Vào những năm đầu thập niên 1960, tại Sài Gòn ai có trong tay bạc triệu được xem là người giàu nứt đố đổ vách. Lâm Huê Hồ đã đạt được danh hiệu đó cũng nhờ vào mua bán phế liệu. Nhưng danh triệu phú chưa làm Lâm hài lòng...
"Trùm" thu mua phế liệu
Tháng 8/1961, các nhật báo tại Sài Gòn đăng tải cáo thị gọi thầu. Đơn vị gọi thầu là hãng tàu kéo Satav cần thanh lý tàu Algol vì bị hư hỏng nặng. Lâm Huê Hồ dự thầu và đã trúng thầu.
Sau tàu Algol, Lâm được mua thêm 6 chiếc tàu nữa cũng từ công ty Satav. Các phi vụ này giúp Lâm có được "món hời" không nhỏ.
Sẵn tiền, Lâm thường xuyên đi đêm với các nhân vật cộm cán của ngành đường sắt. Vì thế những toa xe, những thanh tà vẹt, những khúc đường ray thậm chí có khi cả đoàn tàu cũng được thanh lý theo dạng hàng phế thải.
Lâm ôm hàng núi hàng thanh lý đó và không mấy chốc đã biến chúng thành những khoản lợi nhuận khổng lồ. Lâm Huê Hồ nhanh chóng trở thành tỷ phú.
Tuy nhiên cuộc đời ông sau đó rẽ vào một bước ngoặt khác khi bắt tay vào lĩnh vực ngân hàng.
Lập ngân hàng "ma"
Trước năm 1975, thị trường ngân hàng tại Sài Gòn rất sôi động. Trong số các ngân hàng tư nhân có hơn một nửa là chi nhánh của các ngân hàng nước ngoài.
|
Ngôi nhà 70 Trần Chánh Chiếu, ở Chợ Lớn (mũi tên), nơi hơn nửa thế kỷ trước Lâm Huê Hồ dùng làm điểm giao dịch cho vay. |
Các hoạt động tín dụng thời bấy giờ không chú trọng nhiều đến cho vay trả góp hoặc mua hàng trả góp. Mọi dịch vụ cho vay nặng lãi thường nằm trong tay những người Chà Và (Ấn Độ).
Lãnh địa của giới cho vay này ở quanh chợ Bến Thành và tập trung nhiều nhất là trên đường Gia Long (Lý Tự Trọng bây giờ).
Người có nhu cầu thường đến đó để vay với một lãi suất cao ngất ngưởng, 12% mỗi tháng. Tuy biết lãi suất cao nhưng người dân vẫn chấp nhận bởi họ rất ngán ngẩm thủ tục giấy tờ ở các ngân hàng rườm rà và rắc rối.
Lâm Huê Hồ nắm bắt được điều này nên ông đã mạnh dạn bước vào kinh doanh tiền tệ. Trong kinh doanh, Lâm là người đặt chữ tín lên hàng đầu. Trước khi bước vào lĩnh vực kinh doanh tiền tệ, Lâm cũng đã từng vay mượn.
Nhiều người cho Lâm vay rất thích ông vì ông trả gốc và lãi rất đúng hẹn. Bởi thế khi cần huy động vốn Lâm gặp rất nhiều thuận lợi.
Vì vậy, cả người cần vay tiền lẫn người có tiền dư đều thích tìm đến 70 Trần Chánh Chiếu và 12 Trần Thanh Cần nơi Lâm đặt văn phòng giao dịch. Mỗi nơi chỉ có vài nhân viên thư ký và tài phú trực tiếp làm việc với khách hàng. Thủ tục vay hết sức đơn giản. Ngược lại, khi có người nhờ vả, Lâm cũng luôn sẵn sàng giúp đỡ mà không đòi hỏi hay đặt điều kiện gì quá đáng.
Không bao lâu, Lâm Huê Hồ đã trở thành một tỷ phú cỡ lớn và cơ sở hoạt động của ông không khác gì một ngân hàng. Có khác chăng đây chỉ là một ngân hàng "ma" không phép.
Của thiên trả địa
Nhu cầu cần tiền trong giới kinh doanh luôn bất tận. Lâm Huê Hồ giàu có đến cỡ nào đi nữa thì một mình ông cũng không thể đáp ứng xuể. Bởi thế, ông phải huy động thêm vốn từ những nhà đầu tư khác. Những người này rót vốn cho ông để lấy lãi 1% và ông dùng tiền này cho vay với lãi suất gấp 2 gấp 3.
Với những nhà đầu tư rót vốn cho ông, ông trả lãi rất đúng hẹn và họ muốn rút ra lúc nào ông đều vui vẻ đáp ứng. Với những khách hàng vay vốn của ông, thủ tục vay cũng hết sức đơn giản.
Thị trường tín dụng đen tại Chợ Lớn lúc bấy giờ chỉ có khoảng 10 người với số vốn cho vay không nhiều. Từ khi có Lâm tham gia, thị trường sôi động hẳn lên và những tay cò con kia vắng khách. Chỉ còn cách duy nhất để tồn tại là họ góp vốn vào cho Lâm để cùng kinh doanh.
Lãi suất Lâm cho vay thường là 3% đối với những con nợ lớn. Những khoản vay nhỏ ông chỉ lấy từ 1- 2%.
Một khoản ưu tiên dành riêng cho 2 nhân vật khác là Lý Long Thân - vua vải sợi đã từng làm ăn với ông trong suốt thời gian buôn phế liệu và Trần Thành - vua bột ngọt Vị Hương Tố, thì số tiền họ vay có lớn đến mấy, Lâm Huê Hồ chỉ tính lãi từ 1 - 1,5%. Đôi khi thời gian vay không lâu, ông ta miễn tính lãi xem như một chiêu khuyến mãi hậu hĩnh.
Bước vào lĩnh vực cho vay, Lâm đã thành công hơn cả các ngân hàng. Giới làm ăn đánh giá ông là "vua ngân hàng của các ngân hàng" mặc dù trên danh nghĩa ông không hề nắm một ngân hàng nào trong tay.
Sau ngày 30/4/1975, Lâm Huê Hồ tìm cách tẩu tán tài sản. Theo báo Công an Nhân dân: "Ông ta còn cầm đầu một đường dây với quy mô lớn, thu tiền của nhiều nhà tỷ phú khác, để mua vàng tẩu tán qua Hồng Kông.
Lâm Huê Hồ đã tạo ra tình trạng chảy máu vàng nghiêm trọng và là nguyên nhân gây xáo trộn thị trường, làm cho giá vàng vào thời điểm đó tăng nhanh đến chóng mặt.
Khi đánh hơi được việc làm phi pháp, gây tác hại nghiêm trọng cho đất nước và xã hội của mình sẽ bị Cơ quan An ninh chính quyền mới phát giác, Lâm Huê Hồ và những kẻ đồng hội đồng thuyền lên kế hoạch vượt biên. Tuy nhiên, ngày 10/9/1975, Lâm đã bị bắt khi đang cùng đồng bọn chuẩn bị xuống tàu".