Kho "vàng đen" của VN lớn nhất thế giới nhưng giá xếp chót bảng

Google News

Việt Nam đứng đầu thế giới về sản xuất và xuất khẩu “vàng đen” trong hơn 20 năm qua. Thế nhưng, giá mặt hàng này của nước ta lại xếp chót bảng.

Giá vẫn xếp chót bảng
Những ngày gần đây, cùng với cà phê, hạt tiêu - mặt hàng gia vị được ví như “vàng đen” của Việt Nam - cũng bước vào chu kỳ tăng giá mạnh. Hiện giá hạt tiêu đen trong nước tăng lên ngưỡng 97.500-98.500 đồng/kg.
Xuất khẩu hạt tiêu cũng khởi sắc, nhiều thị trường tăng trưởng ở mức 3 con số. Đặc biệt, tháng 4/2024, lượng xuất khẩu tiêu tiếp tục tăng và ở mức cao nhất trong 11 tháng qua.
Báo cáo mới nhất của Bộ NN-PTNT cho thấy, trong tháng 4 năm nay, nước ta xuất khẩu 27.000 tấn hạt tiêu, thu về 117 triệu USD. So với tháng cùng kỳ năm ngoái, hạt tiêu xuất khẩu chỉ tăng nhẹ 2,2% về lượng nhưng lại tăng mạnh 40,4% về giá trị.
Lũy kế 4 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu tiêu đạt 83.783 tấn, với kim ngạch hơn 353 triệu USD, giảm 18,3% về lượng nhưng tăng 11,5% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023.
Kho
 
Giá hồ tiêu xuất khẩu bình quân tháng 4/2024 tăng tháng thứ 4 liên tiếp, đạt ngưỡng 4.342 USD/tấn, tăng 37,4% so với tháng 4/2023. Tính chung 4 tháng đầu năm 2024, giá tiêu xuất khẩu bình quân đạt 4.214 USD/tấn, tăng 36,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo ông Huỳnh Tấn Đạt, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT), hồ tiêu là cây gia vị góp phần không nhỏ vào GDP quốc gia, cải thiện sinh kế nông hộ và định vị thương hiệu Việt Nam trên thị trường thế giới.
Việt Nam đứng đầu thế giới về sản xuất và xuất khẩu hồ tiêu trong hơn 20 năm qua. Loại hạt "vàng đen" này của nước ta chiếm 40% sản lượng và 60% thị phần xuất khẩu trên toàn cầu.
Trong giỏ hàng gia vị thế giới, hạt tiêu chiếm tỷ trọng lớn, có vai trò quan trọng trong văn hóa ẩm thực. Đặc biệt, sản phẩm hạt tiêu được đẩy mạnh chế biến trong dược phẩm, mỹ phẩm và chăm sóc sức khỏe. Quy mô thị trường hồ tiêu được định giá 5,43 tỷ USD và dự báo tăng trưởng trung bình hơn 20% trong giai đoạn 2024-2032.
Thế nhưng, trong số các quốc gia xuất khẩu hạt tiêu lớn nhất thế giới, giá loại “vàng đen” này của Việt Nam lại xếp chót bảng. Cụ thể, giá tiêu đen của Việt Nam ở mức 4.200-4.300 USD/tấn, trong khi hàng cùng loại của Brazil là 4.900 USD tấn, của Indonesia và Malaysia có giá lần lượt là 4.703 USD/tấn và 4.700 USD/tấn.
Tương tự, hạt tiêu trắng của Việt Nam có giá 6.000 USD/tấn, thấp hơn giá tiêu trắng của Malaysia tới 1.300 USD/tấn và thấp hơn hàng cùng loại của Indonesia 232 USD/tấn.
Lo sản lượng giảm, bị Brazil đuổi kịp
Chia sẻ về ngành hàng hồ tiêu, bà Hoàng Thị Liên - Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam - nhìn nhận, tiêu là một trong những mặt hàng được giao dịch với khối lượng lớn trên thế giới. Giá mặt hàng này đang vào chu kỳ tăng do có yếu tố lực đẩy trên thị trường.
“Nguồn cung lớn từ Việt Nam và Brazil đều giảm vì ảnh hưởng bởi El Nino khiến giá tăng cao”, bà nói. Trong khi đó, thị trường tiêu xuất khẩu của Việt Nam có những điều chỉnh lớn, xuất hiện các thị trường mới, trong đó nổi lên là Pakistan, Đức, Hàn Quốc, Ấn Độ đều ghi nhận tăng trưởng ở mức 3 con số.
Những nguyên nhân này thúc đẩy giá hạt tiêu tăng trưởng khá mạnh. Cụ thể, thời điểm này năm ngoái, giá hạt tiêu chỉ 67.000 đồng/kg, nay đạt mức 97.000 đồng/kg, tăng 44,7%.
Kho
Sản lượng hạt tiêu của Việt Nam suy giảm. Ảnh: Pacificgroup 
Tuy nhiên, bà Liên cũng thừa nhận, ngành hàng này đang gặp thách thức lớn mà người nông dân và doanh nghiệp cần sớm cải thiện, như vấn đề chất lượng để đáp ứng được các thị trường cao cấp như Mỹ và EU.
“Ngoài ra, chúng ta phải đảm bảo nguồn cung bằng cách củng cố vùng sản xuất”, bà Liên nói. Sản lượng hạt tiêu của nước ta dao động từ 170.000-190.000 tấn mỗi năm. Thế nhưng, thời gian vừa qua, do giá quá thấp, có thời điểm chạm đáy 50.000 đồng/kg, khiến người dân “chán tiêu”.
Tháng 9 năm ngoái, khi đi thực tế tại các vùng trồng, hiệp hội ghi nhận ý kiến từ các hộ dân, rằng “nếu giá tiêu giữ ở mức 60.000-70.000 đồng/kg, bà con không muốn trồng tiếp”. Đáng nói, sầu riêng và cà phê hiện nay quá “hot”, là cây trồng cho lợi nhuận cao.
“Chưa bao giờ giá cà phê lại cao hơn và vượt xa giá hạt tiêu như bây giờ”, bà Liên nhận xét. Theo bà, chúng ta phải có sản lượng thì mới quyết định được giá bán trên thị trường. Việt Nam là quốc gia sản xuất và xuất khẩu hạt tiêu top đầu, doanh nghiệp cũng như người mua trên thế giới đều theo dõi nhất cử nhất động và tìm nguồn hàng từ Việt Nam.
Do đó, ngoài vấn đề giá cả, bà Liên mong muốn cơ quan chức năng, địa phương quan tâm hơn nữa đến cây hồ tiêu, hỗ trợ người nông dân giữ cây trồng này, từ đó ổn định vùng sản xuất và sản lượng.
Thực tế, vùng sản xuất tiêu của Việt Nam đang bị thu hẹp, sản lượng sụt giảm. Trong khi đối thủ của nước ta là Brazil lại đẩy mạnh sản xuất để tăng sản lượng. Nếu chúng ta không có chiến lược thì trong vài năm tới, Brazil sẽ bắt kịp Việt Nam, bà Liên nhận định.
Về vấn đề chất lượng hạt tiêu, ông Lê Hoàng Tài - Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) - cho rằng, nông dân và doanh nghiệp Việt cần chú trọng hơn, áp dụng biện pháp chế biến sâu. Dự báo, nhu cầu hạt tiêu, đặc biệt với sản phẩm cao cấp, sẽ ngày càng tăng. Người tiêu dùng sẵn sàng trả giá cao cho hạt tiêu chất lượng cao.
Khi khẳng định được chất lượng, tiến vào được phân khúc cao cấp, giá hạt tiêu Việt Nam cũng tăng.
Theo Tâm An/Vietnamnet

>> xem thêm

Bình luận(0)