Nguồn nguyên liệu khổng lồ bị lãng phí
Năm 2020, Việt Nam sản xuất sản lượng lớn lương thực, thực phẩm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng cho trên 97 triệu dân trong nước và xuất khẩu, thu về trên 41 tỷ USD. Trong quá trình sản xuất, bảo quản, sơ chế, chế biến nông sản, tỷ lệ phụ phẩm nông nghiệp lên tới 156 triệu tấn.
Đây là con số được ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) công bố tại Hội thảo Sử dụng phụ phẩm trong nông nghiệp để nâng cao giá trị, gia tăng thu nhập cho nông dân ngày 10/9.
Trong đó, 88,9 triệu tấn phụ phẩm sau thu hoạch từ cây trồng và chế biến nông sản của ngành trồng trọt (chiếm 56,7%), 61,4 triệu tấn phân gia súc, gia cầm từ ngành chăn nuôi (chiếm 39,1%), 5,5 triệu tấn từ ngành lâm nghiệp (chiếm 3,5%) và gần 1 triệu tấn từ ngành thủy sản (10,6%). Khu vực Đông Nam Bộ và ĐBSCL hiện có lượng phụ phẩm lớn nhất cả nước.
|
Nguồn phụ phẩm nông nghiệp ở nước ta rất lớn nhưng không được tận dụng nhiều (ảnh: IQ) |
Theo ông Chinh, ở góc độ nền kinh tế nông nghiệp tuần hoàn gắn với tăng trưởng xanh, nguồn phụ phẩm này phải được xem là nguồn tài nguyên tái tạo, chứ không phải là chất thải. Đây là nguồn đầu vào quan trọng của quá trình tuần hoàn khác nhằm kéo dài chuỗi giá trị gia tăng trong nông nghiệp.
Ví như, rơm làm thức ăn thô cho gia súc ăn cỏ, làm chất độn chuồng cho vật nuôi, làm nấm rơm; phủ luống, phủ gốc cho cây trồng,...Thị trường thu gom, đóng gói, vận chuyển và buôn bán rơm lúa ở vùng ĐBSCL ngày càng phát triển. Theo đó, thu mua rơm tại ruộng có giá 400 đồng/kg, đưa về cơ sở sản xuất là hơn 2.000 đồng/kg. Còn lượng đáng kể rơm được đốt ngay tại ruộng tại một số nơi ở miền Bắc, miền Trung gây ô nhiễm không khí, cản trở giao thông, ảnh hưởng đến sức khỏe con người.
Ông Chinh cũng cho biết, nhiều phụ phẩm trong ngành trồng trọt, chăn nuôi, chế biến, lâm nghiệp đã được đưa vào làm nguyên liệu, nhưng tỷ lệ còn khiêm tốn, giá trị gia tăng chưa cao.
“Ngành chế biến phụ phẩm thủy sản ở nước ta mới đạt khoảng 275 triệu USD (2020). Nếu khai thác hết nguồn phụ phẩm gần 1 triệu tấn của ngành thủy sản bằng công nghệ cao có thể thu về 4-5 tỷ USD”, ông dẫn chứng.
Theo GS.TS Võ Tòng Xuân, chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực nông nghiệp, việc thu gom, tái sử dụng các loại phụ phẩm trong nông nghiệp không chỉ giúp giảm phát thải khí nhà kính mà còn giúp nông dân có cơ hội làm giàu.
Như hạt nhãn, hạt vải thiều có rất nhiều công dụng mà chúng ta chưa khai thác hết, không chỉ làm phân bón mà có thể chế biến làm thức ăn cho gia súc, thậm chí làm thực phẩm chức năng,... nhưng chúng ta đang để lãng phí những thứ rất quý, ông Xuân chia sẻ.
Chuyên gia Nguyễn Quang Thạch khẳng định, dưới góc độ sản xuất, phụ phẩm chính là “vàng” của nông nghiệp. Bởi, đầu ra của ngành này sẽ trở thành đầu vào của ngành khác. Với khối lượng 156 triệu tấn mỗi năm, đây là nguồn nguyên liệu khổng lồ, là tài nguyên quý, là thế mạnh của Việt Nam. Nếu có thể đưa vào sản xuất thì sẽ tạo ra nhiều sản phẩm khác có giá trị cao cho nông nghiệp.
Cần thu hút doanh nghiệp tham gia
Ông Mai Thành Phụng - Phó Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam, đề nghị đẩy mạnh truyền thông để giúp nông dân và doanh nghiệp vào cuộc, biến phụ phẩm nông nghiệp thành phân bón hữu cơ, giảm phụ thuộc nguồn nhập khẩu.
|
Trong ngành nông nghiệp, nếu đưa 1 triệu tấn phụ phẩm vào sản xuất sẽ thu được 4-5 tỷ USD (ảnh: IT) |
Theo ông, nếu làm tốt, có thể nâng sản lượng phân bón hữu cơ của các doanh nghiệp từ 4 triệu tấn/năm hiện nay lên 10 triệu tấn/năm. Đồng thời, chính nông dân cũng có thể sản xuất được nguồn phân bón hữu cơ với sản lượng đạt 30 tấn/năm. Mục tiêu đến năm 2030, chúng ta có thể làm ra tới 50 tấn phân bón hữu cơ, hướng tới giảm nguồn phân bón vô cơ độc hại cho nông sản và môi trường.
Đại diện Sở NN-PTNT các tỉnh, thành phía Nam cũng cho rằng, cần có những chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này. Vì khi doanh nghiệp tham gia, đưa công nghệ sản xuất hiện đại thì từ phụ phẩm nông nghiệp, sẽ tạo ra những sản phẩm có giá trị cao. Đơn cử, vỏ thanh long có thể chế biến thành sản phẩm tạo màu cho thực phẩm; phụ phẩm thủy sản làm nguyên liệu cho ngành mỹ phẩm, dược phẩm, y tế, nông nghiệp đặc biệt là sản xuất nguyên liệu thức ăn cho nuôi...
Ở Bình Phước, điều là một cây trồng chủ lực của tỉnh. Sản lượng hạt điều đạt khoảng 200.000 tấn/năm, còn trái giả (phụ phẩm khi khai thác hạt điều) có khối lượng tới 800 tấn/năm nhưng chưa sử dụng đến. Theo bà Lê Thị Ánh Tuyết, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Phước, các nhà khoa học đã nghiên cứu trái giả làm được rượu, làm thức ăn nhưng chưa đem hiệu quả trong thực tế. Do đó, sau khi khai thác hạt, phần trái giả được nông dân gom lại làm phân bón.
Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam, tại các địa phương, nhiều phụ phẩm còn lãng phí, trong khi đây là nguồn nguyên liệu quý để gia tăng giá trị nông nghiệp. “Con cá tra không chỉ lấy thịt mà ngay cả mỡ cá, lòng cá, da của nó cũng rất quý, rất tiềm năng, làm nguyên liệu để sản xuất nhiều sản phẩm có giá trị cao”, ông lưu ý.
Thứ trưởng Nam khẳng định, dư địa khai thác phụ phẩm nông nghiệp là rất lớn, song phải có chính sách đi kèm. Bộ NN-PTNT sẽ bổ sung vấn đề này vào các đề án của ngành để thúc đẩy các doanh nghiệp, nhà khoa học, HTX, hiệp hội, nông dân tham gia. Khi đó, sẽ tạo ra ngành nghề mới ở nông thôn, thu hút nhiều lao động, người nông dân cũng có thêm thu nhập.