"Mỹ nhân ngư" hay "nàng tiên cá" thực ra là cái tên khá mĩ miều để chỉ một loại cá thường được gọi là cá mặt thỏ, sống tại các vùng đảo Phú Quý, Bình Thuận, Lý Sơn, Quảng Ngãi.
Cá mặt thỏ được nhận xét có ngoại hình kỳ dị với phần đầu rất lớn và răng nhô ra như răng thỏ. Phần đuôi của chúng lại có đốm đen giống cá mú. Tuy nhiên, thịt của của loài này được nhận xét ngon và hấp dẫn hơn nhiều so với cá mú. Da cá mặt thỏ có giá trị kinh tế cao, do đó, chúng thường bị lột da trước khi đem bán làm thực phẩm.
Cá mặt thỏ thường sống ngoài khơi xa, nằm sâu dưới đáy cách mực nước biển từ 40 - 50m. Loài cá mặt thỏ này cực kỳ hung dữ, với bộ răng nanh sắc khỏe chúng có thể quẫy rách lưới ngư dân. Nó ăn tất cả các loài cá yếu hơn, thậm chí khi đói nó có thể ăn thịt cả đồng loại.
Để bắt được loài cá quý hiếm này, ngư dân phải thả nhiều tầng lưới đan xen với nhau. Nếu dính lưới, chúng sẽ vùng vẫy và nhanh chóng cắn nát lưới để trốn thoát. Chính vì vậy, loài cá này được coi là "lộc biển", "cá vàng, cá bạc" bởi chúng rất khó đánh bắt và giá thành bán rất cao. khoảng 400.000 đồng đến 1.000.000 đồng/kg tùy kích thước và cân nặng. Để tận hưởng hương vị của một con cá lớn thường phải chi đến cả chục triệu đồng.
Cá thường được chế biến và xuất hiện ở những gia đình quý tộc, những nhà hàng, khách sạn nổi tiếng và phục vụ cho giới thượng lưu thưởng thức.
Với điều kiện chế biến khắt khe và nghiêm ngặt, cá mặt thỏ có phần thịt săn chắc, trắng, dai và thơm ngon thường xuất hiện ở các bàn tiệc sang trọng. Phần thịt cá mặt thỏ vốn có vị ngon đặc trưng nên không cần chế biến cầu kỳ và thêm nhiều gia vị.
Ngoài ra, phần da cá cực đắt đỏ, lên tới 2000 USD/kg và được tận dụng tối đa trong y tế như làm nguyên liệu sản xuất nên những hoạt chất collagen tái tạo mô và chỉ tự tiêu y tế.
Chính vì thế, nhiều người trong giới đại gia sẵn sàng bỏ một số tiền không nhỏ để thưởng thức loài cá này.
Mang giá trị cao về cả ẩm thực lẫn y tế nhưng cá "mỹ nhân ngư" lại có rất nhiều độc tính có thể gây hại nghiêm trọng cho con người.
Theo Tạp chí New Scientist, cá mặt thỏ có nguồn gốc từ Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Loài vật này đang có khả năng phát triển mạnh ở vùng biển Địa Trung Hải thông qua kênh đào Suez. Một số cơ quan của cá mặt thỏ có chứa tetrodotoxin. Đây là chất độc gây chết người.
Theo Viện Nghiên cứu Hải sản, cá mặt thỏ là 1 trong 8 loài cá nóc có độc tính mạnh nhất. Các loài còn lại là cá nóc chuột chấm son, cá nóc sao, cá nóc chuột vân bụng, cá nóc chuột chấm sao, cá nóc vằn, cá nóc chuột chấm đen, cá nóc chấm cam vằn mắt.
Mức độ độc tố trong từng bộ phận của cá nóc được sắp xếp theo thứ tự: trứng, tinh sào, gan, ruột đến da và thịt. Độc tính của cá nóc thường tăng cao vào các tháng 2-3 và 7-9 trong năm, đây cũng là mùa sinh sản của cá nóc. Cá nóc sống ở vùng nước khác nhau cũng có thể cho lượng độc tính không giống nhau.