm chi phí lãi vay của nền kinh tế, hỗ trợ khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp và người dân ở mức lãi suất thấp hơn.
Về góc nhìn kỹ thuật, VN-Index kết tuần tạo nến đỏ, giao dịch quanh mốc tham chiếu do lực bán chủ yếu ở nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn đè nặng áp lực lên chỉ số chung. Xét về khung đồ thị ngày, thị trường vẫn đang vận động tích lũy tích cực quanh vùng điểm 1060 – 1070 cùng với sự phân hóa, tăng giảm đan xen giữa các nhóm ngành. Tại khung đồ thị giờ, 2 chỉ báo MACD và RSI đã tạo đáy đầu tiên, bật nảy và đang có xu hướng đảo chiều hướng xuống. Với kịch bản tích cực, VN-Index sẽ tiếp tục rung lắc từ 1 – 3 phiên tới để 2 chỉ báo nói trên hình thành 2 đáy và bước vào nhịp tăng điểm mới.
Do đó, VCBS khuyến nghị các nhà đầu tư tiếp tục bám sát thị trường, có thể cân nhắc giải ngân từ 20 – 30% đối với những cổ phiếu đang có xu hướng điều chỉnh tích lũy, kiểm tra thành công khu vực kháng cự thuộc các nhóm ngành như chứng khoán, dầu khí, xây dựng.
Mirae Asset: Chưa thể tăng mạnh, VN-Index đi ngang trong sự sôi động của nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ
Sau khi kiểm định mốc 1.060 trong tuần trước, VN-Index được kỳ vọng sẽ tích cực trong tuần này (22 – 26/05). Chỉ số đã khởi đầu khá thuận lợi tuy nhiên khi chạm vùng đỉnh cũ tại 1.073 lực bán của cả khối nội và khối ngoại đã cản bước đà tăng VN-Index. Trong 4 phiên còn lại, VN-Index đã để mất toàn bộ thành quả của phiên đầu tuần đồng thời giảm thêm 3,31 điểm (-0,31%) để chốt tuần tại 1.063,76.
Chỉ số chung giảm điểm nhưng tuần này nhóm cố phiếu có mức vốn hóa vừa và nhỏ lại rất sôi động, tập trung ở các nhóm chính như: Đầu tư công (HHV, LCG, VCG...), Điện (PGV, REE, GEX...), Khu công nghiệp (GVR, IDC, PHR...) và Dầu khí (PVS, PVD...). Về ảnh hưởng đến chỉ số thì VHM là cổ phiếu ảnh hưởng tích cực nhất đến VN-Index với mức ảnh hưởng +1 điểm, tiếp đến là GVR có cùng mức tác động +1. Chiều ảnh hưởng tiêu cực, nhóm cổ phiếu ngân hàng chiếm 1/2 trong top 10 với các đại diện VCB (-2,6 điểm), BID (-1.3 điểm), STB (-0,3 điểm), VPB (-0,3 điểm) và CTG (-0,2 điểm).
Giao dịch khối ngoại là một trong những yếu tố gây ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý NĐT trong tuần khi khối này liên tiếp bán ròng 5 phiên với tổng giá trị 2.330 tỷ đồng. Đáng chú ý khi giá trị bán ròng của khối ngoại duy trì khá đều trong 5 phiên cho thấy rủi ro diễn biến bán ròng vẫn chưa chấm dứt. Ba cổ phiếu bị bán ròng mạnh nhất trong tuần lần lượt là VND (340 tỷ đồng), HPG (329 tỷ đồng) và VNM (315 tỷ đồng).
Bứt phá không thành công trong tuần, VN-Index đang có xu hướng trở lại kiểm định ngưỡng 1.060 trong tuần sau. Vùng 1.058 – 1.060 hiện hội tụ đường MA 20 ngày (1.058) và MA 20 tuần (1.060) sẽ là hỗ trợ tương đối mạnh cho xu hướng ngắn hạn. Xu hướng ngắn hạn trở lại mức đi ngang. Diễn biến kiểm định 1.060 có tính chất quan trọng quyết định xu hướng ngắn hạn của VN-Index. Tín hiệu kỹ thuật ngắn hạn đang ở mức -2 (TRUNG TÍNH). Hệ số P/E của VN-Index ở mức 14,5x.
Chứng khoán Phú Hưng (PHS): Tận dụng các phiên rung lắc kỹ thuật để tái cơ cấu lại danh mục của mình hợp lý hơn
Theo quan điểm kỹ thuật, VN-Index có phiên giảm nhẹ trở lại. Khối lượng giao dịch sụt giảm xuống dưới mức bình quân 10 và 20 phiên, hàm ý áp lực bán không quá mạnh. Không những vậy, chỉ số tạo các nến thân hẹp quanh chùm MA từ 5 tới 200 hội tụ, cùng với ADX nằm dưới vùng 13 và hai đường DI hội tụ, cho thấy xu hướng chưa rõ ràng và hướng tới trạng thái Sideway trong biên độ hẹp, với hỗ trợ gần quanh 1.056 điểm (MA50) và kháng cự quanh vùng 1.080 điểm (MA200).
Tuy nhiên, chỉ số giữ được đóng cửa trên MA20 hướng lên, cùng với đường RSI nằm trên Midline, cho thấy cơ hội phục hồi của chỉ số là vẫn còn. Do đó, PHS nghiêng về kịch bản chỉ số sẽ sớm hướng lên thử thách ngưỡng MA200 trong những phiên tới.
Đối với sàn Hà Nội, HNX Index có diễn biến tích cực hơn. Chỉ số tiếp tục có phiên tăng điểm thứ ba liên tiếp và duy trì đóng cửa trên MA5, cùng với MA5 tạo trạng thái phân kỳ dương so với MA20, cho thấy xu hướng phục hồi ngắn hạn đang tiếp diễn, và chỉ số đang có cơ hội hướng lên thử thách ngưỡng kháng cự 224 điểm (MA200).
Nhìn chung, thị trường vẫn giữ được cơ hội phục hồi sau phiên điều chỉnh 26/5. Do đó, nhà đầu tư có thể tận dụng các phiên rung lắc kỹ thuật để tái cơ cấu lại danh mục của mình hợp lý hơn, với mục tiêu là các cổ phiếu có cơ bản tốt, triển vọng kinh doanh 2023 tăng trưởng và đang thu hút được dòng tiền.