Bắt đầu từ năm 2005, Metro đã kết hợp với các đối tác xây dựng trạm trung chuyển rau quả tại Đà Lạt với quy trình khép kín từ khâu lựa chọn các trang trại đến việc tiến hành tập huấn sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn của Metro (Metro Requirements). Đến năm 2014, đã có trên 150 trang trại rau quả ở Đà Lạt tham gia dự án. Sau gần 9 năm áp dụng tiêu chuẩn sản xuất để xây dựng chuỗi cung ứng rau an toàn tại Đà Lạt, Metro đã tạo được vùng nguyên liệu an toàn cung cấp cho toàn bộ hệ thống hơn 11,000 tấn rau củ quả mỗi năm.
Tiếp nối thành công, từ tháng năm 2013 Metro bắt đầu hỗ trợ nông dân chuyển đổi sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP để phù hợp với yêu cầu của nhà nước và thị trường, nâng cao khả năng cạnh tranh cho sản phẩm nông nghiệp của nông dân Đà Lạt. Sau hơn 6 tháng thực hiện hơn 60% hộ nông dân trong chương trình đã chuyển đổi thành công và số hộ đạt tiêu chuẩn VietGAP sẽ tăng lên trên 80% trong cuối năm 2014.
|
Bà Phạm Thị Thu Cúc bên cạnh vườn mùi, là đối tác chính cung cấp nông sản cho Metro. |
Ông Nguyễn Văn Phúc, nông dân huyện Đơn Dương, Lâm Đồng, người đã tham gia dự án của Metro được 8 năm vừa đạt chứng nhận VietGAP trong tháng 2/2014 cho biết: “Sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP giúp rau quả tôi sản xuất ra được thị trường chấp nhận rộng rãi hơn, từ đó chúng tôi có thể tăng cơ hội bán hàng.”
|
Ông Đinh Xuân Toản, nông dân tại xã Đạ Ròn, Đơn Dương, Lâm Đồng bên vườn cà chua. |
Hiện nay việc áp dụng VietGAP giúp nông dân không những tăng năng suất nhờ vào các kỹ thuật canh tác mà còn giúp đảm bảo chất lượng, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.
Đối với nhiều nông dân sản xuất tự phát việc sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP gặp nhiều khó khăn. Người nông dân phải biết cách quản lý đất sản xuất, giống cây trồng, phân bón nước tưới, thu hoạch và xử lý sau thu hoạch hay vệ sinh cá nhân, nhà xưởng… Đây là những tiêu chuẩn cơ bản nhưng không phải nông dân nào cũng có thể thực hiện đạt yêu cầu.
Tuy nhiên đối với những hộ nông dân tham gia dự án liên kết sản xuất trước đó thì quá trình chuyển đổi gặp nhiều thuận lợi hơn. Nhóm hợp tác sản xuất tại Đạ Ròng, Đơn Dương Lâm Đồng cho biết trước đây khi hợp tác với Metro các quy trình như ghi chép nhật ký, quản lý giống, phân bón… khiến họ cảm thấy rắc rối vì đã quen với phương pháp canh tác cũ. Tuy nhiên khi quen với cách sản xuất này việc chuyển đổi qua VietGAP rất nhanh chóng và tiết kiệm được chi phí đầu tư ban đầu.
Ông Nguyễn Văn Phúc chia sẻ: “Tiêu chuẩn Metro và VietGAP tương đối giống nhau nên khi sản xuất theo tiêu chuẩn mới tôi thấy không gặp khó khăn. Ngoài ra Metro luôn duy trì hỗ trợ kỹ thuật và đánh giá, kiểm tra chất lượng nên chúng tôi luôn có những điều chỉnh kịp thời hơn.”
Bên cạnh hỗ trợ kỹ thuật, Metro đang tiếp tục hỗ trợ đầu ra cho nông sản sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Ông Lê Văn Tuấn, Quản lý thu mua tại Trạm trung chuyển Đà lạt cho biết: “Hiện nay sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP chiếm hơn 40% tổng sản lượng thu mua mỗi ngày và sẽ tăng mạnh trong cuối năm nay. Để tạo được nguồn cung ứng an toàn, chúng tôi đang tiếp tục hỗ trợ những hộ nông dân còn lại trong dự án để được cấp chứng nhận trong thời gian tới đồng thời duy trì phối hợp với bộ phận kỹ thuật để tư vấn và kiểm soát quá trình thực hiện VietGAP tại các nông trại đã đạt chứng nhận.”
VietGAP không còn là khái niệm mới mẻ với nông dân nhưng được một đơn vị đầu tư và hỗ trợ kỹ thuật để được cấp chứng nhận và đảm bảo đầu ra cho nông sản như Metro chỉ chiếm một tỉ lệ nhỏ. Thành công có được từ sự hỗ trợ chuyển đổi này giúp nông dân đặt niềm tin cao hơn về nông sản sạch, trang bị đầy đủ những kiến thức chuyên môn, làm giàu được trên chính mảnh đất của mình.