Mới đây, Công ty Cổ phần Ánh Dương Việt Nam (Vinasun), đơn vị kinh doanh dịch vụ taxi lớn nhất thị trường phía Nam, đã công bố báo cáo kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm.Hầu hết chỉ số kinh doanh của Vinasun trong nửa đầu năm đều tụt dốc so với cùng kỳ. Nguyên nhân nhiều lần được ban lãnh đạo hãng taxi này đưa ra là áp lực cạnh tranh "thiếu lành mạnh" từ những ứng dụng công nghệ gọi xe taxi trên di động như Uber và Grab.
Cụ thể, chỉ tính riêng trong quý II, doanh thu hợp nhất của Vinasun đã giảm 28% so với cùng kỳ, đạt 810 tỷ đồng. Lãi gộp giảm 27% chỉ còn 116 tỷ đồng. Đây cũng là đà giảm lợi nhuận mạnh nhất của hãng taxi này kể từ khi chịu sự cạnh tranh từ Uber và Grab.
Trong quý II/2017, lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh đạt 11,6 tỷ đồng, giảm tới 80% so với cùng kỳ. Nhờ có khoản tiền lãi từ thanh lý xe cũ mà lãi trước thuế trong quý II của hãng chỉ giảm 42%, đạt gần 59 tỷ đồng.
|
Kết quả kinh doanh của Vinasun từ năm 2010 đến nay. Đồ họa: Quang Thắng.
|
Lũy kế 6 tháng đầu năm, Vinasun đạt 1.903 tỷ đồng doanh thu, giảm 16%. Trong đó, doanh thu từ kinh doanh taxi vẫn chiếm tỷ trọng hơn 90%. Tuy nhiên, nếu tính riêng doanh thu từ kinh doanh taxi của công ty mẹ Vinasun, nửa đầu năm doanh thu của hãng đã giảm gần 500 tỷ đồng.
Tổng lợi nhuận hợp nhất toàn công ty ghi nhận 128 tỷ đồng, giảm 32%, trong đó phần lớn lợi nhuận không đến từ hoạt động kinh doanh taxi mà đến từ thanh lý xe cũ với gần 75 tỷ đồng.
Đáng chú ý, báo cáo tài chính bán niên của Vinasun cũng cho biết hãng taxi này đã phải cắt giảm gần 8.000 lao động chính thức chỉ trong 6 tháng đầu năm 2017.
Cụ thể, tính đến ngày 30/6, số lượng nhân viên toàn công ty chỉ còn 9.179 người, trong khi đầu năm con số này là 17.160 người. Trong đó, riêng công ty mẹ đã có tới 7.046 lao động phải nghỉ việc.
|
Số lượng nhân viên của Vinasun đã giảm gần 8.000 người chỉ trong 6 tháng đầu năm 2017. Đồ họa: Quang Thắng. |
Trước đó, trong công văn kiến nghị Thủ tướng hồi giữa tháng 5, Vinasun cho biết chỉ riêng trong quý I, 4.239 lao động phải nghỉ việc và 300 đầu xe nằm bãi mà nguyên nhân chính là chịu ảnh hưởng từ cạnh tranh "thiếu lành mạnh" từ Uber và Grab.
Cùng với đó, thời gian vừa qua Vinasun cũng đang tiến hành chuyển đổi mô hình kinh doanh từ phân chia lợi nhuận sang cho thuê bao xe.
Trước đây Vinasun sở hữu xe taxi và thuê tài xế rồi chia sẻ doanh thu, chi phí theo tỷ lệ thỏa thuận và lái xe trở thành nhân viên của công ty thì với mô hình thuê bao xe. Lái xe sẽ nhận toàn bộ doanh thu và phải trả lại cho Vinasun tiền thuê cố định từ 600.000-800.000 đồng/tháng.
Với mô hình này, xe taxi vẫn là của hãng nhưng tài xế phải chi trả toàn bộ chi phí liên quan đến xe như chi phí xăng dầu, bảo dưỡng, sửa chữa, bến bãi... Trên thực tế lái xe sẽ không còn là nhân viên của công ty và Vinasun không chịu trách nhiệm nộp bảo hiểm xã hội cho lao động của mình.
Cách đây không lâu, khi Vinasun áp dụng mô hình này, nhiều người cho rằng hãng đang làm khó với chính tài xế của mình và nhiều tài xế taxi vì không chịu được mức phí thuê xe cũng như chi phí vận hành quá lớn đã phải nghỉ việc.