Liều ôm vàng lúc đỉnh
Ngày 8/3, giá vàng được các công ty kinh doanh vàng bạc điều chỉnh tăng liên tục và lập đỉnh mới 74 triệu đồng/lượng. SJC niêm yết tại thị trường Hà Nội ở mức giá 71,8 triệu đồng/lượng (mua vào) và 73,42 triệu đồng/lượng (bán ra). Còn Tập đoàn Vàng bạc đá quý Doji cũng điều chỉnh giá bán vàng tăng mạnh, lên mức 72 triệu đồng/lượng (mua vào) và 74 triệu đồng/lượng (bán ra).
Không chỉ bán chốt lời, với kỳ vọng giá vàng sẽ tiếp tục tăng, nhiều người cũng tìm đến mua vàng tại thời điểm này. Ghi nhận tại các công ty vàng cho thấy, số lượng giao dịch mua vào - bán ra tăng mạnh. Tại hệ thống cửa hàng vàng của Bảo Tín Minh Châu, số lượng giao dịch vàng tăng gần 50%.
Giá vàng tăng làm cho một số nhà đầu tư, “đầu cơ” đổ xô mua vàng “lướt sóng” kiếm lời, từ đó một lương tiền lớn sẽ chuyển vào kinh doanh vàng. Thấy vàng tăng chóng mặt, chị Nguyễn Thị Hải (Hà Đông, Hà Nội) vội rút tiết kiệm hơn 1 tỷ đồng để mua vàng. Chị Hải cho hay, mấy năm nay thấy vàng tăng nhưng không ngờ tăng mạnh như từ đầu năm tới nay. Nhìn vàng tăng, chị Hải cảm thấy nóng ruột, nên muốn đầu tư.
|
Lỗ trăm triệu khi đu đỉnh giá vàng 74 triệu đồng/lượng |
Chị rút số tiền gửi tiết kiệm để đi mua vàng giá 74,4 triệu đồng/lượng với hy vọng vàng sẽ còn tăng tiếp. Tuy nhiên, niềm vui không tới, giá vàng nhanh chóng giảm những ngày sau đó.
Do” đu đỉnh" mua vàng ở mức 74,4 triệu đồng/lượng vào hôm 8/3, chỉ hai ngày sau, chị Hải đã lỗ 8,9 triệu đồng/lượng. Bỏ số tiền hơn 1 tỷ mua vàng, chị Hải đã lỗ hơn 100 triệu đồng.
Kết thúc phiên giao dịch hôm qua, giá vàng miếng 9999 tại SJC Hà Nội là 68 triệu đồng/lượng (mua vào)- 69,82 triệu đồng/lượng (bán ra). SJC TP.HCM niêm yết ở mức 68 triệu đồng/lượng (mua vào) và 69,8 triệu đồng/lượng (bán ra).
Còn tại Doji Hà Nội, giá vàng SJC có giá 67,6 triệu đồng/lượng (mua vào) và 69,8 triệu đồng/lượng (bán ra). Giá vàng tại Doji TP.HCM là 67,8 triệu đồng/lượng (mua vào) và 69,8 triệu đồng/lượng (bán ra).
Theo chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu, người dân không nên đầu cơ, "lướt sóng" vàng trong thời gian ngắn bởi thị trường vàng rất bất định, không thể biết được giá vàng lên xuống như thế nào.
Ông Hiếu phân tích, chỉ tính riêng trong vòng 1 tháng qua, giá vàng SJC tăng khoảng 23%, trong khi giá vàng thế giới chỉ tăng 7%, thấp hơn nhiều so với tốc độ của giá vàng trong nước.
Chênh lệch quá lớn
Giá vàng tăng khiến cho chênh lệch giứa giá vàng thế giới và trong nước ngày càng lớn. Ngày 8/3, giá vàng thế giới chạm ngưỡng 2.025 USD/ounce rồi giảm về mốc 2.012 USD/ounce. Theo tỷ giá quy đổi hiện hành, giá vàng thế giới tương đương 55,8 triệu đồng/lượng.
Thời điểm cao nhất, giá vàng miếng trong nước cao hơn giá vàng miếng thế giới gần 20 triệu đồng/lượng. Sau khi quay đầu lao dốc vào cuối phiên giao dịch ngày 8/3, giá vàng miếng trong nước vẫn cao hơn giá vàng thế giới khoảng 17 triệu đồng/lượng.
|
Biểu đồ giá vàng SJC tuần qua |
Cùng mốc giá 2.000 USD/ounce của vàng thế giới nhưng giữa năm 2021, giá vàng miếng trong nước ở mức khoảng 62 triệu đồng/lượng. Giá vàng trong nước hiện nay tăng lên tới gần 74 triệu đồng/lượng.
Dù giá vàng trong nước đã lùi về mốc trên 68 triệu đồng/lượng sau những ngày liên tục tăng “nóng”, có những phiên tăng hơn 3 triệu đồng/lượng, tương đương 4% nhưng khoảng cách giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới vẫn duy trì ở mức cao.
Theo nhiều chuyên gia, giá vàng trong nước có sự chênh lệch với giá thế giới từ nhiều năm trước, tuy nhiên mức chênh này thường không quá 10% nếu quy đổi theo tỷ giá ngân hàng. Tuy nhiên, trong vòng một năm trở lại đây, giá vàng trong nước thường cao hơn thế giới từ 10-15%.
Nhiều chuyên gia nhận định mức chênh lệch “khủng khiếp” như trên sẽ đẩy rủi ro rất lớn về phía nhà đầu tư.
Theo chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu, chênh lệch giá vàng kỷ lục hiện nay không ảnh hưởng đến nền kinh tế như những năm trước. Bởi trước đây, khi giá vàng trong nước cao hơn thế giới gia tăng đồng nghĩa với lực mua vàng trên thị trường tăng cao, nhiều người dân rút tiết kiệm mua vàng đồng thời giá USD cũng tăng mạnh. Còn hiện nay, nhu cầu mua vàng của người dân không có hoặc có ở mức thấp, không tác động đến nguồn vốn huy động của các ngân hàng. Giá USD lại có xu hướng giảm những ngày gần đây.
Thống kê của Vndirect chỉ ra rằng, mỗi khi sự kiện xung đột và căng thẳng địa chính trị diễn ra thì giá vàng thường lập đỉnh trong vòng 2-3 tuần sau đó, với mức tăng bình quân khoảng 4,3%. Sau đó, giá vàng có xu hướng quay đầu giảm khi tình hình căng thẳng hạ nhiệt.
Trên cơ sở này, các chuyên gia của Vndirect nhận định, trong khoảng 3-12 tháng, tác động của sự kiện đến giá vàng sẽ "phai nhạt". Động lực khi đó của giá vàng sẽ phụ thuộc vào các số liệu kinh tế và chính sách tiền tệ nhiều hơn.