Thanh Hương đặt mua 10 con cua lột trên hội nhóm Chợ hải sản Hà Nội để đãi khách tới chơi nhà. Vì không có kinh nghiệm mua hải sản, do vậy, cô lựa chọn mua hàng ở những bài đăng nhiều lượt tương tác. Bởi lẽ, Hương cho rằng vì không biết chọn nên nếu có đến trực tiếp cửa hàng, cô cũng khó chọn được hải sản ưng ý.
Lần đầu tiên, Thanh Hương đặt niềm tin ở cửa hàng quảng cáo 35.000 đồng/con "cua mềm từ đầu đến chân, ăn không vứt đi tí nào, gạch vàng ươm thịt béo ngậy. Chiên giòn hoặc làm bánh cua rất ngon". Ngoài ra, người bán cho biết nếu hàng không chuẩn sẽ không bán, do vậy, khách có thể hoàn toàn yên tâm.
Hương mua 10 con cua với giá 330.000 đồng, thêm 40.000 đồng tiền vận chuyển. Tổng cộng, cô phải chi trả 370.000 đồng, rẻ hơn khoảng 50.000 đồng nếu tự đi mua trực tiếp.
|
Cua lột được quảng cáo rầm rộ trên các hội nhóm về hải sản (Ảnh: Đậu HS).
|
Tuy nhiên, khi nhận hàng, Hương nói thất vọng não nề. Khác xa với quảng cáo, cua lột được ship đến rất mềm, có con chảy nước với mùi khó chịu. Khi phản hồi tới chủ quán, người này khẳng định "cua lột là phải mềm" và cho biết sản phẩm của mình đúng với quảng cáo.
Để không tốn thời gian tranh cãi, Hương bỏ hết số cua vừa mua và quyết định ra khỏi tất cả các hội nhóm bán hải sản vì quá thất vọng.
Thanh Hương không phải trường hợp đầu tiên gặp vấn đề khi mua hải sản online. Trước đó, Tùng Linh từng đăng bài công khai trên trang cá nhân để "kiện" cửa hàng bán ghẹ trên một hội nhóm. Theo quảng cáo của cửa hàng, ghẹ tươi, chắc thịt, là hàng mới nhập và cam kết đổi trả nếu hàng kém chất lượng.
Tuy nhiên, sau khi Linh nhận đơn đặt hàng 6 con ghẹ cỡ lớn thì chỉ 2 con đạt chất lượng, 4 con còn lại khá ọp, nhiều nước, ít thịt và nhẹ hơn cân nặng phía cửa hàng quảng cáo. Khi đề nghị được đổi con khác, đơn vị này cho biết Tùng Linh không báo ngay sau khi nhận hàng mà gần 2 giờ đồng hồ sau mới báo nên cửa hàng không chịu trách nhiệm.
Đây là trải nghiệm quá tệ của Tùng Linh khi mua hàng thực phẩm online. Cô nói vì quá tin tưởng người bán nên lúc nhận hàng không kiểm tra ngay. Ai ngờ, đây chính là lý do để người bán vin vào và không cho khách đổi trả hàng.
Tùng Linh cho rằng mua đồ ăn online tiềm ẩn những rủi ro, đặc biệt là những mặt hàng tươi sống như hải sản. Bởi lẽ, khi quảng cáo, đơn vị nào cũng dùng những lời hay ý đẹp để miêu tả về sản phẩm. Ngoài ra, họ thường cam kết hàng giống ảnh và cho khách hàng đổi trả nếu không ưng ý.
Trên thực tế, có những cửa hàng bán đồ ăn online uy tín, sản phẩm chất lượng với giá cả hợp lý. Dù thế, những cửa hàng này hầu hết bán lâu năm, được nhiều phản hồi tốt từ phía khách hàng. Tuy nhiên, cô chia sẻ cũng có không ít cửa hàng làm việc với tiêu chí chộp giật, treo đầu dê, bán thịt chó và không có tâm.
|
Hải sản ngon, bổ, rẻ được quảng cáo nhiều trên các hội nhóm (Ảnh: Hương Ly).
|
Tùng Linh nói, kể từ sau mùa dịch Covid-19, xu hướng mua đồ ăn online ngày càng phát triển. Không thể phủ nhận sự tiện lợi của việc mua thực phẩm trên mạng dành cho những người bận rộn, tuy vậy, mọi người hãy thận trọng lựa chọn đơn vị bán hàng uy tín để tránh mất tiền và mua bực vào thân.
Đầu tiên, hãy lựa chọn người bán uy tín bằng cách tìm những cửa hàng đã bán được khoảng thời gian nhất định, nhiều tương tác và có phản hồi tốt từ khách hàng.
Tiếp theo, không nên thanh toán trước đơn hàng. Hãy yêu cầu đơn vị này ship hàng dưới hình thức COD (nhận hàng mới thanh toán). Người mua hãy kiểm tra hàng trước mặt shipper ngay khi vừa nhận hàng, nếu không ưng ý, hãy thanh toán phí ship và gửi lại hàng.
Ngoài ra, hiện nay, đa phần các siêu thị đều có mặt trên các ứng dụng đi chợ hộ. Mọi người có thể thuê shipper đi chợ theo yêu cầu của mình. Việc mua hàng tại các siêu thị lớn phần nào sẽ giúp yên tâm hơn mua trên các hội nhóm trôi nổi.
Cuối cùng, Tùng Linh cho rằng nếu có thể, mọi người hãy mua thực phẩm tươi sống trực tiếp tại cửa hàng. Như vậy, bên cạnh việc được sờ tận tay, xem tận mắt, khách hàng có thể thương lượng giá trực tiếp với chủ cửa hàng để được mua hàng với giá ưu đãi so với mức giá đăng công khai trên mạng.