Mua thêm cty công nghệ 20 năm tuổi tại Mỹ, doanh thu FPT thế nào?

Google News

Thông qua thương vụ này, FPT kỳ vọng, Cardinal Peak sẽ giúp FPT tăng gấp đôi doanh thu từ mảng dịch vụ kỹ thuật sản phẩm tại thị trường Mỹ trong vòng hai năm tới.

Công ty CP FPT (mã: FPT) vừa công bố thương vụ mua Cardinal Peak - công ty cung cấp dịch vụ kỹ thuật công nghệ có tuổi đời 20 năm tại thị trường Bắc Mỹ. Thương vụ nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và chất lượng dịch vụ tại khu vực châu Mỹ nói riêng và các thị trường nói tiếng Anh nói chung cho FPT, đặc biệt trong các mảng công nghệ mới.
Chưa đầy 1 năm, mua 3 công ty công nghệ 
Cardinal Peak được giới thiệu là tổ chức cung cấp dịch vụ công nghệ toàn diện, bao gồm phần cứng, phần mềm nhúng, IoT, điện toán đám mây và phát triển sản phẩm di động cho hơn 300 công ty trong các lĩnh vực ô tô, điện tử tiêu dùng, chăm sóc sức khỏe, phát nội dung trực tuyến, robot, an ninh - an toàn, quốc phòng - hàng không vũ trụ.
Giá trị thương vụ và số cổ phần FPT nắm giữ không được tập đoàn công bố chi tiết.
Thông qua thương vụ trên, FPT kỳ vọng, Cardinal Peak sẽ giúp FPT tăng gấp đôi doanh thu từ mảng dịch vụ kỹ thuật sản phẩm (dịch vụ tư vấn, thiết kế, phát triển, thử nghiệm các công nghệ mới bao gồm cả phần cứng và phần mềm để tạo ra các sản phẩm tốt nhất) tại thị trường Mỹ trong vòng hai năm tới.
Sau thương vụ này, Cardinal Peak vẫn sẽ giữ nguyên thương hiệu và mô hình hoạt động như hiện tại, đồng thời, hợp tác với FPT giúp Cardinal Peak nâng cao năng lực cũng như mở rộng phạm vi cung cấp dịch vụ, tập khách hàng trên toàn cầu.
Được biết, từ năm 2014, FPT liên tục thực hiện các thương vụ mua bán và sáp nhập với doanh nghiệp công nghệ trên thế giới. Thương vụ M&A đầu tiên của FPT là mua công ty RWE IT Slovakia (công ty thành viên của Tập đoàn năng lượng hàng đầu châu Âu - RWE) để mở rộng tập khách hàng về hạ tầng công ích và cũng là thương vụ M&A đầu tiên trong lĩnh vực CNTT của Việt Nam tại thị trường nước ngoài.
Năm 2018, FPT mua 90% cổ phần của Intellinet, công ty tư vấn chuyển đổi số có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất tại Mỹ. Đến năm 2022, FPT đầu tư chiến lược vào LTS, Inc., công ty trong Top 20 công ty tư vấn, quản trị kinh doanh và chuyển đổi số tại Nhật.
Năm 2023, FPT mở rộng hiện diện tại Mỹ khi mua lại toàn bộ mảng dịch vụ công nghệ của công ty Intertec International. Tháng 10/2023 vừa qua, FPT công bố trở thành nhà đầu tư lớn của Landing AI - công ty phần mềm thị giác máy tính và AI hàng đầu của Mỹ.
Các thương vụ mua bán sáp nhập đóng vai trò quan trọng trong chiến lược toàn cầu của FPT và góp phần hoàn thành mục tiêu đạt doanh số 1 tỷ USD từ dịch vụ CNTT cho thị trường nước ngoài vào cuối năm 2023.
Mua them cty cong nghe 20 nam tuoi tai My, doanh thu FPT the nao?
Trụ sở FPT tại quận Cầu Giấy (Hà Nội). Ảnh: Internet. 
Đạt đỉnh lợi nhuận quý 3, khối công nghệ góp gần 1 tỷ USD
Theo báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh hợp nhất quý III/2023 cho thấy, FPT ghi nhận 13.762 tỷ đồng doanh thu thuần và lợi nhuận trước thuế đạt 2.429 tỷ đồng, tăng lần lượt 23,4% và 19,8% so với cùng kỳ năm 2022. Lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ (lãi ròng) đạt 1.739 tỷ đồng, tăng 20% so với quý III/2022. Đây cũng là mức lợi nhuận cao nhất của công ty đạt được trong một quý.
Lý giải lợi nhuận kinh doanh tăng, FPT cho biết tăng trưởng trong năm so với cùng kỳ năm trước chủ yếu do tăng trưởng của mảng dịch vụ Công nghệ thông tin (CNTT) thị trường nước ngoài. Cụ thể, trong quý III/2023, mảng dịch vụ CNTT thị trường nước ngoài đạt doanh thu 6.399 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 1.044 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 31,7% và 23,1%, chiếm tỷ trọng 47% doanh thu và 43% lợi nhuận trước thuế của tập đoàn, được thúc đẩy bởi chỉ tiêu cho chuyển đổi số đến từ thị trường Nhật Bản và Châu Á – Thái Bình Dương (APAC).
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2023, doanh thu thuần của FPT ghi nhận đạt 37.927 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 6.768 tỷ đồng, lần lượt tăng 22,4% và 19,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Lãi ròng ghi nhận ở mức 4.742 tỷ đồng, tăng trưởng 20,3% so với 9 tháng đầu năm 2022.
Bóc tách từng mảng kinh doanh chính của FPT trong 9 tháng đầu năm 2023, khối Công nghệ (bao gồm dịch vụ CNTT trong nước và dịch vụ CNTT nước ngoài) tiếp tục giữ vai trò chủ chốt, đóng góp 59% doanh thu (tương đương 22.517 tỷ đồng) và 46% lợi nhuận trước thuế (3.128 tỷ đồng), tăng trưởng lần lượt 25,7% và 20,8% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, doanh thu dịch vụ CNTT tại thị trường nước ngoài của FPT đạt 17.626 tỷ đồng, tăng 30,9% và lợi nhuận trước thuế đạt 2.878 tỷ đồng, tăng 30,2% so với cùng kỳ năm trước. Các thị trường trọng điểm đều giữ được đà tăng trưởng, đặc biệt thị trường Nhật Bản giữ đà tăng 44% so với cùng kỳ, bất chấp sự mất giá của đồng Yên. Gần nhất, vào ngày 19/7, FPT đã ký thỏa thuận hợp tác, phụ trách toàn bộ việc phát triển phần mềm cho nhiều loại thiết bị của Nippon Seiki - Tập đoàn 70 năm tuổi, chuyên sản xuất thiết bị đo tốc độ lớn nhất Nhật Bản.
Doanh thu chuyển đổi số từ thị trường nước ngoài trong 9 tháng đầu năm 2023 đạt 7.710 tỷ đồng, tăng trưởng 46% so với cùng kỳ, tập trung vào các công nghệ mới như Cloud, AI/Data Analytics... FPT cũng ghi nhận nhiều đơn hàng lớn từ thị trường nước ngoài, với doanh thu ký mới đạt 20.700 tỷ đồng, tăng trưởng 23,2% do với cùng kỳ. Trong đó, có 20 dự án với quy mô trên 5 triệu USD.
Trong khi đó, dịch vụ CNTT trong nước vẫn còn nhiều thách thức do nhu cầu sụt giảm từ khối khách hàng doanh nghiệp, ghi nhận doanh thu 4.891 tỷ đồng, tăng trưởng 10,2% và lãi trước thuế đạt 250 tỷ đồng, giảm 34,1%. Hệ sinh thái công nghệ Made-by-FPT mang lại 993 tỷ đồng doanh thu, tăng trưởng 45% so với cùng kỳ năm trước, tiếp tục đóng vai trò là một trong những động lực tăng trưởng mũi nhọn của FPT trong dài hạn.
Khối dịch vụ viễn thông ghi nhận tăng trưởng hai con số cả về doanh thu và lợi nhuận, trong đó doanh thu đạt 11.278 tỷ đồng và lãi trước thuế 2.217 tỷ đồng, tăng tương ứng 10% và 15% so với cùng kỳ.
Về khối giáo dục, nhu cầu giáo dục ngành CNTT tăng mạnh đã góp phần thúc đẩy doanh thu của mảng giáo dục của FPT tăng 43% so với cùng kỳ, đạt 4.435 tỷ đồng…
Liên Hà Thái

>> xem thêm

Bình luận(0)