Tại buổi họp báo thường kỳ quý I/2023 của Bộ Xây dựng, đại diện Thanh tra Bộ Xây dựng cho biết, thời gian qua, Thanh tra Bộ đã tiến hành thanh tra tại 5 tỉnh, thành phố gồm: Đà Nẵng, Long An, Hải Phòng, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu, về hai nhóm vấn đề: Bố trí 20% quỹ đất của các dự án để xây dựng nhà ở xã hội và công tác quản lý sử dụng quỹ bảo trì chung cư.
Đến thời điểm này, Thanh tra Bộ Xây dựng đã hoàn thành và ban hành kết luận thanh tra đối với 5 địa phương có nhiều vi phạm liên quan đến công tác quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì nhà chung cư (2%). Qua thanh tra đối với 19 chủ đầu tư, nhà đầu tư và ban quản trị nhà chung cư, Thanh tra Bộ Xây dựng đã xử phạt vi phạm hành chính đối với 12/19 chủ đầu tư với số tiền 13,3 tỷ đồng, trung bình 1,1 tỷ đồng/chủ đầu tư.
|
Quý I/2023, Thanh tra Bộ Xây dựng đã xử phạt 13,3 tỷ đồng đối với 12/19 chủ đầu tư trong danh sách thanh tra do có vi phạm về quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì nhà chung cư. (ảnh minh họa: Internet). |
Đại diện Thanh tra Bộ Xây dựng cũng cho biết, sau khi tiến hành lập biên bản xử phạt đối với những sai phạm, đơn vị cũng yêu cầu các chủ đầu tư phải thực hiện một số công việc: Khi đủ điều kiện theo quy định thì phải tổ chức hoặc đề nghị địa phương tổ chức hội nghị nhà chung cư lần đầu; thống nhất với ban quản trị về phần diện tích, thiết bị thuộc sở hữu chung của nhà chung cư theo Luật Nhà ở để bàn giao quỹ bảo trì chung cư; bàn giao đầy đủ hồ sơ nhà chung cư cho ban quản trị...
Bên cạnh đó, Thanh tra Bộ Xây dựng cũng buộc 10/12 chủ đầu tư phải mở và gửi vào tài khoản kinh phí bảo trì số tiền 254,1 tỷ đồng (trung bình 25,4 tỷ đồng/chủ đầu tư); buộc 6 chủ đầu tư quyết toán và bàn giao kinh phí bảo trì cho Ban quản trị số tiền 513,8 tỷ đồng, trung bình đã chuyển 85,6 tỷ đồng/ban quản trị (bao gồm cả % phần diện tích chủ đầu tư giữ lại). Đồng thời kiến nghị kiểm điểm đối với 19 tập thể, 14 cá nhân để xảy ra vi phạm, tồn tại.
Cụ thể, tại dự án Alphanam Luxury (quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng), Công ty CP địa ốc Alphanam làm chủ đầu tư không đóng đầy đủ kinh phí bảo trì phần sở hữu chung nhà chung cư vào tài khoản đã lập theo quy định. Ngoài ra, chủ đầu tư đã chi kinh phí bảo trì không thuộc công tác bảo trì như: sửa chữa mái tại sảnh, lắp đặt bản lề kính cường lực, mua trang thiết bị PCCC... hơn 100 triệu đồng. Qua quá trình làm việc với đoàn thanh tra, chủ đầu tư đã chủ động khắc phục tồn tại, đóng tiếp kinh phí bảo trì đối với phần diện tích mà chủ đầu tư giữ lại hơn 5,3 tỷ đồng.
Cùng đó, tại chung cư F-Home (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng), Công ty CP lương thực Đà Nẵng không mở một tài khoản thanh toán (tại một tổ chức tín dụng đang hoạt động tại Việt Nam) để nhận tiền bảo trì và chậm gần 1 năm chuyển kinh phí bảo trì cho ban quản trị. Chủ đầu tư bàn giao không đầy đủ phần sở hữu chung nhà chung cư cho ban quản trị.
Tương tự, chung cư Summit (quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) do Công ty TNHH Đất kinh tuyến số Một làm chủ đầu tư cũng vi phạm không mở tài khoản tiền gửi kinh phí bảo trì và chậm bàn giao phí bảo trì cho ban quản trị. Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng đã ban hành quyết định xử phạt chủ đầu tư 180 triệu đồng vì bàn giao chậm, bàn giao không đầy đủ kinh phí bảo trì phần sở hữu chung nhà chung cư.
Tiếp đó, tại chung cư Monarchy (quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng), Công ty CP Đầu tư phát triển nhà Đà Nẵng vi phạm chậm mở tài khoản tiền gửi kinh phí bảo trì phần sở hữu chung nhà chung cư (hơn 1 năm tòa B).
Hay, tại dự án chung cư CT2 The Minato Residence (quận Lê Chân, TP Hải Phòng), Công ty TNHH Minato Việt Nam có các hành vi vi phạm: Giai đoạn 2020- 2022, chủ đầu tư không ghi trong các hợp đồng mua bán với khách hàng về thông tin tài khoản phí bảo trì; 19 căn hộ chưa nộp phí bảo trì. Theo đó, thanh tra chỉ rõ trách nhiệm thuộc chủ đầu tư và khách hàng mua 19 căn hộ. Thanh tra Bộ Xây dựng xử phạt chủ đầu tư hơn 400 triệu đồng vì những hành vi trên.
Ngoài ra, dự án chung cư thương mại DIC Phonenix (TP Vũng Tàu) do Tổng Công ty CP đầu tư phát triển xây dựng làm chủ đầu tư với các vi phạm như: Không mở một tài khoản thanh toán nhận tiền bảo trì; chậm nộp 58 tháng số tiền hơn 31 tỷ đồng phí bảo trì... Dự án chung cư Vũng Tàu Gateway (TP Vũng Tàu), chủ đầu tư không ghi trong hợp đồng mua bán thông tin tài khoản phí bảo trì phần sở hữu chung nhà chung cư; chậm gửi 14 tháng số tiền hơn 20 tỷ đồng phí bảo trì.
Tại Chỉ thị số 02/CT-BXD ngày 15/9/2021 về tăng cường công tác quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung nhà chung cư, Bộ Xây dựng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo cơ quan chức năng phối hợp cơ quan công an trên địa bàn để xử lý hình sự đối với các trường hợp có dấu hiệu vi phạm trong quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì theo quy định, thực hiện cưỡng chế và xử lý nghiêm chủ đầu tư không bàn giao kinh phí bảo trì cho ban quản trị.
Chỉ đạo Sở Xây dựng các địa phương tổ chức thanh tra chuyên ngành về nhà ở, trong đó tăng cường thanh tra công tác quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì các nhà chung cư. Khi phát hiện tổ chức, cá nhân có dấu hiệu tội phạm về quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì thì chuyển cơ quan điều tra theo quy định.
Đối với chủ đầu tư công trình nhà chung cư, Bộ Xây dựng yêu cầu mở 1 tài khoản thanh toán tại 1 tổ chức tín dụng để gửi tiền quỹ bảo trì chung cư theo quy định. Sau khi mở tài khoản, chủ đầu tư phải có văn bản thông báo cho Sở Xây dựng nơi có dự án biết về tên tài khoản, số tài khoản, tên tổ chức tín dụng để quản lý. Khi ban quản trị các chung cư được thành lập thì phải bàn giao ngay kinh phí bảo trì cho ban quản trị theo quy định.
Bộ Xây dựng cũng nghiêm cấm chủ đầu tư chiếm dụng, lấn chiếm không gian và các phần thuộc sở hữu chung; tự ý thay đổi kết cấu chịu lực hoặc thay đổi thiết kế phần sở hữu riêng trong nhà chung cư; sử dụng sai mục đích phần diện tích thuộc sở hữu chung hoặc phần diện tích làm dịch vụ trong nhà chung cư hỗn hợp so với quyết định chủ trương đầu tư được phê duyệt.