Ly kỳ chuyện trèo núi, vào thung sâu săn loài gà rừng má đỏ

Google News

Miền sơn cước Cao Bằng không chỉ nổi tiếng với những địa danh, thắng cảnh mà còn bởi những đặc sản của thiên nhiên. Trong đó, gà rừng được những nhóm, hội, câu lạc bộ và một bộ phận người dân yêu thiên nhiên ví như một sản vật miền sơn cước bởi quý, lạ, độc đáo.

SĂN GÀ RỪNG... LẮM CÔNG PHU
Ngồi trước căn chòi bên bìa rừng tại xã Ngũ Lão (huyện Hòa An), Lương Hà - một thợ săn gà rừng "chính hiệu" nhìn xa xăm ra cánh đồng bát ngát. Trong tĩnh lặng của thiên nhiên, bất chợt có tiếng "e... e..." rộn vang của một con gà rừng tìm bạn tình. Đó cũng là thời điểm những thợ săn gà rừng lên đường chinh phục đồi núi, luồn rừng để săn gà rừng. Thông thường, mùa đi săn của những thợ săn gà rừng “chuyên nghiệp” bắt đầu từ tháng 11 đến hết tháng 5 năm sau.
Miền sơn cước Cao Bằng không chỉ nổi tiếng với những địa danh, thắng cảnh mà còn bởi những đặc sản của thiên nhiên. Trong đó, gà rừng được những nhóm, hội, câu lạc bộ và một bộ phận người dân yêu thiên nhiên ví như một sản vật miền sơn cước bởi quý, lạ, độc đáo.
Để săn được gà rừng không hề đơn giản. Trước tiên phải có được mồi để nhử gà rừng. Gà mồi có thể là gà đã được thuần dưỡng bán qua tay hoặc gà "đúc" - một thuật ngữ những người chơi gà rừng nói đến gà thế hệ F1 được lai giữa gà rừng và gà nhà. Còn nếu bẫy được gà rừng để luyện thành gà mồi thì rất khó.
Gà rừng sau khi bẫy về nhốt vào chuồng sẽ không biết ăn, không biết uống nước và nhát người. Chúng bay loạn xạ, húc đầu vào vách chuồng làm tróc đầu, rụng lông cánh và sau một thời gian ngắn sẽ chết. Để luyện gà, thợ săn sẽ nhốt chung với một con gà mái nhỏ.
Thức ăn được chăn gà rừng chủ yếu là cào cào, châu chấu, dế, quả... Thấy gà nhà ăn uống, chúng sẽ ăn cùng. Tính bình quân, những thợ săn gà có 5 con gà sẽ huấn luyện được 2 con gà mồi. Con gà mồi chuẩn là những con có bộ lông đỏ tươi, cổ cườm, chân chì thon, đuôi và thân dài bằng nhau, lông đuôi có 4 lông phụ và 2 lông chính, đuôi xòe như quạt nan, mào cao thẳng đứng, mỏng.
Gà rừng có giọng gáy khàn, âm gắt và không kéo dài. Để săn gà phải hiểu được đặc tính, tập quán sinh hoạt của gà rừng. Gà chủ yếu sống ở rừng cây bụi thấp, tiếp giáp các nương rẫy hay ruộng bậc thang và có nguồn nước. Gà chủ yếu sống theo đàn, trong đó chỉ có một con trống và nhiều con mái. Chúng hoạt động chính vào 2 thời điểm trong ngày, như sáng sớm và xế chiều. Buổi tối gà tìm đến những cây cao có tán lớn để ngủ...
Ly ky chuyen treo nui, vao thung sau san loai ga rung ma do
Gà rừng. 
Hà đang giảng giải cho chúng tôi, chợt có tiếng vỗ cánh, từ trong lùm cây xa, một con chim trống cổ màu đỏ da cam, lưng và cánh đỏ thẫm, ngực, bụng và đuôi đen vỗ cánh bay. Thấy chúng tôi tiếc rẻ, Hà khẳng định sẽ bắt được vài con.
Tương tự Hà, Việt cũng là một thợ săn gà rừng chính hiệu. Chúng tôi gặp Việt trong ngôi nhà nhỏ nằm dưới một chân núi tại xóm Lũng Luông (huyện Quảng Uyên). Việt khoe vài bộ bẫy giò chuyên dùng. Anh săn gà rừng bởi niềm vui và sự yêu thích, không phải ham muốn ẩm thực như những tay săn "nghiệp dư".
Sau nhiều lần nài nỉ, anh đồng ý cho chúng tôi theo săn cùng. Việt nhắc chúng tôi phải mặc trang phục màu cỏ úa hoặc màu lá rừng để không bị lộ trong quá trình săn gà, chân đi giày đế cứng để có thể leo núi và phải mang theo một chiếc mũ lưỡi trai tối màu. Mờ sớm hôm sau, khi tất cả cảnh vật đều đang tĩnh lặng, Việt gọi chúng tôi thức dậy.
Chiếc xe máy chúng tôi rẽ vào một đường cấp phối dẫn vào rừng. Đến một đoạn đường nhỏ thì dừng lại, Việt bảo: "Giờ phải đi bộ thôi, không đi xe được nữa". Rồi anh dựng xe, nhấc chiếc lồng gà xuống, vai đeo ba lô và bảo chúng tôi theo sau. Trời bắt đầu hửng sáng, bỗng từ đằng xa vọng đến tiếng gà rừng gáy, Việt quan sát bốn phía rồi thoăn thoắt men theo một đoạn dốc xuống một con suối.
Tới khoảng đất bằng phẳng cách đó khoảng 15 m, anh lấy từ trong ba lô một con dao gấp sắc bén, gạt lớp lá khô, cắt những ngọn cỏ non dưới chân, sau đó nhẹ nhàng mang con gà mồi ra khỏi lồng, khéo léo đặt xuống nền đất đã chuẩn bị. Con gà mồi một chân được buộc nối với một đoạn dây dù, đầu còn lại được Việt buộc cố định vào một thân cây chắc chắn. Sau đó Việt mang chiếc bẫy giò với 20 chiếc mắt bẫy, cắm cách chú gà mồi 3 - 5 m.
Việt cắm mắt bẫy quanh gà mồi, thấy chúng tôi có vẻ tò mò, Việt giải thích: "Vì gần bờ suối nên gà sẽ đến khu đất này để tìm thức ăn và nước uống vào buổi sáng. Bản tính của loài gà là ghét nhau tiếng gáy, mỗi một con gà trống rừng đều có lãnh địa riêng, để bảo vệ lãnh địa và những con mái, lát nữa kiểu gì cũng có gà rừng bay đến đây".
Thông thường các thợ săn cắm bẫy theo kiểu số 8, tùy vào từng địa hình và kinh nghiệm đi săn lại có cách đặt bẫy khác nhau. Với địa hình dốc thì phải đặt bẫy hình chữ W, địa hình rậm rạp thì phải đặt bẫy hình số 6... Thế mới biết, để bắt được một con gà rừng không hề đơn giản chút nào.
Sau khi cắm bẫy giò xong, Việt lấy lớp lá khô phủ lên những mắt bẫy một cách khéo léo, sau đó anh bảo chúng tôi núp vào một lùm cây cách đó vài mét để quan sát. Con gà mồi lặng lẽ đi vòng quanh khu vực đã được cố định bởi dây dù, bới lớp cỏ bên dưới, rồi mổ lấy những lớp lá non xanh trên mặt đất.
Độ 15 phút, thấy gà mồi không chịu gáy, Việt lấy ra một chiếc đài cassette nhỏ và mở. Từ trong đài vọng ra là tiếng gà gáy. Rồi con gà mồi nghiêng nghiêng đầu cất tiếng gáy theo. Chừng 5 phút sau, tiếng của một con gà rừng gần đó vọng lại. Tiếng gà rừng mỗi lúc một to và rõ hơn, nhưng 3 con gà cứ vọng qua đáp lại như vậy chừng đến 20 phút.
Đột nhiên có con gà rừng với bộ lông óng mượt bay đến, đứng từ xa quan sát gà mồi. Với dáng vẻ kiêu hãnh và chắc chắn, con gà rừng như muốn khẳng định đây là lãnh địa của mình. Con gà mồi cũng đứng thẳng, ngửa đầu và cất tiếng gáy, dấu hiệu một trận chiến chuẩn bị bắt đầu.
Từ xa, con gà rừng dang đôi cánh to khỏe bay đến, co chân lên với đôi móng sắc lẹm như dao. Theo phản xạ, con gà mồi cũng cất cánh bay lên, vươn đôi chân của mình về phía đối thủ. Rồi rất nhanh, con gà rừng khựng lại, chân mắc phải một mắt bẫy và giãy dụa, đập cánh liên tục. Chỉ đợi có thế, Việt từ lùm cây lao ra nắm lấy đôi cánh của chú gà rừng. Khung cảnh lúc này đã sáng rõ, một vài cơn gió thổi qua mang theo cái tươi mát của một buổi sáng mùa thu dịu nhẹ.
ĐƯA SẢN VẬT TỪ RỪNG VỀ PHỐ
Hiện nay, gà rừng tại tỉnh Cao Bằng tương đối nhiều, trải rộng trên khắp các địa bàn. Theo những người chơi gà rừng, thì gà rừng ở Cao Bằng và miền Bắc là gà má đỏ. Từ miền Trung trở vào Nam là gà rừng má trắng. Con đực rất đẹp và có trọng lượng trên 1 kg, con cái chỉ màu xám hoặc nâu và nhỏ từ 0,3 - 0,5 kg. Đối với những người yêu thích gà rừng, họ bẫy được gà không mang về ăn mà chủ yếu nuôi chơi, bán làm cảnh.
Tại Cao Bằng đã thành lập Hội gà rừng mồi với trên 700 hội viên. Đây là nhóm sở thích tự nguyện thành lập nhằm trao đổi kinh nghiệm chăm sóc, chăn nuôi, nhân giống gà rừng; giao lưu, mua bán gà rừng... Hiện nay, việc săn gà rừng không còn là mưu sinh mà đã là thú vui tao nhã. Những thợ săn gà rừng thường thuần hóa gà rừng bẫy được để làm con mồi, nhân giống với gà thế hệ F1 nhằm tạo đàn và bán con giống.
Gà rừng sau khi bắt về sẽ được nuôi thuần hóa từ 1 - 2 tháng, sau đó được bán với giá từ 700 nghìn đồng đến 5 triệu đồng, tùy vào vẻ đẹp và cân nặng của mỗi con gà. Gà từ môi trường tự nhiên nuôi ở nhà rất khó. Để quen với cách nuôi thả vườn, ban đầu người nuôi gà nhốt từng lồng riêng sát bìa rừng, sau đó mới thả rông.
Gà phải nhốt ghép chung chuồng với nhau theo cặp trống mái để tránh gà đá nhau. Từ 1 - 3 tuần đầu, phải dùng vải che bớt ba mặt chuồng cho gà rừng bớt hoảng loạn. Khi gà ăn được thóc, gạo và bột tổng hợp rồi mới chăn cám, không thì gà sẽ bị bệnh phân trắng, dễ chết. Cứ nuôi ghép khoảng 1,5 - 2 tháng là gà rừng sẽ đẻ trứng và ấp.
Gà rừng làm tổ đơn giản, trong lùm cây bụi, hoặc chủ nuôi làm ổ. Gà mỗi năm đẻ một lứa, mỗi lứa đẻ 5 - 10 trứng. Sau khi gà con nở phải giữ đủ ấm 1 - 2 tuần đầu, không để cho quá nhiều người tiếp xúc. Khoảng 1 tháng thì tách đàn gà con khỏi gà mẹ. Nuôi nhốt riêng, chăn rau hoặc cám để gà con thích nghi dần với con người.
Sau 1 tuần thì có thể đem gà rừng con ra chăn thả tự nhiên như gà nhà. Tuy nhiên phải chú ý theo dõi thường xuyên vì tỉ lệ sống của giống gà con lai không được cao. Theo Hà, mỗi năm anh bẫy được hơn chục con gà rừng, có năm được trên hai chục con. Còn Việt không nhớ đã săn được bao nhiêu con gà rừng nhưng chính những chú gà rừng lại là nguồn thu nhập giúp anh nuôi sống cả gia đình.
Tuy nhiên các anh có cùng quan điểm, dù bán gà rừng để chơi hay để làm kinh tế, nhưng nếu biết người mua đem về thịt ăn thì không bán. Đàn gà con lai giữa gà rừng và gà nhà cũng có giá trị kinh tế cao về chất lượng thịt, trứng và màu sắc. Hiện nay Việt và một số thợ săn gà rừng đang ấp ủ dự định sẽ mở gia trại gà rừng phối giống để nâng cao thêm thu nhập cho gia đình. Quả thực, săn gà rừng là một nghề vất vả và có nhiều rủi ro, nhưng giá trị mà gà rừng đem lại thì chẳng hề nhỏ chút nào.
Hiện nay, gà rừng Cao Bằng khi được bày bán hay trình diễn đều có sức hút đối với người dân. Mỗi lần được tận mắt nhìn thấy, tận tay chạm vào loại gà quý này, ai cũng đều cảm thấy mê hoặc. Và nhân văn hơn, khi những thợ săn gà rừng đang làm cho sản vật miền sơn cước được nhiều người biết đến và cũng tìm cách để nhân giống, quảng bá và tạo môi trường cho chúng sinh tồn giữa miền non nước Cao Bằng.
Theo Quyết Tiến-Thủy Tiên /Báo Cao Bằng

>> xem thêm

Bình luận(0)