Vốn là xã nhỏ, nghèo của huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ nhưng nay xã Hồng Đà trở nên khang trang với những ngôi nhà cao tầng, nhiều cửa hiệu buôn bán.
Khó có thể phủ nhận sự đổi thay này là nhờ các nghề buôn của làng, trong đó có nghề thu mua tóc từng rất hưng thịnh vào những năm 2008 - 2010.
Chị Hán (Khu 3, xã Hồng Đà), một người nhiều năm thu mua tóc cho biết, người dân Hồng Đà đi khắp nơi trên cả nước, sang tận Lào, Campuchia… để thu mua tóc.
|
Một góc xã Hồng Đà, Tam Nông, Phú Thọ. |
‘Những năm trước, vợ chồng tôi cũng đi xe máy từ Phú Thọ vào các tỉnh như Thanh Hóa, Nghệ An, Đà Nẵng… để thu mua tóc. Mua ở vùng sâu vùng xa, miền núi dễ hơn ở khu vực thành thị do hoàn cảnh khó khăn, người dân có nhu cầu bán tóc nhiều hơn. Trong khi đó, các mẹ, các chị ở thành phố thường giữ mái tóc để làm đẹp.
Giá của tóc tùy vào độ dài, cân nặng và độ bóng mượt. Tóc càng dài, đẹp càng bán được giá cao, trung bình 700, 800 nghìn đồng/bộ, thậm chí có bộ tiền triệu’, chị Hán nói.
Hành trang của vợ chồng chị Hán là một chiếc xe máy, chở theo nồi cơm điện, chăn màn, gạo, thức ăn…
Mỗi buổi tối, họ xin ở nhờ tại một gia đình bất kỳ để nấu cơm, tắm rửa và ngủ. Trường hợp không được ở nhờ, họ lại thuê phòng trọ ngủ với giá khoảng 100 nghìn/đêm để sáng mai tiếp tục lên đường.
‘Thông thường, 2 vợ chồng sẽ đi cùng nhau. Chồng lái xe còn vợ cắt tóc. Nhiều vùng, người bán tóc không cho đàn ông sờ vào đầu, buộc phụ nữ phải đứng ra cắt tóc.
Mỗi chuyến đi của vợ chồng tôi kéo dài khoảng 2 tuần. Chuyến dài nhất là 20 ngày tuy nhiên ngày nay việc thu mua tóc khó khăn hơn nên có khi phải đi cả tháng’, chị Hán nói.
Những người phụ nữ làm nghề thu mua tóc ở Hồng Đà đều đồng tình, đây là công việc giúp họ có thêm thu nhập. Thời kỳ đỉnh cao của nghề, nhiều gia đình có thể xây nhà to, biệt thự, mua sắm đồ đạc…
Công việc tuy không ‘chân lấm tay bùn’ như làm ruộng nhưng nghề này không hề an nhàn.
|
Chị Phương (xã Hồng Đà) phân loại, là tóc sau khi đi thu mua từ các vùng miền. |
‘Trời mưa gió, rét mướt… cũng phải lên đường, cả ngày chúng tôi rong ruổi trên chiếc xe máy, đi khắp nơi. Ngày nay, xe máy có gắn loa rao: ‘Ai tóc dài tóc rối bán đi’ nhưng ngày xưa đều phải rao bằng miệng’, Chị Hán nói.
Cũng theo chị, có trường hợp, những người thu mua tóc vào làng bị hiểu nhầm là kẻ xấu, có ý đồ bắt cóc trẻ con hoặc trộm cắp nên bị đuổi. Bởi vậy, đi đến nơi nào họ cũng phải trình chứng minh thư. Ở những làng, xã bị đuổi, họ đành đi nơi khác để tìm người bán tóc.
Chị Huệ (SN 1981, xã Hồng Đà) cũng là người có 6 năm sang Lào thu mua tóc, lắc đầu nói về những khó khăn trong nghề.
‘Chúng tôi đi xe máy qua những cung đường gập ghềnh của miền núi phía Bắc để sang Lào. Hiện tại, đường đi dễ hơn và có xe khách nhưng ngày xưa đều phải chạy bằng xe máy trên các cung đường rất nguy hiểm. Không ít người bị thương thậm chí bỏ mạng khi đi thu mua tóc’.
Người dân xã Hồng Đà còn nhớ về trường hợp 2 anh em đi từ Phú Thọ vào Thanh Hóa thu mua tóc bị tai nạn giao thông dẫn đến tử vong. Bản thân chị Huệ cũng từng gặp tai nạn: ‘Lần đó, tôi mang thai con thứ ba, đi xe máy giao tóc cho thương lái ở Sơn Tây, Hà Nội.
Lúc đến ngã tư, xe tôi va chạm với 1 xe máy khác khiến người và xe đổ lăn ra đường. Tôi xây xát hết mặt mày, phải cấp cứu ở bệnh viện, may mắn em bé trong bụng không sao’, chị nhớ lại.
|
Bảng hiệu mua bán tóc được treo cạnh nhà các hộ làm nghề buôn tóc. |
Ông Cam, Chủ tịch xã Hồng Đà (huyện Tam Nông) cho biết, xã có gần 400 hộ (trên tổng 1.100 hộ) có người làm nghề buôn tóc.
Ngoài buôn tóc, những hộ này vẫn làm ruộng và các nghề khác. Do ruộng ít, tranh thủ nông nhàn, họ đi thu mua tóc kiếm thêm thu nhập cho gia đình.
Nghề này bắt đầu từ những năm 1994, 1995 khi người dân Hồng Đà đi mua nilon, sắt vụn, phế liệu… sau đó thu mua thêm tóc để cung cấp cho các cơ sở làm tóc giả, tóc nối xuất khẩu ra nước ngoài.
Theo vị chủ tịch xã này, nghề buôn tóc tuy khó khăn, vất vả nhưng cho thu nhập tốt.
Đặc biệt giai đoạn 2008 - 2010, người dân trong xã đổ xô sang Lào, Campuchia… thu mua được rất nhiều tóc. Trong khoảng vài tháng, xã có tới 200 trường hợp làm hộ chiếu để xuất ngoại thu mua tóc về Việt Nam bán.
Tuy nhiên hiện công việc này khó khăn hơn, không còn cho thu nhập cao như trước. Số người bán tóc ngày càng ít, việc thu mua khó khăn.
Bên cạnh đó, mỗi bộ tóc, người bán đều đòi giá cao khiến cho người buôn ở xã Hồng Đà không còn lãi được nhiều như trước đây.