“Sản phẩm làm từ cỏ bàng được khá nhiều người ưa chuộng. Không chỉ khách hàng trong nước, nhiều khách nước ngoài cũng đặt mua”, anh Nguyễn Nhật Thanh (trú tại Đức Hòa, Long An) – người kinh doanh các sản phẩm từ cỏ bàng, cho biết.
Cây cỏ bàng còn gọi là bàng, cói bàng, có thân dưới cứng, to khoảng 8–10 mm, nằm ngang trong bùn. Thân cỏ bàng thẳng đứng cao khoảng 1 m, có ngấn ngang, đáy có 3-4 bẹ, bao nhau cao 15–20 cm. Cỏ bàng thường mọc ở vùng đất ngập nước phèn chua, nhiễm mặn như ở Long An, Đồng Tháp, Hà Tiên.
Trước kia, cỏ bàng được người dân đồng bằng sông Cửu Long thu hoạch để làm các sản phẩm thủ công mỹ nghệ như: đan đệm, nón, bao bì, làm nón, lợp nhà tranh. Tuy nhiên, ngày nay, nghề đan đệm, đan túi mất dần. Hiện nay, chỉ những người lớn tuổi thuộc thế hệ cô chú, ông bà mới có thể đan được một tấm đệm hay một cái túi hoàn chỉnh.
Cỏ bàng được người dân thu hoạch về đan các sản phẩm như túi, mũ...
Những chiếc túi xách được đan từ cỏ bàng.
Với mong muốn giữ gìn nghề truyền thống và bảo vệ những cánh đồng cỏ bàng, bảo vệ hệ sinh thái đất nhiễm phèn, anh Thanh đã bắt tay vào liên kết với người dân làm các sản phẩm từ cỏ bàng để bán ra thị trường.
“Vì sản phẩm này giá cả không quá đắt, chỉ dao động từ 35.000 – 70.000 đồng/sản phẩm mà lại rất thân thiện với môi trường. Ngoài ra, túi cỏ bàng đựng được trọng lượng lớn, có thể chịu tải đến 10 kg, người dùng có thể dễ dàng xếp lại bỏ cốp xe, giặt bằng nước bình thường. Độ bền khá tốt, có thể sử dụng đến 2 năm. Cuối cùng, túi cỏ bàng mang tính thẩm mỹ cao”, anh nói về ưu điểm từ túi cỏ bàng.
Giá bán mỗi sản phẩm từ 35.000 - 70.000 đồng.
Hơn nữa, người dùng sử dụng loại túi này cũng góp một phần giúp những người đan túi có thêm thu nhập, khôi phục nghề truyền thống. Bởi hầu hết người đan túi bây giờ đều là người có tuổi, không có thu nhập làm nghề này.
Chính vì vậy, khi mới mở bán ra thị trường, anh nhận được khá nhiều đơn đặt hàng, không chỉ trong nước mà cả những người nước ngoài. Có những lúc khách hàng đặt trước để làm, anh làm theo yêu cầu và số lượng nên rất gấp rút và áp lực.
Điều này giúp nhiều người dân có thêm thu nhập từ việc đan túi và các sản phẩm từ cỏ bàng.
Thời điểm trước khi có dịch Covid-19, mỗi tháng, trung bình anh bán được khoảng 100 các sản phẩm từ cỏ bàng như nón, túi xách, đệm…, trong đó túi làm từ cỏ bàng là bán chạy nhất. Với số lượng bán ra này, những người thợ làm túi cũng có thu nhập ổn định.
Nhưng từ khi dịch diễn biến phức tạp ở nước ta, tình hình kinh doanh khá khó khăn, số lượng bán ra giảm hẳn nhưng anh vẫn cố gắng bán ra thị trường, duy trì thu nhập cho những người thợ đan túi.
“Tuy nhiên, cơ sở sản xuất của tôi còn quá nhỏ, chưa thể đáp ứng được quá nhiều sản phẩm một lúc. Phần khác, tôi cũng không thể quảng bá nhiều vì đây chỉ là nghề tay trái. Vì vậy, số lượng bán ra thị trường vẫn còn hạn chế”, anh cho hay.
Để làm các sản phẩm này, người dân cần làm nhiều công đoạn khác nhau.
Theo anh, để làm ra các sản phẩm từ cỏ bàng, người dân làm rất nhiều công đoạn. Ban đầu, dân sẽ đi thu hoạch cỏ về nhà rồi phân loại theo độ dài – ngắn của cây. Người dân sẽ đem cỏ này rửa sạch rồi phơi khô, cần phơi khoảng 4-7 nắng. Sau đó, cỏ bàng khô được chất vào kho để dùng dần. Khi nào sử dụng, cỏ bàng sẽ lấy ra đi ép bằng máy hoặc dập thủ công và phơi thêm lần nữa để đan.
“Những sản phẩm từ cỏ bàng nhìn thì khá đơn giản nhưng thực tế, người thợ đan rất vất vả. Họ làm thủ công hoàn toàn nên mất nhiều sức và thời gian. Để hoàn thiện một sản phẩm, một người phải ngồi miết từ 2 tiếng mới xong được, đó là chỉ tính thời gian đan của những người quen việc”, anh cho hay.
Trong tương lai, anh dự định sẽ phát triển và mở rộng sản xuất và thị trường để có thể bán ra nhiều sản phẩm hơn nữa, đem lại nguồn thu nhập cho bản thân và cho những người làm nghề đan túi từ cỏ bàng.