Người nông dân đó là ông Hoàng Văn Chất, ở bản Củ 2, xã Chiềng Ban, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La. Không biết thì thôi, chứ ai mà nghe được câu chuyện ông đi khai hoang đất, ông từng đi tù và sau khi ra tù bước vào hành trình vượt khó làm giàu thì cũng nể phục. Cũng vì càm phục ý chí và nghị lực vươn lên của ông mà không ít người nói vui, ông đi tù vì cây cà phê, còn khi ra tù thành tỷ phú là nhờ cây cam lòng vàng.
Từ ngày đi khai hoang...
Đến thăm gia đình ông Hoàng Văn Chất tại bản Cụ 2, xã Chiềng Ban, huyện Mai Sơn. Thoạt đầu nhìn người ông mảnh khảnh, ăn mặc giản dị với cách nói chuyện hài hước, dễ gần. Khi được hỏi về quá khứ bắt đầu khởi nghiệp làm kinh tế như thế nào. Ông Chất ngẫm nghĩ một hồi lâu rồi cho biết:
Trước kia tôi đi bộ đội, tham gia cuộc chiến Biên giới phía bắc năm 1979, đến năm 1987 xuất ngũ. Sau đó tôi trở về quê hương bản Cụ 2 sinh sống và lập gia đình. Hồi đó toàn bộ khu đất quanh xã chiềng Ban này là đất hoang hết, chưa có một ai khai hoang. Khi đó tôi tận dụng tiền thanh toán một cục từ chế độ xuất ngũ thuê máy cày, thuê mướn người dân sinh sống trong vùng khai phá, cải tạo đất để làm vườn. Tổng cộng diện tích khai hoang, cải tạo đất được khoảng 3ha.
|
Ông Hoàng Văn Chất đang kiểm tra quá trình phát triển của cây cam trong vườn |
Đi nhiều nơi, thấy cây mía có thể thích nghi tốt với khí hậu, thổ nhưỡng ở vùng này, lại có thể làm “đường phên, đường rọt” bán cho các tỉnh, thành ở dưới xuôi, nên ông Chất quyết định trồng thử 1ha mía, 2ha còn lại dành để trồng lúa nương. Thấy cây mía phát triển tốt lại ít tốn chi phí chăm sóc, ông Chất bắt đầu dồn hết vốn liếng tích góp mấy năm để nhân rộng vườn mía. Khoảng 4 năm sau ông bắt đầu có lãi lớn và xây được một căn nhà cấp 4 khang trang đầu tiên tại xã Chiềng Ban thời đó.
...tới ngày gặp nạn vì "giặc" sương muối
Đến năm 1991, thấy cây cà phê mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ông Chất lại chuyển hướng sang trồng loài cây công nghiệp này. Mấy năm đầu, cây cà phê cho lãi rất lớn nên ông đã bàn bạc với vợ con nhân rộng diện tích trồng cây này. Ông vay vốn ngân hàng hơn 100 triệu đồng để quyết đầu tư lớn về trồng cà phê và mía...
Vào năm 1994 những điều không may ập đến với gia đình ông, toàn bộ khu vườn mà ông dầy công vun đắp bấy lâu nay đã bị chết hoàn toàn bởi sương muối-1 hiện tượng thời tiết xấu mà nhiều người dân nơi đây gọi là "giặc". Hoàn cảnh gia đình ông lúc đó lâm vào bế tắc và nợ nần chồng chất. Vườn cây không còn nữa, ông không có sản phẩm bán để giả tiền lãi ngân hàng đã vay trước đó. Ông đã phải liều mình đi vay tiền nóng ở bên ngoài để trả lãi xuất và cải tạo lại vườn đã bị chết do sương muối gây ra.
Do không có tiền trả ngân hàng vì số tiền gốc và tiền lãi qúa lớn, nên thời điểm đó ông bị truy tố với tội danh: lừa đảo chiếm đoạt tài sản Nhà nước. Ông nhận thi hành án 6 năm. Ở trong trại lúc đó, nhờ có chuyên môn ngành y từ thời trong quân ngũ, nên ông được giao nhiệm vụ đi phát thuốc tại các phòng giam.
Thời gian ông Chất chấp hành án tại trại giam, vợ con ông ở nhà đều cố gắng vượt qua mọi khó khăn, tích cực miệt mài chăm sóc cây trồng trong vườn, chờ đợi ngày ông mãn hạn tù trở về.
Hành trình đi tới thành công
Sau khi mãn hạn tù, ông Hoàng Văn Chất trở lại với cuộc sống đời thường bên vợ con. Với ý chí và nghị lực của người lính cụ Hồ, không khuất phục trước số phận và những thất bại cay đắng trong quá khứ. Ông bắt đầu đi nhiều nơi tìm hiểu, học hỏi thêm mô hình trồng cây ăn quả, đặc biệt là cây có múi ở các tỉnh như Bắc Kạn, Bắc Giang, Hòa Bình...Ông Chất còn cơm nắm muối vừng xuống Đại học Nông nghiệp Hà Nội "gõ cửa" xin tài liệu và xin cho đi xem các điểm làm giống cây trồng của nhà trường...
Lần này, ông Chất mua 200 giống cây cam lòng vàng (V2) tại Đại học Nông Nghiệp Hà Nội năm 2012 với giá 75.000đ/cây. Mang về Sơn La trồng, 3 năm sau, vườn cam của ông Chất cho thu hoạch khoảng 6 tấn, bán lãi hơn 100 triệu đồng. Năm 2015, sản lượng cam tăng lên, ông Chất thu hoạch được 13 tấn, thu nhập đạt 500 triệu đồng. Ông dùng số tiền lãi mua thêm hơn 1.000 giống cây ăn quả, đặc biệt là cam để mở rộng diện tích trồng loài cây này. Đến năm 2016, ông Chất trồng kín toàn bộ cam ở 4ha đất vườn với tổng cộng 4.000 cây.
Ngoài trồng cây có múi, ông Chất còn tận dụng mảnh đất gần nhà nuôi thêm hơn 100 con lợn vừa bán ra thị trường, vừa lấy phân chuồng để ủ, bón cho 4ha cam. Mỗi năm ông nuôi 3 lứa lợn, bình quân mỗi lứa ông thu về 150 triệu đồng. Ngoài ra ông còn là nhà phân phối giống cây cam (V2) hướng dẫn quy trình chăm sóc đến thời gian được thu hoạch,chết cây nào ông bù lại cây đấy cho các hộ gia đình trong vùng và nhiều huyện trên địa bàn tỉnh Sơn La.
Trao đổi với phóng viên Dân Việt, ông Chất cho biết: “ Mọi năm vào mùa thu hoạch cam là rất nhiều người gọi điện cho tôi đặt hàng trước, nhiều thương lái còn đánh cả ô tô vào tận vườn thu mua, có năm tôi còn không có cam để bán. "Đặc điểm của loại cam (V2 ) này là vỏ ngoài khi chín rất đỏ, lòng thì vàng ươm, rất thơm và ngọt. Giờ tôi đã trả hết nợ nần và có của ăn của để, con cái cũng đều thành đạt, không phải lo nghĩ gì nữa. Dự tính năm nay, gia đình tôi thu hoạch hơn 30 tấn cam từ 600 gốc đang cho quả, thu nhập ước hơn tỷ đồng”, ông Hoàng Văn Chất tự tin nói.