Giống gà được nhắc đến ở đây là gà đen H’Mông – giống gà nội địa ở nước ta. Khi còn là sinh viên năm 2 của Học viện Nông nghiệp, anh Nguyễn Thanh Bình (Yên Bái) biết đến giống gà này sau một lần đi tình nguyện về các bản của tỉnh mình. “Vào năm 2016, tôi biết đến giống gà này, thấy màu của chúng đẹp và lạ nên tôi đã tìm hiểu”, anh nói.
Theo anh tìm hiểu, đây là một giống gà bản địa có nguồn gen quý, có nguồn gốc từ các bản của người dân tộc H’Mông. Tuy nhiên, hiện nay giống gà bị lai tạp và số lượng gà thuần chủng hầu như không có nhiều. Đặc biệt, giống gà này thích nghi rất tốt, khỏe mạnh, thịt ngon, bổ dưỡng, được nhiều người ưa chuộng và mang laị giá trị kinh tế cao. Anh nghĩ ngay đến việc nuôi, nhân giống, bảo tồn giống gà này.
Anh Bình phải lặn lội đi vào các vùng bản xa xôi để mua được gà H'Mông thuần chủng.
Ngay thời điểm đó, anh đã quyết định nuôi giống gà này. Nhưng khi bắt đầu nuôi, anh vấp phải không ít khó khăn. Một phần về kinh tế, phần khác là đi tìm giống thuần chủng khá khó khăn.
“Để tìm được giống gà gốc, tôi phải đi vào nhà người dân tộc H’Mông ở bản để mua nhưng lại chỉ đi được buổi tối. Đường đi vào bản rất xa và nguy hiểm, có lần trời mưa gió rất to nhưng lỡ hẹn với dân rồi nên đành phải đi. Hôm đó, tôi chạy xe máy hơn 100km mới tới nơi, chọn được gà ưng ý, họ lại đòi giá cao hơn nhiều so với thời điểm hứa bán. Vì đi xa, lại mệt, tôi đành chấp nhận mua với giá cao”, anh Bình nhớ lại.
Chưa kể, việc bất đồng ngôn ngữ với người dân tộc H’Mông cũng khiến việc mua và chọn lọc giống gà này trở nên khó khăn hơn.
Gà con được bán ra thị trường với giá dao động từ 30-50 nghìn đồng/con.
Gà thịt giá dao động từ 180.000 - 200.000 đồng/kg.
Nói về giống gà này, anh Bình cho biết chúng có vóc dáng thon gọn, cân đối, bay nhảy tốt, gà thích ngủ trên cây cao, thích đào bới thức ăn ngoài tự nhiên. Khi nuôi khoảng 6 tháng, gà đạt đến độ trưởng thành, gà trống có cân nặng từ 1,8 - 2,5kg, gà mái từ 1,5 - 2kg. Tuy nhiên, cân nặng của chúng cũng phụ thuộc vào chế độ chăm sóc và từng vùng nuôi. Nhưng để gà có thể sinh sản được, người nuôi phải chăm sóc từ 8-10 tháng.
Lông của gà H’Mông đa dạng, từ màu đen tuyền đến màu vàng, trắng, cũng có những cá thể màu tía đỏ, màu chuối vàng. Chúng có 3 kiểu lông chính: mượt, xước, thú (dạng lông tơ, mịn và xù như lông thú). Trứng của chúng có màu giống với trứng của giống gà ri bản địa, đạt trọng lượng trung bình từ 35gram - 55gram/quả
Giá bán của loại gà thịt dao động từ 180.000 – 200.000 đồng/kg, gà con dao động từ 30 - 50 nghìn/con giống. Hiện, nhà anh Bình nuôi khoảng 150-200 con gà đẻ và anh chủ yếu bán con giống từ 1 tuần tuổi đến 1 tháng tuổi để xuất cho khách hàng toàn quốc. Mỗi tuần, anh có từ 100-150 con gà giống để bán. Ngoài ra, anh còn bán trứng và gà thương phẩm. Tuy nhiên, cung vẫn luôn thiếu, nhà anh luôn trong tình trạng thiếu hàng để bán.
Anh hướng dẫn cho các thanh niên có nhu cầu học hỏi về cách nuôi gà này làm kinh tế.
Đặc biệt, giống gà này được rất nhiều người ưa chuộng vào các dịp lễ, Tết. Cụ thể, các dịp Tết năm 2020 và 2021, khách hàng hầu như phải đặt mua trước cả tháng với giá gà thịt dao động từ 180.000 – 230.000 đồng/kg để làm quà biếu Tết. Có thời điểm, loại gà này còn lên giá đến 400.000 đồng/kg vào dịp Tết 2015 mà vẫn thiếu hàng bán.
“Giống gà này nuôi không mất nhiều công. Khâu chọn lọc con giống cần chú ý nhiều nhất. Vì vậy, mỗi ngày, tôi chỉ dành 2 tiếng buổi sáng để cho gà ăn, chiều dành 1 tiếng để kiểm tra đàn gà và nhặt trứng gà đem ấp. Buổi tối, tôi dành một chút thời gian bắt gà, còn lại chăm sóc khách hàng và kiểm tra gà trước khi gửi cho khách”, anh nói.
Anh cho biết trên thị trường, người tiêu dùng sẽ thấy không ít loại gà lai gắn mác gà H’Mông. Tuy nhiên, để phân biệt chính xác được gà thuần chủng hay lai, khách hàng phải có chút kiến thức và gà phải từ 3 tháng tuổi trở lên dựa vào dáng vóc, cân và da, xương của gà. Còn gà mới nở, khó ai phân biệt được. Vì vậy, anh khuyên người tiêu dùng nên lựa chọn nơi uy tín dể đặt mua.
Với mong muốn cung cấp nhiều con giống chuẩn ra thị trường, đáp ứng nhu cầu khách hàng, anh Bình đã thành lập tổ hợp tác thanh niên chăn nuôi giống gà H'Mông trong xã. Bên cạnh đó, mô hình này cũng để chia sẻ kiến thức chăn nuôi, cùng phát triển giúp thanh niên làm kinh tế giỏi.
Hiện, giống gà này cũng được Bộ NN - PTNT giao Viện Chăn nuôi thực hiện dự án “Hoàn thiện quy trình công nghệ chăn nuôi vịt Bầu Quỳ và gà H’Mông”, sau đó giống gà HMông được liệt vào danh sách nuôi giữ giống gốc từ năm 2003. Từ năm 2006, Trung tâm Thực nghiệm và BTVN tiếp tục triển khai đề tài: “Chọn lọc nâng cao năng suất chất lượng 3 giống gà đặc sản (H’Mông, ác, Thái Hoà)”.