Nghệ nhân trẻ nhất chuyên nghề... đập vàng

Google News

(Kiến Thức) - Anh Lê Bá Tươi, làm nghề dát quỳ vàng ở làng Kiêu Kỵ, xã Kiêu Kỵ, huyện Gia Lâm đã được phong tặng danh hiệu nghệ nhân trẻ nhất Hà Nội khi mới 28 tuổi.

Nhớ được 40 công đoạn dát quỳ
Anh Tươi dẫn chúng tôi đến gian thờ tổ của dòng họ Lê. Đây là nơi thờ tự người đã có công truyền dạy lại nghề dát quỳ vàng cho con cháu trong dòng họ. Tất cả các hoa văn trên ban thờ đều được dát vàng óng ánh. Đôi câu đối treo hai bên cột cũng được dát vàng trên nền sơn đỏ cổ kính, nghiêm trang. Phía trái ban thờ được anh Tươi treo tấm bằng công nhận nghệ nhân như một món quà báo ơn tiên tổ. Bằng được đặt trên nền vải đỏ, khung dát vàng nguyên chất và gắn cố định vào tường trông thật trang trọng và nổi bật. Tuần nào anh cũng đến nhà thờ tổ, tự tay lau chùi ban thờ, tấm bằng cẩn thận rồi thắp hương tỏ lòng biết ơn tổ tiên.
Theo anh Lê Bá Tươi, chúng tôi đến trụ sở Hợp tác xã dát quỳ Kiêu Kỵ. Tại đây, anh Tươi cùng vài thanh niên cường tráng lại tiếp tục công việc quen thuộc là giáng những nhát búa xuống miếng giấy quỳ để làm mỏng vàng. Sau phút làm việc vất vả, anh Tươi ngừng tay lau những giọt mồ hôi lấm tấm trên trán rồi kể cho chúng tôi nghe về cái nghiệp dát quỳ vàng mà bao đời cha ông để lại.
Anh Lê Bá Tươi quét lớp keo lên sản phẩm chuẩn bị dát vàng. 
"Mình học làm quỳ vàng từ lúc mới 5 tuổi. Hồi đó trẻ con nên lăng quăng nghịch ngợm vậy chứ đâu có biết cái nghề vất vả này "ám" vào mình như duyên nợ. Để làm được một sản phẩm quỳ hoàn chỉnh thì phải trải qua tất thảy 40 công đoạn. Mỗi công đoạn lại có sự phức tạp riêng, chẳng hạn như phải nấu keo trộn bồ hóng, rồi đem đập, bóc, luộc mới có thể dùng được. Chính vì thế mà có lần một đài truyền hình về đây làm chương trình phải mất tới 4 ngày mới quay xong", anh Tươi cho biết.
Nhưng rồi dưới tác động của cơ chế thị trường, có nhiều nghề kiếm ra tiền hơn dát quỳ vàng, nhiều người đã chuyển sang làm việc khác khiến cho nghề truyền thống Kiêu Kỵ có nguy cơ khai tử. Cùng với đó là phong tục chỉ truyền dạy cho mỗi người thợ một trong tổng số 40 công đoạn làm quỳ, cho nên nếu những người thợ không kết hợp với nhau thì rất khó cho ra được sản phẩm hoàn chỉnh, điều này càng làm cho "số phận" của làng nghề lâm vào bi đát. 
Vàng được cán mỏng xếp xen kẽ với giấy diệp rồi tiếp tục được đập mỏng hơn nữa. 
Trước tình cảnh đó, anh Tươi đã đi sưu tầm, học hỏi tất cả các nghệ nhân trong làng để có được bộ giáo trình về 40 công đoạn chế tác quỳ vàng. Không những thế, anh còn mở lớp truyền dạy lại tất cả những kiến thức sưu tầm được cho dân làng, thành lập Hợp tác xã chế tác quỳ vàng...
Theo anh Tươi thì muốn giữ được nghề cha ông, muốn không mang tội với tổ nghề thì bắt buộc phải làm như vậy. Đi ngược lại truyền thống xưa ban đầu cũng có nhiều người phản đối, nhưng sau đó mình giúp dân tiêu thụ được sản phẩm thì nhiều người ủng hộ và tin tưởng. Đến nay, rất nhiều gia đình trong làng Kiêu Kỵ đã quay trở lại với nghề truyền thống và có thu nhập ổn định.
Ban thờ cùng các hoa văn tỉ mỉ của gia đình đều do một tay anh Tươi làm. 
"Kéo" 1 cây vàng dài 7m
Trong ngôi nhà rộng rãi, thoáng đãng được bày la liệt những sản phẩm dát vàng long lanh, anh Tươi khoe rằng: "Một người thợ dát quỳ vàng Kiêu Kỵ có thể "kéo" 1 cây vàng nguyên chất dài đến 7m" cứ như thể những thỏi vàng ấy là dây cao su vậy. Nghe tưởng dễ, nhưng việc làm mỏng những thỏi vàng phải tốn tới nửa ngày nếu làm thủ công.
Anh Tươi cho hay: "Muốn kéo 1 cây vàng ra 7m, đầu tiên phải nung chảy thỏi vàng rồi đổ cho vàng chảy đều trên giấy diệp, tiếp đến là xếp lá vàng xen kẽ vào giấy diệp rồi đập cho vàng mỏng đều nhau, sau đó tiếp tục cắt miếng vàng vuông 4cm và tiếp tục đập cho lá vàng thật mỏng... công đoạn cuối cùng là phải quét một lớp keo dính lên sản phẩm rồi mới dán lá vàng lên trên. 
Trước đây, dân làng chúng tôi làm quỳ vàng hoàn toàn thủ công nên rất mất thời gian, một thợ lành nghề muốn hoàn thành sản phẩm nào đó phải mất ít nhất 4 ngày đến 1 tuần lễ. Nhưng nay chúng tôi tôi đã đầu tư mua một máy cán vàng, chỉ cần bỏ vàng vào máy khoảng 30 phút là xong, rút ngắn thời gian cán vàng tới nửa ngày. Còn lại những công việc khác như làm giống, đập diệp, giã quỳ... hoàn toàn phải làm thủ công".
Bằng công nhận nghệ nhân từ khi còn rất trẻ. 
Theo tiết lộ của anh Lê Bá Tươi thì để dát hết một cây vàng nguyên chất phải mất đến 1 tuần. Đổi lại, thu nhập mỗi tuần của người dát quỳ vàng đạt 2 triệu đồng/1 người. Những đợt giá vàng tăng thì giá sản phẩm cũng tăng theo nhằm đảm bảo lợi nhuận cho gia đình và để có vốn quay vòng, tiếp tục hoạt động. Có điều đặc biệt là mặc dù có lúc giá sản phẩm quỳ vàng tăng cao, nhưng hàng làm ra vẫn không kịp đáp ứng nhu cầu thị trường. Hiện sản phẩm của gia đình anh đã có mặt ở rất nhiều tỉnh thành trong cả nước, phục vụ trong các đình, chùa và cả hộ gia đình.  
Thấy anh Tươi ăn nên làm ra, hơn 120 thanh niên trai tráng trong làng cũng xin tham gia lớp học dát quỳ vàng do anh Tươi tổ chức tại Hợp tác xã, điều đặc biệt là các học viên này vừa học vừa kiếm được tiền nên ai cũng háo hức lạ thường, có người còn tranh thủ làm cả trưa để tăng thêm thu nhập. Nghề dát quỳ vàng tưởng chừng đã lui vào dĩ vãng nay lại được khôi phục lại dưới bàn tay của nghệ nhân trẻ Lê Bá Tươi.
"Hiện nay, mình không chỉ làm sản phẩm quỳ vàng, mà còn mở rộng sang chế tác một số sản phẩm mỹ nghệ khác như sơn son thiếp vàng để đáp ứng nhu cầu thị trường, tăng thêm thu nhập cho gia đình cũng như xã viên trong làng".
Anh Lê Bá Tươi 
Văn Quách

Bình luận(0)