Ngân hàng nước ngoài rút vốn khỏi Việt Nam: Rất đáng lo ngại

Google News

Để hấp dẫn hơn sự đầu tư của các ngân hàng thế giới, hệ thống ngân hàng trong nước thay đổi cách thức hoạt động.

Thời gian gần đây, một số ngân hàng nước ngoài lớn đang hoạt động tại Việt Nam đã có động thái thu hẹp hoạt động, hoặc rút vốn khỏi ngân hàng trong nước. Trước thông tin này, các chuyên gia kinh tế cho rằng, đây là điều quá đáng lo ngại. Do đó, để hấp dẫn hơn sự đầu tư của các ngân hàng thế giới, hệ thống ngân hàng Việt Nam cần phải thay đổi cách thức hoạt động của mình.
Cụ thể, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quốc tế (VIB) vừa công bố nhận chuyển giao toàn bộ hoạt động của Ngân hàng Commonwealth Bank of Australia chi nhánh TP HCM. Toàn bộ cuộc chuyển giao dự kiến sẽ được hoàn tất trong quý 3 năm nay.
Ngan hang nuoc ngoai rut von khoi Viet Nam: Rat dang lo ngai
 Ngân hàng Techcombank đã có thông báo đề xuất mua lại gần 20% vốn của HSBC. (Ảnh minh họa: KT)
Trước đó, hồi giữa tháng 6 vừa qua, trên trang web chính thức, Ngân hàng Techcombank đã có thông báo về việc xin ý kiến cổ đông thông qua đề xuất mua lại gần 20% vốn mà HSBC nắm giữ sau 12 năm gắn bó.
Trước đó 2 tháng, ngân hàng ANZ Việt Nam cũng ra thông cáo cho biết đã bán toàn bộ mảng dịch vụ ngân hàng bán lẻ tại Việt Nam cho một đối tác nước ngoài là ngân hàng Shinhan Việt Nam….
Trước tình hình này, chuyên gia tài chính - ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, về bản chất, đây là sự thu hẹp hoạt động tại Việt Nam của ngân hàng nước ngoài. Nguyên nhân do tỷ lệ nợ xấu lớn, quản trị doanh nghiệp còn hạn chế… những yếu tố này đã làm giảm tính hấp dẫn của các ngân hàng Việt Nam.
Về mặt tích cực, các ngân hàng trong nước sẽ lấy lại thị phần của mình và tiếp tục tự thân phát triển, bắt buộc họ phải chủ động, sáng tạo để vươn lên. Ngược lại, nếu xu hướng này tiếp tục diễn ra thì sẽ là điều đáng lo ngại, trong tương lai Việt Nam sẽ mất đi những đối tác quan trọng trong hệ thống ngân hàng.
Để hấp dẫn sự đầu tư của các ngân hàng nước ngoài, theo ông Hiếu, hệ thống ngân hàng trong nước cần thay đổi cách thức hoạt động, linh hoạt hơn, chuyên nghiệp hơn, đồng thời phải tái cơ cấu một cách toàn diện.
“Hệ thống ngân hàng trong những năm vừa rồi đã tái cơ cấu nhưng vẫn chưa hoàn thiện. Chỉ khi các ngân hàng trong nước phải xử lý nợ xấu một cách dứt điểm, phải bổ sung vốn tự có của mình để trở nên lành mạnh, vững bền hơn sẽ hấp dẫn các ngân hàng nước ngoài”, ông Hiếu chỉ rõ.
Theo Chung Thủy/VOV

>> xem thêm

Bình luận(0)