Gần đây, vụ việc liên quan đến mua hàng qua mạng đã thu hút sự quan tâm của nhiều người. Đó là câu chuyện của Chi Phạm, trú tại Vĩnh Hưng (Hoàng Mai, Hà Nội) khi không đặt hàng nhưng vẫn thanh toán nhận. Cụ thể, vào khoảng 17h, ngày 10/12, cô gái trẻ có nhận được một cuộc điện thoại từ một shipper báo có đơn đặt hàng từ một sàn thương mại điện tử.
“Tôi hay đặt mua hàng online nên nghĩ rằng chắc đơn hàng này đặt lâu rồi giờ mới giao. Tôi đã thanh toán gói hàng là 243.000 đồng mà không suy nghĩ gì nhiều. Mọi lần tôi đều kiểm tra hàng trước khi lấy nhưng hôm đó vội quá, nhận luôn đem vào nhà”, Chi kể lại.
Sau khi đem vào phòng, cô liền bóc hàng ra xem đó là gì. “Thật không ngờ đó lại là một chiếc quần dành cho trẻ vài tháng tuổi. Tôi khá hoảng nên gọi ngay cho anh shipper vừa giao hàng. Anh đó có quay lại nhưng không giải quyết được gì”, cô gái này chia sẻ thêm.
Bài đăng về câu chuyện nhận hàng "lạ" của Chi Phạm thu hút nhiều người. Ảnh chụp màn hình.
Đáng chú ý, Chi không hề đặt đơn hàng này, nhưng thông tin từ địa chỉ, số điện thoại đến tên tuổi đều ghi rất chính xác. Sau đó, cô gái đã liên hệ với sàn thương mại điện tử đó để khiếu nại.
Với mong muốn mọi người chú ý hơn trong việc nhận đồ đặt hàng qua mạng, cô gái đã kể lại toàn bộ câu chuyện bị lừa đảo nhận hàng và các hình ảnh liên quan đến gói hàng lên mạng xã hội. Bài đăng này đã thu hút sự chú ý của nhiều người. Qua đó, họ cũng kể lại những câu chuyện tương tự bản thân bị mất tiền oan vì nhận hàng “lạ”.
Một người dùng mạng xã hội cho biết: “Tôi bị như này từ hơn một năm trước. Vì tôi hay mua hàng qua mạng. Hôm họ giao đến tôi không có nhà nên mẹ tôi liền nhận hộ. Tôi đành ngậm ngùi nhận chứ chẳng biết phải làm sao”.
Kiều Diễm – một người dùng khác cũng kể lại hồi tháng trước nhận được một chiếc quần với số tiền tương tự như câu chuyện trên. Nhưng cô kiểm tra hàng trước khi nhận, cô phát hiện mình bị lừa nên trả lại ngay cho shipper.
“Mình nhận gói được hàng có giá trị 500.000 đồng. Ngay lúc đó mở ra, mình thấy toàn giấy. Mình liền trả lại luôn chứ không thanh toán”, chị Hồ Như cho hay.
Một trường hợp khác cũng tương tự như vậy.
Anh Hiệp – một người làm nghề shipper ở Hà Nội cho biết qua mấy năm làm nghề, anh biết được rất nhiều trường hợp lừa đảo kiểu như vậy và thủ đoạn lừa đảo này diễn ra trong mấy năm trở lại đây. Anh làm bên shipper còn không thể cảnh báo hết cho khách hàng nếu cách lừa đó quá tinh vi.
Trong câu chuyện này, anh cho rằng có thể từ 2 nguyên nhân: Một là, khách đặt hàng trên các sàn thương mại điện tử, shop lấy thông tin người nhận và sẽ lên một đơn khác với nội dung và giá tiền y như vậy gửi đi. Khách nhận đc thì mới biết là lừa đảo, kiểm tra đơn hàng thì vẫn đang chờ lấy hàng. Shop thì bị sàn thương mại điện tử đó khoá.
Hai là, khách hàng là người để lộ thông tin qua các lần bình luận mua livestream trên mạng xã hội, shop lên đơn "không cho xem hàng". Người nhận lại không để ý hoặc nhờ người nhận hộ.
Để tránh tình trạng trên, anh cho rằng mọi người mua ở Shopee nên thanh toán bằng ví điện tử trước, vì có nếu dính shop lừa đảo, bấm hoàn hàng, dù shop đó có bị khoá, tiền vẫn hoàn lại trong ví.
Cục Thương mại điện tử và Kỹ thuật số cũng khuyến cáo người tiêu dùng một số điều sau: Người nhận hàng cần thận trọng, xác nhận kỹ với người nhà về việc có đặt hàng tại website thương mại điện tử hay không; Kiểm tra kỹ sản phẩm trước khi thanh toán để đảm bảo sản phẩm đúng như mô tả tại vận đơn giao hàng.
Cơ quan này yêu cầu các website thương mại điện tử và các đơn vị hỗ trợ vận chuyển rà soát lại quy trình giao hàng và xác nhận đơn hàng tránh bị đối tượng xấu lợi dụng. Theo đó, nếu gặp tình trạng bị giao sản phẩm mà mình không đặt hàng, người tiêu dùng cần phản ánh với Cục TMĐT và KTS ngay để được hỗ trợ.