Nếu bắt gặp những cây cao mọc đầy chùm quả chi chít như thế này, bạn có thể ăn mừng ngay lập tức vì đây chính là cây bời lời - loại cây sở hữu rất nhiều “báu vật” đáng tiền được người Việt ưa chuộng.
Cây bời lời còn được gọi là bời lời nhớt, bời lời dầu, sơn kê, và nhiều tên gọi khác, có tên khoa học là Litsea glutinosa, thuộc họ Long não (Lauraceae). Cây có thể cao tới 10 mét, với thân cây nâu, không vị và không mùi, bên trong chứa chất nhớt.
|
Cây bời lời, loài cây “hái ra tiền” của người Việt. |
Hiện nay, cây bời lời nhớt chủ yếu mọc hoang, nhiều nhất ở các vùng Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, và một số ít ở Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Giang, Quảng Ninh, Tuyên Quang. Ngoài ra, cây còn được tìm thấy ở miền Nam Ấn Độ, Trung Quốc, Indonesia, Malaysia, và Campuchia.
Gỗ cây bời lời được dùng để lấy chất nhầy trong công nghiệp làm giấy hoặc làm hương nén. Quả bời lời được thu hái vào tháng 7-8 hàng năm, ép dầu để nấu xà phòng hoặc làm nến. Trên chợ mạng, bạn có thể tìm mua vỏ bời lời khô để tự làm dầu gội, nước rửa bát sinh học với giá chỉ từ 16 - 20.000đ/kg.
|
Trái bời lời mọc theo chùm... |
Ngoài ra tại Trung Quốc, quả bời lời với vị cay tê đặc trưng còn được dùng phổ biến để làm gia vị ở các khu vực miền Nam nước này. Quả có mùi thảo dược thơm nồng, và nếu bạn xoa chúng vào tay rồi ngửi thử sẽ thấy rõ mùi cay nồng.
Ở Hồ Nam, Quý Châu (Trung Quốc), người dân rất thích gia vị được làm từ quả bời lời. Giá tương cay làm từ loại quả này cũng ngày càng tăng, lên đến hơn 60 NDT/kg (195.000đ/kg), bằng với giá mua quả tươi. Nhiều nơi ở Quý Châu còn ép quả thành dầu để làm gia vị nêm nếm các món ăn thêm đậm đà.
|
Bời lời có thể ăn, vừa có thể ép dầu để nấu xà phòng hoặc làm nến. |
Tại Việt Nam có 3 loại bời lời, trong đó cây bời lời nhớt chứa nhiều thành phần hóa học quý giá, khiến nó trở thành một vị thuốc quan trọng trong Đông y. Mọi bộ phận của cây đều có thể được sử dụng làm dược liệu, đặc biệt là vỏ thân, nơi chứa chất nhầy dính thường dùng trong sản xuất giấy và hương thắp.
Hạt bời lời chứa tới 45% dầu béo, đông đặc ở nhiệt độ thường, với các thành phần chính là olein và laurin. Gỗ non của cây có một lượng tinh dầu nhỏ, nhưng tỷ lệ này giảm đi khi cây già.
Trong y học cổ truyền, cây bời lời nhớt có tính hàn, vị đắng nhẹ, giúp giảm viêm, tiêu độc, cầm máu, giảm đau cực tốt. Lá bời lời phơi khô, hãm cùng nước ấm, uống như nước trà có công dụng điều trị ợ chua, chướng bụng, táo bón, khó tiêu…