Ngân hàng dồn dập xử lý tài sản bảo đảm
Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) có thông báo tổ chức đấu giá nguyên lô quyền sử dụng đất và công trình xây dựng trên đất là Trung tâm hội nghị tiệc cưới Crystal Palace tại lô C17-1-2, phường Tân Phú, quận 7, TP.HCM với giá khởi điểm gần 356 tỷ đồng.
Ngoài ra, nằm trong tài sản nguyên lô rao bán lần này còn có hệ thống máy móc thiết bị, nội thất với giá khởi điểm lần lượt là 3,4 tỷ đồng và 21,1 tỷ đồng.
Riêng Trung tâm tiệc cưới này được xây trên khu đất rộng 2.675m2, thời hạn sử dụng đến năm 2058 gồm 2 tầng hầm, 8 tầng nổi và sân thượng.
Trước đó từ cuối năm 2019, trung tâm tiệc cưới này đã được rao bán trên mạng với giá 535 tỷ đồng, nếu thuê là 36 tỷ đồng/tháng.
Như vậy, tổng mức giá khởi điểm của nguyên lô tài sản này là 378 tỷ đồng. Chủ của lô tài sản này là CTCP Tập đoàn Khải Vy.
Trước đó, cũng trong tháng 8 vừa qua, BIDV còn bán đấu giá 25 tài sản là quyền sử dụng đất tại Sa Đéc, Đồng Tháp với tổng giá khởi điểm gần 283 tỷ đồng. Hay hơn 8.000 m2 đất Vũng Tàu cho khoản nợ của CTCP Du lịch Thương mại Nông nghiệp Việt Nam (Agritour ) với giá khởi điểm hơn 388 tỷ đồng.
Đồng thời, khoản nợ gần 246 tỷ đồng bao gồm dư nợ gốc và lãi của CTCP Thương mại và Xây dựng Nam Sơn cũng được rao bán lần thứ hai với giá khởi điểm hơn 221 tỷ đồng.
Cũng dồn dập rao bán nợ xấu, Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) thông báo đấu giá tài sản bảo đảm của Công ty TNHH Gnotech với giá khởi điểm gần 28 tỷ đồng để xử lý, thu hồi tổng dư nợ vay gốc và lãi tính đến ngày 31/07/2020 gần 141 tỷ đồng. Ngoài ra còn có tài sản là quyền sử dụng đất tại khu đô thị mới Phước Trạch – Phước Hải, phường Cửa Đại, TP.Hội Anh, tỉnh Quảng Nam với giá khởi điểm hơn 496 tỷ đồng.
Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) đấu giá quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất tại lô số 14, Công viên phần mềm Quang Trung, quận 12, TP.HCM, là tòa nhà của SaigonTech. Giá khởi điểm được ngân hàng đưa ra là 191 tỷ đồng.
Nợ xấu toàn ngành lên đến 177 nghìn tỷ đồng
Rõ ràng, sau đợt ảnh hưởng của dịch Covid-19, các nhà băng càng tăng cường hơn trong việc rao bán các loại tài sản bảo đảm nhằm xử lý nợ xấu. Tuy nhiên, việc rao bán không phải lúc nào cũng thuận lợi, có khoản nợ phải rao đi rao lại tới hàng chục lần và giảm giá hơn rất nhiều so với mức giá đưa ra ban đầu.
Theo Chứng khoán SSI, tái cơ cấu nợ giúp giảm mức tăng nợ xấu và giảm bớt áp lực trích lập dự phòng. Tính đến tháng 6/2020, tổng nợ tái cơ cấu toàn ngành theo Thông tư 01 là 177 nghìn tỷ đồng, tương đương 2,1% tổng tín dụng.
Đối với các ngân hàng nằm trong phạm vi nghiên cứu của SSI (như ACB, BIDV, VietinBank, HDBank, LienVietPostBank, MBBank, Techcombank, TPBank, Vietcombank, VPBank), nợ vay tái cơ cấu tăng lên 120,4 nghìn tỷ đồng, tương đương 2,7% tổng dư nợ, trong đó BIDV và VPBank chiếm hơn một nửa.
Tỷ lệ nợ xấu trung bình tăng 20 điểm phần trăm lên 1,63%. Techcombank và VPBank là hai ngân hàng duy nhất có tỷ lệ nợ xấu giảm, phần lớn là do tích cực xóa nợ (Techcombank) và tái cơ cấu nợ lớn (VPBank).
Mặt khác, HDBank và LienVietPostBank đã xử lý hết trái phiếu VAMC còn lại, trong khi VietinBank giảm 46% giá trị ròng trái phiếu VAMC.
VietinBank và Sacombank là hai ngân hàng duy nhất còn trái phiếu VAMC cần xử lý.
Nhận định về thời gian cuối năm 2020, SSI ước tính nợ xấu và nợ vay tái cơ cấu sẽ tăng nhanh vào cuối năm.
Bởi khi đại dịch kéo dài, số lượng khách hàng gặp khó khăn về dòng tiền sẽ tiếp tục tăng lên. Các ngân hàng sẽ phải đưa các khoản vay này vào danh sách tái cơ cấu, hoặc phân loại lại thành nợ xấu. Do đó, thu nhập lãi mất đi liên quan đến nợ tái cơ cấu và nợ xấu có thể ở mức đáng kể hơn.
Dựa trên kịch bản cơ sở mới của SSI rằng Covid-19 sẽ được kiểm soát vào giữa năm 2021, SSI tin rằng thời gian tái cơ cấu nợ có thể kéo dài hết nửa đầu năm 2021. Do đó, nợ xấu tiềm ẩn sẽ bắt đầu nổi lên mạnh mẽ hơn trong nửa cuối năm 2021 và chi phí dự phòng cho các khoản nợ xấu này sẽ tăng dần cho cả năm 2021 và 2022.
SSI ước tính nợ xấu tại thời điểm cuối năm sẽ tăng 17% và 14% vào năm 2020 và 2021 (so với mức giảm 16,3% vào năm 2019).