Trước đây, người dân ở miền Tây chủ yếu chằm lá dừa nước để bán, nay có thêm thu nhập ổn định từ nghề chẻ trái dừa nước lấy cơm dừa.
Từ 7 giờ sáng, bà con sống ven những cánh rừng tràm ở xã Mỹ Phước, huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng bắt đầu ven theo các con kênh để đốn dừa nước.
|
Ảnh minh họa (Internet). |
Mỗi buồng dừa nước trước khi đốn, bà con phải chẻ thử một trái để xem cơm dừa có đủ độ mềm, dẻo.
Trung bình mỗi ngày tùy theo dừa tới lứa thu hoạch nhiều hay ít, bà con chia thành 2 lần đốn và cách nửa tháng, những buồng dừa này lại tiếp tục ra buồng mới, thu hoạch xoay vòng.
Dừa nước hiện được xem là một trong những loại cây trồng xóa đói giảm nghèo hiệu quả cho người dân nông thôn ở xã Mỹ Phước.
Dừa nước sau khi được đốn về, những người đàn ông trong gia đình sẽ dùng búa để đập, tách trái ra khỏi buồng.
Hiện xã Mỹ Phước đã thành lập được tổ hợp tác liên kết tiêu thụ dừa nước với 16 tổ viên tham gia khai thác trên 100ha dừa nước sẵn có của gia đình. Ngoài ra, một số hộ hợp đồng thuê đất lâm trường để khai thác với mức giá 1 triệu đồng/ha/năm.
Bà Lê Thị Nga, Tổ trưởng Tổ Hợp tác liên kết tiêu thụ dừa nước, chia sẻ thời điểm đầu, việc tiêu thụ dừa nước của các gia đình rất khó khăn. Dần sau đó, khách đặt hàng nhiều và đông hơn, trong khi đó việc cung cấp sản phẩm theo hình thức nhỏ lẻ từng gia đình mang lại lợi nhuận không cao, nên bà con quyết định liên kết thành lập tổ hợp tác.
Hiện toàn xã Mỹ Phước có khoảng 60 - 70 hộ đang phát triển nghề chẻ dừa nước. Nhận thấy được tiềm năng nguồn nguyên liệu dồi dào, UBND xã Mỹ Phước đang định hướng xây dựng sản phẩm OCOP từ cơm dừa nước như đóng lon hoặc sấy dẻo, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, giải quyết việc làm cho lao động địa phương