Sự thật về khối tài sản của họ chỉ được phát hiện gần đây bởi cục Thuế thu nhập Ấn Độ, trong một cuộc "truy quét" thuế thu nhập.
Theo đó, có 256 người lao động chân tay gồm: Người bán rau củ, trái cây, chủ cửa hàng tạp hóa, chủ quầy thuốc, người bán hàng rong, người mua bán phế liệu, bán quán ăn lề đường và nhân viên vệ sinh ở Kanpur, miền Bắc Ấn Độ là triệu phú sở hữu khối tài sản ước tính hàng trăm triệu USD.
Một trong những khu chợ điển hình ở Ấn Độ (Ảnh in.news.yahoo)
Hàng trăm triệu phú ở Kanpur đã không hề nộp bất kỳ khoản thuế nào ngoài thuế hàng hóa và dịch vụ trong thời gian dài.
Thay vào đó, họ tìm cách phân tán tài sản bằng cách mua bất động sản theo chuỗi, để các thành viên trong gia đình đứng tên. Điển hình là 1 đại lý phế liệu ở Bekonganj đã mua 3 bất động sản trị giá hơn 100 triệu rupees (30,7 tỷ đồng) chỉ trong vòng 2 năm.
Ngoài ra, các triệu phú ẩn thân còn đầu tư vào đất nông nghiệp tại các vùng lân cận như Bithoor, Naramau, Kanpur Nagar, Mandhana, Kakwan, Bilhaur, Sarsaul và Farukhabad.
Những người khác tìm cách che giấu bằng việc tìm đến công ty cung cấp dịch vụ tư vấn tài chính.
Cơ quan thuế còn phát hiện ra rằng một số người làm thu mua phế liệu sở hữu ít nhất 3 chiếc ô tô, trong đó có 1 thuộc dòng đắt đỏ.
Các giao dịch bí mật của họ bị lật tẩy khi cục thuế tiến hành điều tra bằng cách sử dụng phần mềm dữ liệu lớn. Ai đó đã sơ ý sử dụng thông tin chi tiết từ thẻ PAN (mã số nhận dạng chỉ định cho người nộp thuế ở Ấn Độ) của họ. Đây là sơ suất khiến hàng trăm triệu phú ẩn mình bị đưa ra ánh sáng.
Mặc dù dữ liệu đã khiến bộ phận Thuế thu nhập sửng sốt, nhưng đây không phải là lần lầu tiên, các triệu phú ẩn mình bị đưa ra ánh sáng ở Ấn Độ.
Năm 2019, sở Thuế Thương mại Aligarh đã tiết lộ trường hợp của một nhà kinh doanh đồ ăn nhanh nhỏ có doanh thu hàng năm lên tới 60 triệu rupees (khoảng 18,4 tỷ/năm).
Trước đó, năm 2016, hàng chục người bán đồ ăn đường phố ở Kanpur đã bị bắt với thu nhập không công khai tổng cộng là 8 triệu USD. Nhiều người cũng bị bắt với lý do tương tự tại thành phố Hyderabad, miền Nam Ấn Độ.
Với hơn 600.000 người, lực lượng bán hàng rong đã tạo thành một phần thiết yếu và hợp pháp trong hệ thống phân phối cũng như thương mại bán lẻ tại các đô thị của Ấn Độ. Họ đại diện cho 4% lực lượng lao động thành thị trên khắp nước này, chuyên cung cấp hàng hóa thiết yếu cho người dân.
Khu chung cư cao tầng hiện đại mọc lên ngay cạnh những ngôi nhà tạm dành cho người lao động nghèo ở Mumbai, Ấn Độ. (Ảnh Dân Trí)
Ngoài những trường hợp là đại gia, thông thường, những người lao động chân tay ở Ấn Độ làm việc hơn 12 tiếng mỗi ngày, có lúc bị phân biệt hay bị dọa đuổi khỏi nơi buôn bán. Tuy nhiên, bên cạnh đó có vô số "đại gia" ẩn mình trong lớp vỏ bọc lao động nặng nhọc và khổ sở.
Song đó cũng chưa phải tất cả trong bức trang toàn cảnh. Những người giàu ở Ấn Độ có 1 cuộc sống thiên đường đúng nghĩa, trong khi người lao động nghèo thực sự phải ở trong các khu ổ chuột tối tăm, ẩm thấp tiềm tàng nguy cơ cháy nổ cao.
Theo số liệu thống kê mới nhất trong năm 2021 của tổ chức nhân đạo Oxfam cho thấy, có đến 100 triệu người trong số hơn 1,3 tỷ dân Ấn Độ sống tại các khu ổ chuột, ngược lại những người giàu nhất Ấn Độ chiếm khoảng 10% dân số và nắm giữ 77% tài sản quốc gia.