MCredit của MBBank lãi lỗ như nào khi nợ xấu khủng?

Google News

Dư nợ cho vay khách hàng của MCredit khoảng 11,13 nghìn tỷ đồng. Nợ xấu theo tính toán lên tới 755 tỷ đồng, chiếm đến 6,78% tại thời điểm cuối tháng 9.

Ngân hàng TMCP Quân đội (HoSE: MBB) đã công bố báo cáo tài chính quý 3/2021 với tổng thu nhập từ hoạt động dịch vụ của MBB đạt 2,6 nghìn tỷ đồng, mặc dù tăng 31% so cùng kỳ nhưng lại giảm 20% so kỳ trước. Kết quả này chủ yếu đến từ doanh thu phí bảo hiểm khi đạt 1,8 nghìn tỷ đồng (tăng 4%).
Mặc dù MBB tiếp tục đẩy mạnh trích lập dự phòng với chi phí dự phòng tăng vọt 101% so với cùng kỳ nhưng ngân hàng vẫn đạt kết quả tích cực với lợi nhuận hơn 3 nghìn tỷ đồng, tăng 28% so cùng kỳ.
Trong đó, về công ty con của MBB, ngoại trừ MCredit, tất cả đều đạt tăng trưởng mạnh trong quý 3/2021.
Cụ thể, trong quý 3/2021, lợi nhuận trước thuế của MCredit suy giảm 7% so cùng kỳ, về còn 84 tỷ đồng. Tuy nhiên nhờ các quý trước khá khẩm nên lũy kế 9 tháng đạt 430 tỷ, gấp 2 lần cùng kỳ.
MCredit cua MBBank lai lo nhu nao khi no xau khung?
 
Tính đến 30/9/2021, tổng tài sản của MBB tăng 12% so với đầu năm, lên gần 555,6 nghìn tỷ đồng. Trong đó, cho vay khách hàng tăng 13% lên 336,4 nghìn tỷ đồng.
Đáng nói, chất lượng tài sản của MBB suy yếu, nhưng chưa đến mức đáng báo động. Tại ngày 30/9, nợ xấu của ngân hàng hợp nhất là 3.186 tỷ đồng, giảm nhẹ khoảng 2% so với đầu năm. Trong đó, nợ nhóm 2 và nợ xấu tăng lên 1,1% và 0,95% tổng dư nợ cho vay so mức từ 0,75% và 0,76% vào cuối quý 2/2021.
Dù vậy, so với đầu kỳ, tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay khách hàng của MBB giảm từ 1,09% của đầu kỳ xuống 0,95%.
Trong khi đó, theo BCTC riêng lẻ, nợ xấu tại ngân hàng mẹ cuối tháng 9 là 2,4 nghìn tỷ đồng, giảm 6,43% so với đầu năm. Như vậy, ước tính nợ xấu tại công ty con MCredit là khoảng 755 tỷ đồng.
Tổng dư nợ cho vay cuối tháng 9 của MBB hợp nhất là 336,4 nghìn tỷ đồng. Trong đó, dư nợ cho vay của ngân hàng riêng lẻ là 318,3 nghìn tỷ, 6,99 nghìn tỷ cho vay tại MBS.
Theo đó, ước tính, dư nợ cho vay khách hàng của MCredit là khoảng 11,13 nghìn tỷ đồng. Trong khi đó, nợ xấu của MCredit theo tính toán lên tới khoảng 755 tỷ đồng, chiếm đến 6,78% tổng dư nợ cho vay khách hàng của công ty tài chính này. Tỷ lệ này tăng khá mạnh so với mức hồi đầu năm - chỉ xấp xỉ 6%.
MBB trích lập thêm 1,8 nghìn tỷ đồng, nâng tổng chi phí dự phòng lên 7,4 nghìn tỷ đồng. Cần lưu ý rằng MBB đã duy trì chi phí tín dụng ở mức hơn 2% từ 2020 đến nay, nâng tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu từ 110% tại cuối năm 2019 lên 233%. Trong đó, tỷ lệ bao nợ xấu của MCredit cũng lên tới 44%.
Được biết, ban lãnh đạo MBB dự kiến dư nợ MCredit tăng trưởng 20% trong năm 2021 trong khi lợi nhuận được kỳ vọng tăng gấp đôi nhờ hợp tác với ViettelPay và bán hàng qua kênh số của ngân hàng mẹ.
 MCredit được thành lập ngày 10/3/2016 với vốn điều lệ 500 tỷ đồng do MBB sở hữu 100% vốn. Tháng 10/2017, MCredit hoàn tất thủ tục liên doanh với đối tác Nhật Bản Shinsei Bank, đổi tên thành Công ty Tài chính TNHH MBB Shinsei. Đến tháng 3/2018, MCredit tăng vốn điều lệ lên mức 800 tỷ đồng, trong đó MBB vẫn giữ tỷ lệ góp vốn 50%.
Minh An

>> xem thêm

Bình luận(0)