Cuối tuần trước, một số thông tin cho hay chiếc máy bay Boeing B727-200 vô chủ ở sân bay Nội Bài đã được mở cửa, để bước đầu phục vụ công tác thẩm định giá trước khi đem ra đấu giá.
Nhiều chuyên gia hàng không nhận định chiếc máy bay đã cũ, khó có thể đưa vào khai thác bay nên nhiều khả năng phải đấu giá theo giá sắt vụn. Dự kiến nếu tháo rời các linh kiện của chiếc Boeing B727-200 này để bán từng phần, số tiền thu về có thể khoảng 10 tỷ đồng.
|
Chiếc Boeing B727-200 đã bị bỏ hoang tại sân bay Nội Bài 7 năm, xuống cấp nghiêm trọng. Ảnh: Người Lao Động. |
Nếu những bên có ý định mua chiếc máy bay cũ này trả được giá thấp hơn 10 tỷ đồng thì riêng bán linh kiện tháo rời đã có lời. Khả năng này là không cao. Tuy nhiên, độc giả đã có nhiều ý tưởng kinh doanh thú vị nếu đấu giá thành công và mua được chiếc máy bay về.
Theo một độc giả, nếu mua được chiếc máy bay cũ này về, khách mua có thể làm studio chụp ảnh cưới và thu hồi vốn rất nhanh. Theo tính toán của độc giả này, nếu mua được máy bay với giá 10 tỷ đồng bao gồm phí vận chuyển, một tháng vận hành đã có thể thu về lợi nhuận 11,5 tỷ đồng bao gồm doanh thu từ dịch vụ chụp ảnh cưới quanh máy bay và các dịch vụ đi kèm, đã trừ đi chi phí như thuê đất, thuê nhân viên ...
Rất nhiều độc giả tán thành ý tưởng trên. Tuy nhiên, không ít cho rằng ý tưởng này chỉ là lý thuyết.
Độc giả Jiu Chan Lee bày tỏ: "Tại sao không bỏ ra 2-5 tỷ so với 10 tỷ (có thể thấp hơn rất nhiều lần) để thuê một công ty cơ khí làm mô hình máy bay tương tự để làm những việc như trên. Thuê gia công làm mô hình mình có thể làm theo ý mình và chất lượng tốt hơn".
Trong khi đó, rất nhiều độc giả lại chung ý tưởng kéo chiếc máy bay về nội thành để làm nhà hàng, quán cà phê. Độc giả Liberty K cho rằng máy bay Boeing cũ có thể đưa về "làm thành nhà hàng, hay một nơi lạ lẫm sẽ rất thu hút, đặt nó giữa cánh đồng và mở một nhà hàng thủy hải sản và các quán ăn quán nhậu xung quanh, tôi nghĩ là sẽ rất là thành công".
Chung ý kiến với độc giả trên, tài khoản Thai Huynh thắc mắc "để bán nguyên con để người ta có thể cải tạo làm nhà hàng, quán cafe, mắc gì tốn kém công phá ra?".
Thậm chí còn có những ý tưởng kinh doanh táo bạo là mua về bán sắt vụn các phần khác của máy bay, chỉ giữ lại và sửa sang khoang lái để các trường dạy phi công thuê cho học viên thực hành.
Không lạc quan như chủ nhân các ý tưởng trên, nhiều độc giả cho rằng đưa được chiếc máy bay cũ ra khỏi sân bay đã là chuyện quá khó và quá tốn kém, chưa nói đến việc đưa về tới nội thành.
Với tính kinh tế không cao, phương án di dời máy bay khỏi sân bay rất khó xảy ra và nhiều khả năng người thắng đấu giá vẫn sẽ phải tách rời chiếc máy bay để bán linh, phụ kiện.
Chia sẻ với Zing.vn, chuyên gia hàng không Lương Hoài Nam cho hay các ý tưởng trên đều rất táo bạo và độc đáo. Cũng theo ông Nam, việc vận chuyển mây bay ra khỏi Nội Bài sẽ không dễ dàng, cần tháo rời nhiều bộ phận như cánh, càng rồi xin giấy phép vận chuyển đặc biệt từ bộ GTVT để đưa về nội thành bằng xe tải siêu trường nhưng không phải là bất khả thi.
|
Chiếc B727-200 khi còn mới. Ảnh: VEF. |
Chiếc máy bay Boeing vô chủ đỗ ở Nội Bài này mang tên Air Dream thuộc Hãng hàng không Royal Khmer Airlines (RKA), quốc tịch Campuchia, khai thác tuyến Hà Nội - Siem Reap - Hà Nội vì sự cố đã đỗ lại sân bay quốc tế Nội Bài từ tháng 5/2007.
Phía cơ quan quản lý hàng không Việt Nam đã nhiều lần trao đổi với đại diện Royal Khmer Airlines để triển khai khắc phục sự cố và di dời máy bay. Tuy nhiên, hãng này không thực hiện cũng như không liên hệ lại.
Ủy ban Nhà nước về hàng không dân dụng Campuchia sau đó đã thông báo việc giấy chứng nhận khai thác máy bay của hãng hàng không Royal Khmer Airlines đã bị thu hồi. Chiếc máy bay B727-200 trên đã bị xóa đăng ký quốc tịch Campuchia và Việt Nam có thể xử lý tàu bay này theo các quy định của pháp luật Việt Nam.
Do bị bỏ hoang, máy bay này hiện đã xuống cấp trầm trọng và tiền phí lưu trú sân bãi của chiếc B727-200 này đã lên tới hơn 600.000 USD (khoảng 13 tỷ đồng) trong 7 năm.
Tháng 2/2017, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đã chấp thuận phương án đấu giá đối với máy bay và giao Bộ Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện bán đấu giá tài sản theo đúng quy định.