Có 2 hãng gửi thông báo đến các đại lý
Theo thông báo của hãng hàng không Vietjet Air gửi đến các đại lý bán vé của mình, nêu rõ căn cứ vào Quyết định số 2345/QĐ-BGTVT ngày 8/8/2017 về việc ban hành mức giá một số dịch vụ chuyên ngành hàng không tại cảng hàng không, sân bay Việt Nam.
Vietjet Air thông báo đến các quý đại lý về việc điều chỉnh giá vé máy bay và phí an ninh soi chiếu trong thời gian tới. Thời gian áp dụng cho hành khách đặt chỗ và thay đổi kể từ ngày 10/9/2017 có ngày khởi hành từ 1/10/2017.
Còn hãng hàng không giá rẻ Jetstar Pacific cũng đã có thông báo mới nhất gửi tới các đại lý bán vé của mình về việc điều chỉnh giá phục vụ hành khách và giá soi chiếu an ninh trong thời gian tới.
|
Ảnh minh họa. |
Theo đánh giá, việc Bộ Giao thông Vận tải điều chỉnh tăng mức giá, khung giá một số dịch vụ tại các Cảng hàng không sẽ kéo theo các hãng hàng không phải tính toán và cơ cấu lại dải giá vé máy bay một cách phù hợp. Nhiều hãng hàng không cho rằng, việc tăng phí dịch vụ tại các sân bay chắc chắn sẽ tác động đến giá vé máy bay của các hãng vì chi phí đầu vào tăng.
Cụ thể, đại diện hãng hàng không giá rẻ Vietjet Air cho biết, giá vé là cấu thành của tất cả các loại chi phí như thuế, phí. Do đó, khi thuế, phí tăng thì giá phải tăng là chuyện “đương nhiên”.
Còn đại diện Jetstar Pacific cho rằng, theo nguyên tắc vật lý thì “tăng cái này dẫn đến tăng cái khác”, khi chi phí cho thuế, phí tăng lên thì giá vé cũng phải được điều chỉnh tăng lên.
Cụ thể, Jetstar Pacific đang bán 12 - 13 mức giá, từ thấp đến cao; trong đó, sẽ có những giá vé bán dưới giá thành và có những giá vé bán trên giá thành. Ví dụ trong dải giá vé bán sẽ có vé giá chỉ từ 300.000 - 400.000 đồng cho đến vé có giá 3.000.000 đồng (mức giá trần).
“Như vậy, việc tăng phí này sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến giá vé. Trong đó, dải vé rẻ sẽ chắc chắn bị điều chỉnh số lượng bán ít đi”, đại diện Jetstar Pacific khẳng định.
Theo tính toán, nếu áp dụng các mức thu mới của Bộ Giao thông Vận tải, các hãng hàng không như Vietnam Airlines sẽ phải tăng chi phí 87,75 tỷ đồng, Vietjet Air 55,41 tỷ đồng và Jetstar Pacific Airlines là 18,38 tỷ đồng.
Giả sử, toàn bộ chi phí của hãng hàng không tăng thêm (161,53 tỷ đồng) được phân bổ vào giá vé máy bay thì chi phí cho một vé sẽ tăng 4.531 đồng. Trong khi đó, giá phục vụ hành khách và bảo đảm an ninh hành khách quốc nội bình quân của 1 hành khách tăng 25.854 đồng. Như vậy, tổng chi phí hành khách phải trả thêm cho 1 vé máy bay là 30.385 đồng.
Phí dịch vụ hàng không sẽ tăng 4 đợt
Theo Quyết định số 2345 mới được Bộ GTVT ban hành, giá dịch vụ hàng không tại các sân bay sẽ tăng nhằm bù đắp chi phí đầu tư hệ thống sân bay, nâng cao chất lượng dịch vụ.
Theo đó, giá dịch vụ bảo đảm an ninh hàng không sẽ tăng lên mức 2 USD/khách đối với khách bay quốc tế (mức hiện tại là 1,5 USD). Đối với khách bay chặng quốc nội, từ 1/10 sẽ tăng lên gần 12.000 đồng/khách (mức hiện tại là 9.090 đồng). Đến ngày 1/1/2018 sẽ tiếp tục tăng từ gần 12.000 đồng lên 13.636 đồng/khách và từ 1/4/2018 trở đi sẽ tăng lên 18.181 đồng/khách.
Về giá dịch vụ hành khách (hay còn gọi là phí sân bay), đối với các chặng bay quốc tế chỉ điều chỉnh tăng tại một số sân bay mới được đầu tư nâng cấp như Đà Nẵng, Cát Bi và Vinh. Trong đó, giá phục vụ hành khách tại Đà Nẵng (nhà ga quốc tế mới) là 20 USD/khách (mức hiện tại là 16 USD/khách). Tại sân bay Vinh và Cát Bi là 14 USD/khách (hiện tại là 8 USD/khánh)
Đối với các chuyến bay quốc nội, giá phục vụ hành khách sẽ tăng 4 đợt. Cụ thể, đợt 1 (từ 1/10/2017 đến hết 31/12/2017), mức thu cho sân bay nhóm A (Nội Bài, Đà Nẵng, Tân Sơn Nhất, Cam Ranh, Cát Bi, Vinh, Cần Thơ, Phú Quốc, Liên Khương, Phú Bài, Buôn Ma Thuột) là 75.000 đồng/khách.
Nhóm B (Thọ Xuân, Đồng Hới, Chu Lai, Phù Cát, Tuy Hòa) là 70.000 đồng/khách và nhóm C (Côn Đảo, Điện Biên, Cà Mau, Rạch Giá) là 60.000 đồng/khách. Như vậy, các sân bay nhóm A, B, mức giá tăng khoảng 7% so với hiện nay, còn nhóm C vẫn giữ nguyên.
Đợt 2 (từ 1/1/2018 đến 31/3/2018), mức giá sẽ tăng đối với sân bay nhóm A từ 75.000 đồng lên 80.000 đồng/hành khách. Nhóm B từ 70.000 tăng lên 75.000 đồng, còn nhóm C vẫn giữ 60.000 đồng/khách. Đợt 3 (từ 1/4/2018 đến 30/6/2018), khách bay nội địa tại các cảng hàng không nhóm A, B, C sẽ phải nộp tương ứng 85.000 đồng, 75.000 đồng và 60.000 đồng/khách.
Đợt cuối cùng, mức giá cao nhất áp tại cảng hàng không nhóm A là 100.000 đồng/khách. Nhóm B là 80.000 đồng/khách và nhóm C là 60.000 đồng/khách.
Ngoài việc tăng giá dịch vụ đối với hành khách, giá cất/hạ cánh tại các sân bay cũng tăng từ 1/10. Trong khung giờ bình thường, mức giá cất/hạ cánh áp dụng trong giai đoạn từ 1/10/2017 đến 30/6/2018 được điều chỉnh tăng 5% so với quy định hiện hành. Sau đó, từ ngày 1/7/2018, mức giá này sẽ tiếp tục tăng thêm 10% nữa.
Đặc biệt, mức giá cất/hạ cánh trong khung giờ cao điểm sẽ áp mức thu bằng 115% giờ bình thường. Cụ thể, trong khung giờ bình thường, mức giá cất/hạ cánh áp dụng từ ngày 1-10 với máy bay ATR 70 là 698.000 đồng/lần, máy bay A320 và A321 khoảng 1,5 triệu đồng/lần, còn máy bay A350, B787, B777 và A330 khoảng 5,8 triệu đồng/lần.
Như vậy, lệ phí sân bay chỉ trong vòng một năm (tính từ 1/10/2017 đến 1/10/2018) đã tăng liên tục đến 4 đợt. Điều này khả năng sẽ khiến nhiều hành khách bức xúc, lo lắng.
Bà Phan Thị Loan, chủ một đại lý vé máy bay ở Hải Phòng cho biết, khi đại lý thông báo một số phí dịch vụ hàng không sẽ tăng từ 1/10 tới, nhiều hành rất bất ngờ bởi các dịch vụ hàng không ở các sân bay thời gian qua chưa có nhiều cải thiện.
Điều đáng lưu ý là khi phí dịch vụ sân bay sẽ tăng từ 1/10/2017 thì chỉ ít tháng trước đó các hãng hàng không đã đồng loạt tăng phí phục vụ của mình. Chẳng hạn, Vietjet Air đã tăng phí dịch vụ hệ thống từ 100.000 đồng lên 140.000 đồng/chặng bay nội địa và tăng từ 120.000 đồng lên 160.000 đồng/chặng bay quốc tế kể từ ngày 22/3/2017.
Bên cạnh việc tăng phí dịch vụ/vé máy bay, Vietjet Air còn tiến hành điều chỉnh phí phụ thu dịch vụ, bao gồm: dịch vụ chọn chỗ ngồi tăng từ 80.000 đồng lên 90.000 đồng; giá cước gửi hành lý đối với chặng bay quốc nội tăng từ 10.000 – 20.000 đồng/chặng; phí phụ thu đổi chuyến bay đối với trường hợp bị trễ chuyến đối với chặng bay quốc tế từ mức 735.000 đồng lên 1 triệu đồng/hành khách. Thời gian áp dụng mức điều chỉnh kể từ ngày 20/3/2017.
Còn Vietnam Airlines từ 1/4/2017 đã tăng giá vé quốc nội hạng thương gia từ 100.000 -500.000 đồng/chặng; hạng phổ thông tăng từ 40.000 – 300.000 đồng/chặng. Trong khi đó, Jetstar Pacific cũng có điều chỉnh tăng phí quản lý hệ thống từ 100.000 lên 130.000 đồng/chặng kể từ ngày 15/3/2017 vừa qua.
Theo chị Nguyễn Thị Hương (trú tại quận Nam Tư Liêm), những tháng đầu năm một loạt các hãng đã tăng phí phục vụ của hãng đã làm giá vé tăng cao, giờ dịch vụ tại sân bay tăng nữa thì chỉ có người dân là phải gánh chịu. Mặt khác, mang tiếng là mua vé giá rẻ nhưng nhiều khi các loại phí kèm theo còn nhiều tiền hơn số tiền bỏ ra để mua vé.