Theo báo cáo kết quả kinh doanh năm gần nhất (2018), Vietinbank, BIDV và Vietcombank đang là những ngân hàng Việt có hoạt động tại nước ngoài lớn nhất.
Trong khi đó, ngân hàng với quy mô cho vay lớn nhất Việt Nam là Agribank mới chỉ có khoảng 812 tỷ đồng dư nợ tại thị trường nước ngoài. Mức cho vay này chỉ tương đương chưa tới 1/30 so với nhóm ngân hàng cùng quy mô trong nước.
Lãi lớn ở nước ngoài
Báo cáo kết quả kinh doanh năm 2018 của Vietinbank Lào (Vietinbank sở hữu 100% vốn) cho biết sau gần 7 năm có mặt tại thị trường này, vốn điều lệ của ngân hàng hiện đạt 50 triệu USD và tổng tài sản đã đạt khoảng 358 triệu USD. Trong đó, ngân hàng đã giải ngân cho vay hơn 249 triệu USD, và tổng nguồn vốn huy động đạt gần 299 triệu USD.
Về kết quả kinh doanh cùng năm, Vietinbank Lào ghi nhận 5,87 triệu USD lợi nhuận trước thuế với tỷ lệ ROE đạt khoảng 7,29%, tương đương tỷ lệ ROE của ngân hàng mẹ tại Việt Nam là gần 8%.
Tương tự, Vietcombank cũng có một ngân hàng con tại Lào, nhưng mới chỉ được thành lập từ tháng 7/2018 với vốn điều lệ 1.820 tỷ đồng. Trong năm vừa qua, hoạt động của Vietcombank Lào chủ yếu là quảng bá hình ảnh và phát triển các sản phẩm cho vay ban đầu.
Vietcombank cũng sở hữu một công ty tài chính tại Hong Kong là Công ty tài chính Việt Nam (VFC). Công ty này bao gồm cả hoạt động nhận tiền gửi, tín dụng, dịch vụ thanh toán, chuyển tiền như một ngân hàng thu nhỏ. Trong năm 2018, VFC thu về gần 20 tỷ đồng lãi trước thuế.
Không tiết lộ kết quả kinh doanh của ngân hàng con tại Lào, tuy nhiên, Vietcombank cho biết tổng thu nhập hoạt động từ thị trường nước ngoài của nhà băng này đạt 89 tỷ đồng năm vừa qua. Sau khi trừ các chi phí liên quan và trích lập dự phòng rủi ro tín dụng, thị trường quốc tế mang về gần 22 tỷ đồng lãi trước thuế.
Tính ra, Vietcombank Lào mới đóng góp xấp xỉ 2 tỷ đồng trong kết quả lợi nhuận chung của ngân hàng năm vừa qua. Tuy nhiên, Vietcombank vẫn kỳ vọng trong năm nay ngân hàng tại Lào sẽ thu về 1,72 triệu USD lợi nhuận trước thuế. Riêng quý I đầu năm, lãi trước thuế từ thị trường nước ngoài đã mang về cho ngân hàng khoảng 15 tỷ đồng, tăng mạnh so với cùng kỳ.
Đi sau trong việc "xuất ngoại", nhưng Vietcombank đang vượt mặt các nhà băng còn lại với việc dự kiến mở văn phòng đại diện tại New York (Mỹ) vào quý III năm nay.
Theo đó, ngân hàng đã được Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) và Cơ quan Quản lý Tài chính New York (NDYFS) chấp thuận về mặt nguyên tắc thành lập văn phòng đại diện.
Xét ở thị trường nước ngoài, SHB cũng là ngân hàng đầu tư rất mạnh, đặc biệt tại thị trường Lào và Campuchia.
Nhờ việc sớm "xuất ngoại" giúp SHB chiếm thị phần không nhỏ trong hoạt động tín dụng tại hai quốc gia này. Trong năm vừa qua, thị trường nước ngoài mang về cho ngân hàng này 347 tỷ đồng thu nhập và 161 tỷ lãi trước thuế, chiếm gần 8% tổng lợi nhuận trước thuế hợp nhất.
Chỉ riêng quý I vừa qua, ngân hàng của ông bầu Đỗ Quang Hiển cũng thu về tới 81 tỷ đồng thu nhập và 48 tỷ đồng lãi trước thuế từ thị trường nước ngoài.
Những năm trước đó, thị trường nước ngoài đều mang về cho SHB hàng trăm tỷ đồng doanh thu và lợi nhuận mỗi năm.
Kẻ lỗ hàng trăm tỷ đồng
Tuy nhiên, không phải ngân hàng Việt nào "xuất ngoại" cũng thu về lợi nhuận.
BIDV cũng có "ngân hàng con" đang hoạt động tại Lào là Ngân hàng Liên doanh Lào - Việt (LVB). Đây chính là ngân hàng Việt đầu tiên được thành lập tại Lào từ năm 1999, do BIDV (sở hữu 65%) liên doanh với Ngân hàng Ngoại thương Lào Đại chúng (BCEL).
Năm 2018, với mức vốn điều lệ 100 triệu USD và tổng tài sản xấp xỉ 1,13 tỷ USD (đứng thứ 3 toàn thị trường), LVB thuộc nhóm ngân hàng thương mại lớn về quy mô và hiệu quả tại Lào. Các chỉ số tài chính như huy động vốn và dư nợ cho vay đạt lần lượt hơn 1 tỷ USD và 809 triệu USD cùng năm.
Sở hữu quy mô tín dụng lớn giúp LVB thu về tới 9,5 triệu USD lợi nhuận trước thuế năm vừa qua. Mức lợi nhuận cao nhất trong các ngân hàng Việt Nam đang hoạt động tại nước ngoài.
Tuy nhiên, báo cáo tài chính chung của BIDV lại cho biết kết quả kinh doanh bộ phận từ thị trường nước ngoài năm vừa qua lỗ trước thuế tới 93 tỷ đồng. Thậm chí, trong năm trước đó ngân hàng này cũng đã lỗ hơn 12 tỷ đồng.
Cũng sở hữu ngân hàng con tại Lào và Campuchia, năm gần nhất Sacombank thu về tổng cộng 296 tỷ đồng thu nhập từ hai thị trường này.
Tuy nhiên, kết quả kinh doanh của 2 "ngân hàng con" lại trái ngược nhau. Trong khi Sacombank Lào lãi 30 tỷ đồng trước thuế năm 2018 thì Sacombank Campuchia lại lỗ tới 325 tỷ đồng. Tổng cộng, thị trường nước ngoài khiến Sacombank lỗ gần 295 tỷ đồng trước thuế.
Nguyên nhân chính khiến Sacombank Campuchia thua lỗ do phải trích lập dự phòng rủi ro tín dụng lên tới 335 tỷ đồng, gấp đôi tổng doanh thu tại thị trường này.
Đáng chú ý, tổng dư nợ tín dụng của Sacombank Campuchia cũng chỉ vào khoảng 2.848 tỷ đồng, cho thấy chất lượng tín dụng mà Sacombank sở hữu tại thị trường Campuchia tương đối thấp.