Những ngày này, đi dọc các vùng quê ven biển tỉnh Thanh Hóa, không khó để bắt gặp cảnh ngư dân tất bật vào vụ thu hoạch sứa biển - một đặc sản biển được mệnh danh như "vàng trắng".
Theo ngư dân địa phương, mùa sứa biển không chỉ mang lại thu nhập cao, những năm gần đây ở các vùng biển còn nở rộ dịch vụ chế biến sứa.
Đã có nhiều năm làm nghề chế biến "vàng trắng", anh Lê Phạm Thao (35 tuổi, quê xã Hoằng Trường, huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa) cho biết, mùa sứa biển chỉ kéo dài vài tháng, cao điểm vào thời điểm tháng 2 âm lịch hàng năm.
"Năm nay giá sứa cao nên người dân hứng khởi ra khơi từ rất sớm. Có những chiếc bè mảng đánh bắt được khoảng 1.000 con sứa sau mỗi chuyến ra khơi. Thông thường, chúng tôi sẽ thu mua lại của người dân sau khi cập bến.
Mặc dù mới đầu vụ, nhưng có ngày hơn 10 lao động tại xưởng của tôi làm việc xuyên đêm vẫn không hết hàng", anh Thao chia sẻ.
|
Chàng trai trẻ Lê Phạm Thao thành công với nghề chế biến sứa (Ảnh: Thanh Tùng). |
Anh Thao cho hay, trung bình mỗi ngày tại xưởng của anh chế biến khoảng 1 tấn sứa (tương đương 1.000-1.200 con). Với giá bán 24.000 đồng/kg sứa thân, 30.000 đồng/kg chân sứa, trừ chi phí, mỗi ngày anh Thao thu về 1-1,5 triệu đồng.
Theo anh Thao, nghề chế biến sứa biển không vất vả nhưng tốn nhiều thời gian và công đoạn. Để tạo ra sản phẩm sứa biển, sau khi đánh bắt, những người thợ phải lọc, phân loại phần thân và chân sứa. Tiếp đến là công đoạn sơ chế, ngâm, đánh bớt nhớt.
"Sứa là loài nhiều nhớt, vì vậy phải dùng máy để khuấy đều, đánh sạch nhớt. Công đoạn đánh nhớt kéo dài khoảng 8-9 tiếng. Sau đó đưa đi rửa sạch, trộn muối hạt và phèn để ngâm, bảo quản sứa", anh Thao nói về quy trình chế biến sứa biển.
Ngoài thu nhập cao, nghề chế biến sứa biển còn tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động tại địa phương. Theo anh Thao, hiện tại xưởng chế biến của anh tạo công ăn việc làm cho khoảng 10-15 lao động, thu nhập 200.000-300.000 đồng/ngày.
Ông Lê Thanh Cảnh, Chủ tịch UBND xã Hoằng Trường, huyện Hoằng Hóa, cho biết nghề chế biến sứa đang là một trong những ngành nghề chế biến thủy, hải sản đem lại hiệu quả kinh tế ở địa phương. Tuy nhiên, đa số người dân vẫn sản xuất quy mô nhỏ.
"Cơ sở chế biến sứa của gia đình anh Lê Phạm Thao là cơ sở sản xuất với quy mô lớn, đã được công nhận là sản phẩm OCOP (mỗi xã một sản phẩm) ở địa phương. Tuy chỉ kéo dài trong vòng vài tháng nhưng lợi nhuận từ sứa biển đem lại là tương đối tốt.
Đặc biệt, trước đây, sứa biển thường được xuất khẩu ra nước ngoài nên lợi nhuận cao. Sau đại dịch Covid-19 thị trường có phần trầm lắng nhưng vẫn giữ mức ổn định. Ngoài phát triển kinh tế, cơ sở của anh Thao còn tạo công ăn việc làm ổn định cho nhiều lao động trên địa bàn xã", ông Cảnh thông tin thêm.
* Tiêu đề bài viết đã được biên tập lại