Giá lập kỷ lục, nông dân lãi lớn
Chia sẻ với PV.VietNamNet sáng 4/6, ông Hoàng Phước Bính - Phó Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê (Gia Lai) - báo tin: “Giá hạt tiêu đen đã vượt 140.000 đồng/kg - mức kỷ lục trong 8 năm qua. Nông dân còn hàng thì lãi lớn”.
Ông Bính tính toán, trung bình 1ha hồ tiêu nông dân sẽ thu được khoảng 2,5 tấn tiêu đen khô. Với giá thành sản xuất khoảng 80.000 đồng/kg, bán ra giá 140.000 đồng/kg, nông dân có lãi 60.000 đồng/kg. Tức 1ha trồng hồ tiêu, bà con có thể thu lãi 150 triệu đồng. Đây cũng là mức lợi nhuận tốt nhất kể từ năm 2017 đến nay.
Trong nước, đà tăng giá tiêu vẫn tiếp diễn trong những ngày vừa qua. Giá hạt tiêu hôm nay được thu mua ở mức 141.000-144.000 đồng/kg. Trong đó, Bình Phước là địa phương ghi nhận có mức giá tiêu cao nhất cả nước.
Trên thị trường thế giới, giá hạt tiêu tiếp tục tăng mạnh. Hiện giá hạt tiêu đen Lampung tại Indonesia vọt lên mức 5.633 USD/tấn. Hạt tiêu trắng Muntok của quốc gia này cũng tăng ngưỡng 7.422 USD/tấn.
Trong khi đó, giá tiêu đen Kuching ASTA của Malaysia ở mức 4.900 USD/tấn; tiêu trắng ASTA vẫn có giá 7.300 USD/tấn. Giá hạt tiêu đen ASTA 570 của Brazil neo mức 5.900 USD/tấn.
Giá hạt tiêu đen xuất khẩu của Việt Nam loại 500g/l và 550g/l lần lượt ở mức 5.400 USD/tấn và 5.900 USD/tấn. Giá hạt tiêu trắng xuất khẩu của nước ta vọt lên 8.000 USD/tấn.
Đáng chú ý, thời điểm đầu tháng 5 vừa qua, trong số các quốc gia sản xuất và xuất khẩu lớn trên thế giới, giá hạt tiêu - mặt hàng được ví như “vàng đen” của Việt Nam - vẫn xếp chót bảng. Nay với đà tăng không ngừng nghỉ, hạt tiêu Việt Nam đã vươn lên đầu bảng, có giá đắt đỏ nhất thế giới.
Cụ thể, hạt tiêu trắng của Việt Nam đang cao hơn hàng cùng loại của Malaysia 700 USD/tấn, hơn hàng của Indonesia 578 USD/tấn. Giá hạt tiêu đen của Việt Nam loại 550g/l tương đương với giá của Brazil nhưng cao hơn hàng của Indonesia 267 USD/tấn, đắt hơn hàng của Malaysia 1.000 USD/tấn.
Giấc mơ “vàng đen” có lặp lại?
“Tiêu khan hàng, số lượng trong kho của người dân không còn nhiều nữa nên giá càng tăng mạnh”, ông Hoàng Phước Bính nói. Trước đó, ông dự báo giá tiêu sẽ nhanh chóng tăng lên ngưỡng 150.000 đồng/kg và chu kỳ tăng giá mới này sẽ kéo dài khoảng 10 năm. Năm 2024 là thời điểm bắt đầu của chu kỳ tăng giá này.
Theo Hiệp hội Hồ tiêu Quốc tế, sản lượng hạt tiêu toàn thế giới sẽ giảm khoảng 2% trong năm 2024, còn khoảng 460.000 tấn. Trong đó, sản lượng của Brazil sẽ giảm mạnh hơn do các vấn đề liên quan biến đổi khí hậu; còn sản lượng tiêu của Việt Nam ước tính chỉ đạt 150.000-160.000 tấn trong năm nay, giảm 10-15% so với vụ trước.
Đáng chú ý, nhu cầu tiêu thụ hạt tiêu toàn cầu dự kiến đạt tới 529.000 tấn, vượt xa so với năng lực sản xuất. Điều này khiến cho lượng tồn kho tiếp tục sụt giảm xuống còn khoảng 428.000 tấn - mức thấp nhất trong 6 năm qua.
|
Giá hạt tiêu tăng mạnh. Ảnh: Phạm Hải |
Chuyên gia và doanh nghiệp cho biết, giá tiêu tăng liên tục và chưa có dấu hiệu dừng lại do yếu tố cung - cầu mất cân bằng. Nhiều đại lý, nhà xuất khẩu đang phải đối mặt với tình trạng thiếu nguyên liệu cho các đơn hàng đã ký.
“Doanh nghiệp phải đẩy mạnh thu mua để đảm bảo tiến độ trả các đơn hàng trong quý I, III và IV của năm nay”, giám đốc một doanh nghiệp xuất khẩu hạt tiêu nói và cho rằng, nguồn cung hạt tiêu đang khan hiếm, toàn cầu thiếu hụt lượng lớn đã đẩy giá mặt hàng “vàng đen” của nước ta tăng mạnh trong thời gian gần đây.
Chưa kể, sản lượng tiêu dự báo giảm mạnh, giá tăng nhanh đã khuyến khích hoạt động đầu cơ của các đại lý và nông dân.
Bộ NN-PTNT thông tin, giá bình quân xuất khẩu hạt tiêu Việt Nam trong 5 tháng đầu năm nay đạt 4.308 USD/tấn, tăng 39,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Hạt tiêu cũng là mặt hàng ghi nhận mức tăng giá mạnh trong các nhóm hàng của ngành nông nghiệp, chỉ đứng sau cà phê.
Tính đến hết tháng 5/2024, nước ta đã xuất khẩu 113.000 tấn hạt tiêu các loại, trong khi nguồn cung ngày càng thu hẹp.
Năm ngoái, lượng hạt tiêu của nước ta xuất khẩu tăng mạnh, hàng tồn kho gần như cạn kiệt. Lượng cần thiết cho xuất khẩu năm nay đã giảm đáng kể trong khi mùa thu hoạch năm 2025 vẫn còn 8 tháng nữa mới đến.
Trong một bài chia sẻ mới đây, ông Phan Minh Thông - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Phúc Sinh - nhớ lại thời hoàng kim hạt tiêu được ví như “vàng đen” khi giá đạt đỉnh 230 triệu đồng/tấn. Một tấn hạt tiêu ở thời kỳ 2015 có giá tương đương với 6,5 lượng vàng.
Nhưng sau đó giá quay đầu giảm. Năm 2019, giá 1 tấn hạt tiêu đen khô chỉ còn 36 triệu đồng, giảm 85% so với giá đỉnh. Hiện giá tiêu nội địa đã tăng lên mức 140-142 triệu đồng/tấn, khiến cho các nhà sản xuất, trồng hồ tiêu có giấc mơ “vàng đen” lặp lại.
Theo ông Thông, khi giá cao giúp nông dân có nhiều điều kiện tái sản xuất hơn. Ông cũng nhận định, giá có thể tiếp tục tăng nữa với hạt tiêu, nhưng chúng ta cũng học được một bài học không nên tìm mọi cách tăng mạnh sản lượng dẫn tới vượt nhu cầu để rồi nhìn thấy thảm cảnh trong quá khứ.