Ngắm vườn bưởi đặc sản 9.000 quả sai lúc lỉu

Google News

Cần cù, chịu khó, cựu chiến binh Trần Văn Đức (65 tuổi) đã vay vốn, mạnh dạn đầu tư trồng cây đặc sản - bưởi Phúc Trạch. Ông Đức "cảm thấy sung sướng" khi ngắm 9.000 quả bưởi chín vàng, dự tính thu về trên 300 triệu đồng.

Ngắm những quả bưởi trong vườn đang độ chín vàng, căng mọng, cựu chiến binh Trần Văn Đức (65 tuổi, trú xã Hương Thủy, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh) cảm thấy "rất sung sướng vì sau nhiều năm chăm chỉ, cần mẫn, nay đã được hái quả ngọt".

Với 9.000 quả bưởi khuôn mẫu đẹp, vị ngọt thanh đặc trưng được trồng trên mảnh đất xã Phúc Trạch (huyện Hương Khê), năm nay ông Đức ước tính thu về trên 300 triệu đồng.

Ngam vuon buoi dac san 9.000 qua sai luc liu

Tháng 8/1976, ông Đức nhập ngũ, tham gia chiến đấu tại chiến trường Campuchia. Tại đây, ông Đức bị đạn pháo, cối làm tổn thương vùng vai và bụng. Tháng 12/1990, ông xuất ngũ trở về quê hương, hưởng chế độ thương binh 4/4 và bệnh binh 2/4. Trở về địa phương, ông làm Bí thư chi bộ thôn, Hội cựu chiến binh xã. Tận dụng thời gian nhàn rỗi, ông Đức bàn với vợ làm vườn để kiếm thêm thu nhập. Năm 2016, với số vốn tích góp được, ông Đức vay mượn thêm mua lại khu đồi rộng 1 hec ta ở xã Phúc Trạch (huyện Hương Khê) để trồng cây đặc sản - bưởi Phúc Trạch.

 

Bằng sự chịu khó, cần mẫn, khu đất cằn cỗi năm xưa hiện trồng 400 gốc bưởi Phúc Trạch có tuổi đời 8 năm. Nay là năm thứ 3 vườn bưởi của gia đình ông Đức cho thu hoạch. "Để bưởi phát triển tốt, tôi đã thu mua lại phân chuồng trâu bò của các hộ dân, đưa đi ủ hoai để bón cho cây. Ngoài ra, còn bón thêm lân, đạm, kali. Trung bình mỗi gốc cây bón từ 150-200kg phân chuồng. Tôi học hỏi, tính tốc độ sinh trưởng của từng cây để bón phân phù hợp", ông Đức nói.

 

Để chống sâu bệnh và da bưởi màu bắt mắt, ông Đức đã mua túi bọc bưởi với giá 500 đồng/túi. "Khi bưởi phát triển to bằng quả bóng bàn, lúc này tôi bắt đầu tuyển chọn. Những quả nào xấu, còi cọc thì loại bỏ, giữ lại những quả bưởi đẹp, rồi bọc bao để bảo vệ quả. Đến khi bưởi chín, gia đình tôi tháo túi bọc để hái bưởi bán cho khách", ông Đức nói.

 

Theo ông Đức, quá trình bọc quả, người trồng bưởi phải vo tròn, vén kín cuống túi để tránh sâu bọ chui lọt vào bên trong phá hoại quả. Bưởi Phúc Trạch từ lâu đã trở thành đặc sản nổi tiếng của huyện miền núi Hương Khê. Trong 24 xã của huyện Hương Khê, bưởi được trồng nhiều ở xã Phúc Trạch, Hương Trạch, Lộc Yên, Hương Thủy, Hòa Hải... Tuy nhiên, vùng đất cho ra bưởi chuẩn vị bưởi đặc sản nhất là vùng đất xã Phúc Trạch, Hương Trạch.

 

Ông Đức lưu ý, để giữ độ ẩm của đất và chống xói mòn, ông cho cỏ mọc tự nhiên. Mỗi năm, ông cắt cỏ khoảng hai lần nhưng giữ lại khoảng 5 phân để mùa nắng giữ hơi nước cho đất, mùa mưa chống xói mòn. Mỗi cây bưởi của ông Đức sai trĩu quả, chín vàng, trông rất bắt mắt. Ông Đức cho hay: "Năm nay, giá bưởi Phúc Trạch rẻ hơn năm ngoái. Tuy nhiên, do tôi trồng trên đất Phúc Trạch, bưởi lại to đều, mẫu mã đẹp, vị ngọt thanh nên vẫn bán được giá. Hiện giá tôi bán ra là 35.000 đồng/quả, ước tính thu về trên 300 triệu đồng. Sau khi trừ hết chi phí đầu tư khoảng 80 triệu, tôi vẫn lãi hơn 200 triệu đồng/mùa".

 

Ngoài việc tự tìm tòi kiến thức, đọc sách báo, học hỏi trên mạng Internet, ông Đức còn tham gia các khóa hội thảo nông dân làm vườn để có kỹ thuật chăm cây bưởi hợp lý và đạt hiệu quả, an toàn

 

Mỗi quả bưởi Phúc Trạch nặng từ 9 lạng đến 1,3kg. Đến nay, ông đã bán được khoảng 4.000 quả bưởi, còn lại 5.000 quả đang chờ khách mua. Bưởi Phúc Trạch chủ yếu bán tại khu vực miền Bắc và miền Nam. Năm nay thời tiết đẹp, nắng mưa đan xen nên bưởi ngọt và quả phát triển đồng đều hơn năm ngoái.

 

Hằng ngày, ông Đức nhận được nhiều đơn đặt hàng qua điện thoại. Ông thuê người hái bưởi và gửi đi cho khách. "Khách mua ăn, rồi các doanh nghiệp mua bưởi làm quà biếu. Đây là thứ quả đặc sản ở Hà Tĩnh nên mang hương vị đặc trưng, khách hàng rất chuộng", ông Đức nói thêm. Bưởi Phúc Trạch có vị ngọt thanh, tép giòn. Thời gian thu hoạch từ tháng 8 đến hết tháng 9 (Âm lịch). Vườn bưởi của gia đình ông Đức được trồng theo tiêu chuẩn VietGap. Công việc làm vườn vất vả, đòi hỏi sự cần cù, chịu khó, nhưng đổi lại khi thấy thành quả tôi quên hết mệt mỏi và cảm thấy rất tự hào. Giờ vẫn còn sức khỏe nên tôi còn cố gắng, sau này tôi bàn giao lại vườn cho con trai chăm sóc", ông Đức tâm sự.
Theo Thiện Lương/Vietnamnet

>> xem thêm

Bình luận(0)